Cơ chế của “sốc, sex”

20/06/2011 10:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề Xin đừng “Playboy hóa” báo chí! trên trang thông tin điện tử của báo TT&VH sẽ diễn ra vào 9h ngày 21/6/2011 tại địa chỉ www.thethaovanhoa.vn (bạn đọc có thể tham gia đặt câu hỏi tại đây). Khách mời của chúng tôi là 3 người nổi tiếng trong hoạt động báo chí: Đó là PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, đạo diễn Lê Hoàng, nhà báo Phạm Thanh Hà. Hưởng ứng cuộc giao lưu này, bạn đọc Thu Giang đã gửi cho TT&VH bài viết bày tỏ suy nghĩ riêng của mình về chủ đề gây tranh cãi này.

Cuộc giao lưu trực tuyến về chủ đề Xin đừng “playboy hóa” báo chí sẽ diễn ra từ 9h ngày 21/6 trên www.thethaovanhoa.vn

1. Nhiều người thấy tin tức giật gân theo kiểu “sến, sốc, sex” chỉ toàn là nhảm nhí. Ví dụ, một bài viết từng nêu vấn đề “Đặt tít đứa trẻ “lộ quần chip” - Đạo đức xã hội ở đâu?”, trong đó bàn tới việc bé gái của vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng cũng không thoát khỏi trò “câu view” rẻ tiền của một tờ báo mạng. Câu hỏi “Đạo đức ở đâu?” là xác đáng, nhưng trước sự ngập tràn của thông tin giải trí, tôi e là không lời đáp.

Trong bài viết này, tôi chưa dám bàn tới mặt đạo đức của câu chuyện, vì một khi đã bàn, không thể chỉ buông một câu nhận xét mà xong. Nhưng tôi cứ băn khoăn xem cơ chế nào khiến cho những câu chuyện “hở quần chíp”, “lộ hàng”, “khoe ngực khủng”, “hở nội y” ngày càng phổ biến, và mức độ dung chứa của công chúng như là không giới hạn.

Từ góc độ nghiên cứu truyền thông, cái nhu cầu “nhìn trộm”, “nghe lén” của con người đã đạt tới một phẩm cấp mới nhờ vào các phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 1938, nhà xã hội học Louis Wirth (Mỹ) đã chỉ ra một đặc trưng xác đáng của đô thị trong bài viết kinh điển Urbanism as a way of life (Đô thị như một lối sống). Đó là sự chuyển đổi từ giao tiếp liên cá nhân (trực tiếp giữa người với người) trên cơ sở gia đình, họ tộc, làng xóm, sang giao tiếp đại chúng thông qua các phương tiện truyền thông.

Cụ thể hơn, vào thời kỳ tiền văn hóa đại chúng, các cá nhân định vị sự tồn tại xã hội của mình bằng cách trò chuyện với hàng xóm, họ hàng, con cháu. Nhờ mối kết giao trực tiếp ấy mà họ biết mình thuộc về cùng một cộng đồng thông tin, bởi tất cả cùng biết chung một chuyện. Nào là bà X tậu xe mới, con ông Y đỗ đại học, hay con bé Z dính bầu.

Thế còn người đô thị? Họ lấy gì để định vị sự tồn tại mang tính xã hội của mình, khi mà ở cả nơi sinh sống lẫn nơi làm việc, họ chỉ là những cá nhân rời rạc, chẳng chung quê quán, cũng không cùng huyết thống? Đó là lý do khiến họ ủy thác và lệ thuộc vào mạng lưới truyền thông đại chúng, để nhận biết sự tồn tại của mình như một cá thể của một tập hợp lớn hơn, từ đó, biết rằng họ vẫn là thành viên của một cộng đồng thông tin nào đó.

Cái cộng đồng ấy, thay vì “buôn” chuyện con bé Z vừa dính bầu, giờ cùng xôn xao về những bà mẹ nổi tiếng (ví dụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà có con). Thay vì thèm muốn sự giàu có của bà X, họ lại cùng ngưỡng vọng sự xa hoa của một chiếc du thuyền, hay căn biệt thự của một người đẹp nào đó. Hoặc thay vì truyền tai nhau chuyện nhà ông Y có con trai vừa đỗ đại học, họ cùng mổ xẻ bảng điểm cấp III của một Hoa hậu mới đăng quang.

2. Tất nhiên, tùy ở tầm mức tham gia vào giao tiếp đại chúng của mỗi người mà mức độ gắn bó của người đó với cộng đồng truyền thông nông sâu khác nhau. Trong khi mẹ tôi, một người 70 tuổi, vẫn miên man nhớ nhung cái thời Đọc truyện đêm khuya thì những công chúng tham gia vào giao tiếp đại chúng một cách sâu sắc, ví dụ như giới văn phòng, hoặc “teen” sẽ phát tán và bàn luận tin tức một cách đặc biệt tích cực. Từ đó, họ thiết lập một quá trình nối dài các câu chuyện đại chúng, tạo ra một cộng đồng thực-ảo lẫn lộn, với sự đan cài của nhiều hệ giá trị. Việc hít thở bầu không khí “đại chúng” một cách thường xuyên và từ khi còn nhỏ khiến nhiều cá nhân trở thành một phần đích thực của thế giới đại chúng, tỉ như các hot girl, hot boy, thói quen pose hình, hoặc “khoe hàng” của teen.



Tìm trên Google từ khóa "Elly Trần" sẽ thấy ngay bên cạnh cái tên này luôn đi kèm các tính từ, danh từ: "sexy", "gợi cảm", "nóng", "nội y", "ngực khủng"...

Sự liên nối giữa tính chất “bình thường” và “hot” này xuất phát từ một đặc trưng rất cơ bản của “người nổi tiếng” đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, điển hình là Graeme Turner (Australia) trong cuốn Understanding Celebrity (2004). Một mặt, người nổi tiếng hết sức “phi thực”, bởi họ dường như không tồn tại thật, mà là sự cộng dồn của vô số hình ảnh đại chúng. Mặt khác, họ lại cực kỳ bình thường, vì cũng sinh con, cũng bị chồng bỏ, cũng có mụn, hoặc vẫn phải nấu cơm. Vì thế, những loạt bài nhắm tới việc giải thiêng ngôi sao, kiểu như “Khi sao không make-up” hoặc “Hoa hậu đi thi tốt nghiệp” chỉ khiến công chúng thêm mê đắm cái thế giới “lộng lẫy” kia, khi nó hàm chứa cả sự “bình thường”, thậm chí “tầm thường” của họ.

3. Nếu trí nhớ của tôi không quá tệ, thì cách đây gần hai thập kỷ, đường phố Hà Nội từng vắng lặng hơn hẳn trong giờ chiếu bộ phim truyền hình Người giàu cũng khóc. Đó có lẽ là lần đầu tiên công chúng Việt Nam, sau những ngày ngột ngạt về cả vật chất và tinh thần của thời bao cấp, được quẳng mình vào cái gọi là giải-trí-đích-thực. Sau đó, chúng ta có SV96 với sự xuất hiện của nhà báo Lại Văn Sâm, MC đầu tiên làm xôn xao công chúng với “chín, chín phẩy năm và chín”.

Cứ thế, những cơn mưa mang tính giải hạn thuở nào dần trở thành những cơn sóng cả, từ sóng Hàn Quốc, Trung Quốc tới “Gái nhảy”, rồi K-Pop, V-Pop v.v... Bây giờ, dường như ai cũng có thể là MC, siêu mẫu, diễn viên (hoặc cả ba thứ cùng một lúc). Chúng ta đã đắm vào một vùng biển ngập sâu của sự-giải-trí trong thời đại thông tin, nơi gần như không thể phân định nổi đâu là gà, đâu là trứng. Đúng như Andy Warhol, nhân vật quan trọng của nghệ thuật đại chúng đã phát biểu: “Ai cũng sẽ nổi tiếng trong 15 phút”.

Từ quan điểm chấp nhận hiện thực, tôi cho rằng, thay vì từ chối vùng biển thông tin ấy mà vẫn không thể thoát khỏi nó, cần phải có một cách dạy bơi/học bơi có hệ thống. Mục đích của sự giáo dục về truyền thông (media literacy) là để con người, đặc biệt là người trẻ tuổi có thể sống tốt trong một thế giới nơi mà hầu hết các giá trị đều bị hình ảnh hóa tới mức điên cuồng. Bài toán này quả là khó, nhưng tôi tin rằng mỗi ông bố, bà mẹ có trách nhiệm đều cần hiểu biết về truyền thông, để cùng học bơi và dạy bơi cho con cái họ.

Thu Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm