25/11/2022 14:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Ngày càng nhiều nhân sự đăng ký nghỉ phép hằng năm để giải quyết các công việc tồn đọng. Đây là một xu hướng có khả năng vắt kiệt sức, gia tăng trầm cảm và tổn thương sức khỏe thể chất người lao động.
Để giải quyết khối lượng công việc chồng chất tại chỗ làm, nhiều nhân viên cố gắng dậy thật sớm để check mail, tranh thủ làm thêm vào cuối tuần. Và đặc biệt, có một xu hướng chạy deadline mới đang tăng lên, núp bóng dưới cái mác “nghỉ ngơi” nhưng thật ra lại khiến người đi làm “stress” hơn bội phần: Xin nghỉ phép để làm việc. Thói quen này được gói lại trong thuật ngữ “leavism” (tạm dịch: chủ nghĩa xin nghỉ phép).
Đây là thuật ngữ được tạo ra bởi tiến sĩ Ian Hesketh, Đại học Manchester, Anh. Khi nghiên cứu về đời sống tinh thần và chất lượng sống, ông dùng thuật ngữ để mô tả về hiện tượng nhân sự tận dụng thời gian nghỉ để làm việc nhiều hơn.
Cùng với trào lưu du lịch để ngủ hay du lịch trả thù, xin nghỉ phép để đi làm cũng là một trào lưu tăng mạnh từ sau đại dịch. Theo báo cáo vào năm 2022 của Viện Phát triển Chuyên sâu Chartered (CIPD), 67% tổ chức cho biết nhiều nhân sự trong công ty đang trải nghiệm “chủ nghĩa xin nghỉ phép”, 76% cũng báo cáo các trường hợp nhân sự gặp căng thẳng trong khi nghỉ việc, con số này tăng lên đến 90% ở các tập đoàn lớn. Xu hướng này có thể nhìn thấy rõ ở những trường hợp sau:
- Bạn cảm thấy không khỏe, nhưng thay vì xin nghỉ ốm, bạn xin nghỉ phép thường niên (ngày nghỉ phép có lương), hoặc xin được linh động thời gian làm việc.
- Mang việc về nhà để làm vào ban đêm, cuối tuần. Đây thường là khối lượng việc không thể giải quyết nổi trong 8 tiếng trên công ty.
- Làm việc trong lúc đi nghỉ dưỡng để luôn bắt kịp tiến độ.
Nghiên cứu của CIPD tại Anh trong một thập kỷ qua còn cho thấy mối liên hệ giữa việc nghỉ phép và mức độ căng thẳng tăng dần đều ở nhóm người xin nghỉ. Nhà quản lý chính sách tại CIPD, Ben Willmott khẳng định: “Việc chuyển sang làm việc tại nhà nhiều hơn đã xóa nhòa ranh giới giữa cuộc sống riêng tư và chỗ làm việc. Hệ quả là người ta rất khó để tắt máy và ngắt liên lạc. Mọi người có thói quen làm việc kể cả khi đang nghỉ phép”.
Sasha, giám đốc marketing của một trường đại học tại Vương quốc Anh tỏ ra không mấy ngạc nhiên với xu hướng này. “Mình xin nghỉ chỉ để giải quyết nốt các công việc. Lúc mình quay lại chỗ làm sau nghỉ sinh thì khối lượng việc tăng lên gấp đôi. Không thể nào bắt kịp”.
Sasha ký hợp đồng làm việc theo giờ nhưng thường phải làm thêm vào những ngày không được trả lương. “Sếp mình không hỗ trợ nhiều cho nhân viên. Mình cố gắng làm vì không muốn công việc gián đoạn hay team mình gặp rắc rối, đặc biệt là khi mình được linh hoạt giờ làm và còn có thêm ngày nghỉ mỗi hai tuần. Có quá nhiều thứ phải giải quyết. Hoàn toàn không được tăng lương, ngân sách bị đóng băng nên cũng không thuê freelancer được”. Mặc dù có đến 10 năm kinh nghiệm, Sasha cũng không đủ sức cáng đáng mọi việc. Cô buộc phải làm thêm vào những ngày được nghỉ phép.
John cũng là một “nạn nhân” khác của làn sóng làm việc quá độ. “Đầu tiên là mình làm thêm giờ ngày bình thường, rồi đến cuối tuần, và cả vào ngày nghỉ - những dịp mà đáng ra phải nghỉ ngơi, hồi phục”.
Cuối cùng, anh đổ bệnh vì lao động quá sức và phải nhập viện, nghỉ ngơi hai đến ba tuần. Sau đó công ty áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho anh, nhưng văn hóa chung thì vẫn vậy, những người khác vẫn tiếp tục làm việc ngày đêm. “Một trong những giám đốc từng bị đột quỵ, còn phó giám đốc nghỉ việc vì áp lực. Điều ngang trái nhất là công ty của mình lại là công ty về sức khỏe và chất lượng sống”. Sau khi đánh giá sức khỏe của bản thân, John học cách đặt ra giới hạn bản thân và ngừng ôm đồm mọi thứ.
Lý do đầu tiên khiến nhiều người xin nghỉ thường niên để làm việc là vì không muốn sếp đánh giá thấp. Trong khi nghỉ, họ không bị thúc giục và giao thêm các deadline mới, nhờ đó có thể tranh thủ giải quyết các việc tồn đọng. Xin nghỉ dưới dạng “nghỉ ốm” nhiều lần, quản lý có thể đặt câu hỏi về sự cam kết và năng lực cống hiến của bạn, đặc biệt là ở những môi trường làm việc kiểu cũ, nơi mà sức khỏe tinh thần chưa được coi trọng đúng mức.
Aisha là một nhân viên đang nghỉ thai sản. Chị đã dùng hết số ngày nghỉ phép thường niên và giờ thì đang dùng tới ngày nghỉ ốm. Mặc dù vắng mặt trong những buổi họp team nhưng chị vẫn ngầm theo dõi tiến độ công việc: “Mình làm giám đốc PR cho một tổ chức từ thiện lớn, quy trình làm việc của nhóm nhìn chung bất ổn nên mình phải lao vào làm cùng kể cả khi không có ai yêu cầu.”
Các nhà tâm lý học cho biết, có những thời điểm, sếp đưa ra kỳ vọng thiếu thực tế, còn nhân viên lại muốn ôm việc, hay cảm thấy không yên tâm khi giao cho người khác. Quy trình giao việc, nhận việc, phân công công việc còn khó khăn hơn khi làm việc từ xa.
Ngoài ra, trong thời kỳ biến động, một công việc giúp đảm bảo là tài chính là ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Khối lượng công việc có thể tăng lên nhưng lại ít nhân lực hơn, vì thế một số người cáng đáng rất nhiều trách nhiệm. Dễ hiểu, chúng ta có xu hướng đẩy mạnh hiệu suất, làm việc ngoài giờ để tăng khả năng cạnh tranh. Lên tiếng đòi quyền lợi đôi khi bị đánh đồng với “năng suất thấp”, “không làm được việc”.
Covid khiến xu hướng làm việc hybrid (kết hợp từ xa và lên văn phòng vào một số ngày nhất định) phổ biến hơn. Trong khi một số người thích ứng tốt, thì có người nhận thấy quản lý của họ đang coi sự linh hoạt này như cái cớ để duy trì văn hóa làm việc 24/7.
Ben Willmott nhận định: “Đây là phong cách làm việc không bền vững. Nếu mọi người cảm thấy áp lực ngay cả khi nghỉ làm, về lâu dài doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất”. Nghiên cứu của CIPD tại Anh chỉ ra, căng thẳng và vấn đề sức khỏe tâm thần luôn nằm trong số ba nguyên nhân hàng đầu khiến một người muốn nghỉ việc.
Cách tốt nhất để doanh nghiệp hạn chế tình trạng này là bắt đầu từ những người đứng đầu. Nếu quản lý gửi email trong khi đang ngồi tắm nắng ở bãi biển, nhân viên cũng có áp lực phải làm điều tương tự, tức là phải làm việc trong lúc nghỉ ngơi.
Nhà tâm lý học Kasia Murphy nhận định những nhân viên nghỉ phép để làm việc là những người thiếu “an toàn tâm lý” tại nơi làm. Nếu họ sợ sếp, không dám tắt máy hoặc không dám chia sẻ khó khăn vì sợ bị sếp “ghim”, thì tình trạng làm việc kiệt sức sẽ xảy đến một sớm một chiều.
Lời khuyên của Murphy là hãy lập danh sách các giá trị và nhu cầu của bạn tại nơi làm, kiểm tra xem chúng có khớp với giá trị và nhu cầu của tổ chức không. Thực tế là có rất nhiều công việc đòi hỏi bạn làm thêm giờ vài ngày một tuần, hoặc luôn trực điện thoại để đọc tin nhắn khẩn cấp từ khách hàng và sếp.
Nếu bạn thích môi trường tại đây vì bạn được trả lương xứng đáng, được lắng nghe, học được nhiều điều, bạn có thể ở lại. Nếu không, thì sắp xếp khối lượng công việc cũng không giải quyết được vấn đề. Đáp án là bạn cần tìm một công việc khác.
Chuyên gia đào tạo kỹ năng công việc, Debbie Denyer cũng nhìn thấy làn sóng này đang gia tăng. Một khách hàng bộc bạch với cô rằng, họ phải tham dự 17 cuộc họp những ngày gần đây, rất nhiều trong số đó không cần thiết.
Debbie nhận định, nhân sự thường rơi vào tình huống không biết quyết định sao cho hiệu quả vì não đã quá tải, họ thậm chí không đủ thời gian để nghỉ ngơi. Debbie giúp khách hàng bình tĩnh quan sát bản thân và nhận diện hậu quả của nỗi ám ảnh công việc - không chỉ bản thân họ bị ảnh hưởng mà còn là những người đồng nghiệp khác, hay gia đình và người thân. Dưới đây là lời khuyên Debbie dành cho những nhân sự muốn tận dụng thời gian nghỉ để làm việc:
- Học cách ưu tiên: Liệt kê và sắp xếp các đầu việc theo mức độ quan trọng. Bám sát mục tiêu và cố gắng tổ chức ngăn nắp, đừng tạo ra quá nhiều ngoại lệ.
- Đừng làm nhiều việc một lúc: Hãy đặt một thời gian cụ thể cho từng đầu việc, hạn chế đa nhiệm. Thực tế bạn sẽ năng suất hơn nếu tập trung giải quyết cho xong một chuyện.
- Tìm kiếm trợ giúp: Nói chuyện với sếp hoặc tìm sự trợ giúp từ đồng nghiệp khi cảm thấy bị quá tải hay không thể đáp ứng deadline đúng hạn. Hãy nhớ sếp không thể thấy được những cống hiến vô hình của bạn trong ngày nghỉ, cái họ thấy rõ là chất lượng kết quả cuối cùng và tiến độ làm việc.
- Kết hợp thói quen: Bạn có thể thay đổi hành vi dễ hơn nếu bạn liên kết thói quen mới với những thói quen cũ. Ví dụ nếu bạn hay dắt chó đi dạo vào buổi tối, hãy tạm tắt thông báo điện thoại để thoải mái đi dạo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất