03/02/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Tháng 9 năm qua, tại Thái Bình đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế "Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp", nhằm xây dựng hồ sơ khoa học, trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (2/8/1726 - 2/8/2026). Như vậy tiếp theo đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vào năm tới, rất có thể chúng ta lại có cơ hội được tổ chức các hoạt động tôn vinh một nhà bác học lớn của dân tộc.
Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn về danh nhân Lê Quý Đôn.
Hiếm có ông quan nào như Lê Quý Đôn…
Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 11/6/1784), lúc nhỏ tên Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường; sinh trong gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, từng đỗ đầu ba kỳ thi: Giải nguyên (Thi Hương, 1743), Hội nguyên và Bảng nhãn (Thi Hội và thi Đình, 1752).
Về đường quan chức, Lê Quý Đôn phục vụ cả ở triều vua Lê và bên phủ chúa Trịnh, mạnh cả về văn và võ, sự nghiệp kinh bang tế thế, khoa cử, giáo dục, ngoại giao, hành chính, hình luật, lịch sử, địa lý…
Trong suốt thời trung đại, hiếm có vị quan nào lại được thăng thưởng, tham dự nhiều chức vụ như Lê Quý Đôn, trải từ Thị thư rồi sung Toản tu quốc sử quán, thăng Thừa chỉ Viện Hàn lâm và Học sĩ ở Bí thư các để duyệt kinh sách; từ Thị giảng đến Hàn lâm viện Thị giảng rồi kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thăng Hữu thị lang bộ Hộ kiêm Thiêm đô Ngự sử, thăng Tả thị lang bộ Lại kiêm Tổng tài Quốc sử quán, thăng Thị lang bộ Hộ kiêm Đô ngự sử, thăng Tả hiệu điểm quyền Phủ sự (ngang Tể tướng, trông coi việc phủ chúa) và Thượng thư bộ Công, kể cả việc được điều chuyển giữ chức Lưu thủ, Đốc đồng, Tham chính, Hiệp trấn, Tham tán quân cơ ở nhiều địa phương khác nhau.
Sinh thời ông từng được phong tước Dĩnh Thành bá, Nghĩa Phái hầu, Dĩnh Thành hầu, đến sau khi mất còn được gia tặng Dĩnh Quận công…
Qua suốt thời phong kiến, hiếm có ông quan nào như Lê Quý Đôn lại trải nhiều lĩnh vực, tham dự nhiều công việc từ triều chính tới địa phương, từ nội trị tới ngoại giao như thiết lập pháp chế, soạn điển chế, quốc sử, biên khảo thư tịch, sáng tác thơ văn, tham dự đánh dẹp khởi loạn, khám duyệt hộ khẩu, thuế khóa, lập sổ hộ tịch, khẩn hoang, lập đồn điền, điều tra sự nhũng lạm của quan lại, khảo sát tình hình đời sống dân chúng và chủ khảo nhiều khoa thi Hội,…
Cũng suốt mười thế kỷ trung đại, thật hiếm có ông quan nào đi nhiều như Lê Quý Đôn, bước chân trải khắp kinh thành Thăng Long đến các vùng quê, từ miền biển tới non cao, từ Bắc vào Nam, qua khắp các vùng miền Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thuận Hóa…
Khi vừa tròn 35 tuổi (1760), Lê Quý Đôn đã làm Phó sứ trong phái đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc) báo tang và nộp cống. Trong chuyến đi sứ này, ông đã lên tiếng phản đối thói quan lại nhà Thanh gọi sứ đoàn Đại Việt là "di quan, di mục" và yêu cầu phải tôn trọng đoàn "An Nam cống sứ". Tại Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), nhiều đại quan, Nho thần như Binh bộ Thượng thư Lương Thi Chinh, Công bộ Thượng thư Quy Hữu Quang đã đến thăm ông và phái đoàn. Đặc biệt hơn, ông còn tiếp xúc với sứ thần Hồng Khải Hy và đoàn sứ Triều Tiên, cùng xướng họa thơ ca và chủ ý giới thiệu Thánh mô hiền phạm lục (Chép về chuẩn mực thánh hiền, 12 quyển), Quần thư khảo biện (Luận bình các sách, 4 quyển) và Tiêu Tương bách vịnh (Trăm bài vịnh sông Tiêu Tương) cho học giới phương xa đọc và đề tựa. Trong số đó, học giả Đề đốc Học chính Quảng Tây Chu Bội Liên đã vinh danh: "Ông Lê Quế Đường ở Nhật Nam hiểu biết sâu rộng về các sách sử... Tài sánh ngang hào kiệt, học đáng bậc thánh hiền… Nước tôi có nhiều nhân tài, nhưng những người có tài như sứ quân đây chỉ được một vài" (Lời tựa Quần thư khảo biện)...
Là nhà nho hành đạo tài năng, Lê Quý Đôn xông pha trên nhiều lĩnh vực, dám chịu trách nhiệm, luôn thẳng thắn bày tỏ chính kiến qua các bản khải, tấu sớ, nghị bàn. Được giao nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, phù hợp với cả những công việc tổng tài, duyệt sách, biên tập quốc sử, thanh tra, khám duyệt, quân vụ, tán lý vốn đòi hỏi bản lĩnh và sự hiểu biết sâu rộng.
Khi được thăng Tả thị lang bộ Lại, ông quyết liệt xin lập lại pháp chế, từng tâu trình lên nhà chúa bốn điều liên quan trực diện đến công tác nhân sự và tổ chức xã hội: "1) Sửa đổi đường lối bổ quan; 2) Sửa đổi chức vụ các quan; 3) Sửa đổi thuế khóa nhà nước; 4) Sửa đổi phong tục của dân" (Phan Huy Chú, Nhân vật chí)…
Trong tình thế phải hòa giải "lưỡng đầu chế" giữa hai thế lực vua Lê chúa Trịnh và đủ mọi đấng quan lại lắm chiêu nhiều trò, Lê Quý Đôn không khỏi có lúc đi giữa ba làn đạn, bị đồng liêu gièm pha, nghịch dân bất hòa, bề trên ra uy giáng chức. Tuy nhiên, trước sau ông vẫn tự khẳng định bản lĩnh con người cá nhân, thể hiện tinh thần quang minh chính đại, phẩm chất thanh cao mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi nhận trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: "Tháng 6, mùa hạ (1765). Lê Quý Đôn, Tham chính Hải Dương bị bãi. Từ khi sang sứ nhà Thanh trở về nước, rồi bổ làm Tham chính Hải Dương, Quý Đôn tự giãi bày chín tội, nhưng thực ra là tự kể công lao của mình"...
"Trên tất cả, Lê Quý Đôn là nhà bác học toàn năng, con người hành động, nói đi đôi với làm, thể hiện năng lực suy tư, sáng tạo và trước tác bậc thầy" - PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn.
Trước tác bậc thầy
Trên tất cả, Lê Quý Đôn là nhà bác học toàn năng, con người hành động, nói đi đôi với làm, thể hiện năng lực suy tư, sáng tạo và trước tác bậc thầy.
Ngay khi mới đỗ kỳ thi Hương, ông đã vừa dạy học vừa hoàn thành bộ sách đồ sộ Lê triều thông sử (1749, 30 quyển). Ông đi nhiều, đọc rộng, nhìn đâu cũng thấy đề tài, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng chăm chỉ quan sát, tìm hiểu, sưu tầm, thống kê, biên chép. Chỉ riêng sách Vân đài loại ngữ (9 chương), ông đã dẫn tới 557 đầu sách. Tổng số sách của ông lên tới 40 bộ, gồm đủ các môn loại bàn giảng về kinh, truyện, khảo cứu cổ thư, sử ký, địa lý, sưu tập thơ văn; Bắc sứ thông lục (Chép việc khi đi sứ Bắc, 4 quyển), Phủ biên tạp lục (Tạp chép chính sự cõi biên thùy, 6 quyển), Kiến văn tiểu lục (Chép chuyện tai nghe mắt thấy, 12 quyển), Toàn Việt thi lục (Chép thơ nước Việt, 20 quyển)…
Bên cạnh loại sách biên khảo, Lê Quý Đôn còn sáng tác hai tập thơ chữ Hán với Quế Đường thi tập (Tập thơ Quế Đường, 4 quyển), Quế Đường văn tập (Tập văn Quế Đường, 3 quyển). Về sáng tác Nôm hiện chỉ còn bài "khải" bằng văn xuôi (chép trong Bắc sứ thông lục) và tương truyền còn có thơ thất ngôn bát cú Rắn đầu biếng học, một bài văn sách hỏi và hai bài kinh nghĩa …
Là nhà bác học vốn mạnh về biên khảo, trước thuật, Quế Đường Lê Quý Đôn cũng đồng thời là nhà nghệ sĩ ngôn từ nghệ thuật. Với gần 600 bài thơ chữ Hán còn lại, có thể nhận số lượng lớn các bài thơ của Quế Đường thuộc dòng thơ du ký, liên quan đến hoạt động công vụ, nhân việc nhà vua, việc triều đình, việc nước, việc nhà quan mà kết hợp đi thăm, du ngoạn, đề vịnh nơi danh lam thắng cảnh, nơi di tích lịch sử, nơi địa linh nhân kiệt. Vì thế, nhan đề bài thơ thường gắn với động từ chỉ hướng mang tính đặc thù tâm thế du ngoạn: Du (thăm, chơi), khán, phỏng (thăm, qua thăm), độ (qua, vượt), quá (qua), quan, thị, (xem), vọng (trông), đăng (lên, đi lên), trú (dừng lại, ở lại)… Đến đâu ông cũng có thơ ghi chép lịch trình, tái hiện phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người, làm thơ đề vịnh, bày tỏ cảm xúc của mình trước mỗi vùng đất cụ thể.
Phải có một tâm hồn ham xê dịch, đam mê cái mới ở mỗi vùng đất thì Quế Đường mới có được những bài thơ du ký phong phú đến như thế.
Phong cách nghệ thuật Quế Đường Lê Quý Đôn thực sự phù hợp với kiểu tác giả quan chức nhà Nho, đúng như ông đã nhận định: "Các nhà thơ đều có sở trường riêng. Người đài các thi tụng (quan văn tại triều) thì thơ phải êm dịu, dồi dào. Kẻ ở nơi quân thành biên thú thì thơ phải hoang lạnh, hào tráng. Nhà thơ ưa cảnh vật các mùa thì thơ phải có giọng thanh tao, tươi đẹp; ưa rừng núi, ẩn dật thì thơ phải có thú nhàn rỗi, phóng khoáng. Nếu chuộng nặn nọt, ưa mới lạ, gò gẫm từng chữ, từng câu, thơ làm ra sẽ kém" (Bài giới thiệu Toàn Việt thi lục)…
Xu thế "hướng tâm" và "ly tâm"
Đi sâu tìm hiểu phạm vi phản ánh hiện thực và những quy phạm nghệ thuật có thể nhận thấy thơ Quế Đường biểu cảm khá rõ cả hai trạng thái, xu thế hướng tâm (thể hiện con người chính thống, chức năng, phận vị) và ly tâm (thiên về biểu lộ tình cảm cá nhân, tiếng nói trữ tình, bên lề, phán xét, phản biện). Với Lê Quý Đôn, ngay cả ở dòng thơ du ký vốn dễ có điều kiện bộc lộ xu thế ly tâm và tiếng nói con người cá nhân thì xu thế hướng tâm vẫn là chiều hướng chủ đạo.
Nhìn chung, trên cả hai xu thế "hướng tâm" và "ly tâm", thơ của Quế Đường Lê Quý Đôn thể hiện sự thực hành thuần thục các giá trị thẩm mỹ trong tâm thế một nhà Nho chính thống, một quan chức thi nhân thành đạt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất