Đạo diễn Đào Duy Phúc: “Trần Thủ Độ sẽ là một phim hấp dẫn”

21/05/2009 12:51 GMT+7 | Phim

Bộ phim Trần Thủ Độ dựa trên kịch bản của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn được Ban Chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội giao cho Hãng phim truyện I sản xuất. Đây là tác phẩm do đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc thực hiện với vai trò tổng đạo diễn. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng anh về tiến độ chuẩn bị cho bộ phim lịch sử nhiều tập này.

* Lý do gì khiến tên của bộ phim được rút ngắn gọn là Trần Thủ Độ?

Đạo diễn Đào Duy Phúc
Bộ phim không phải chỉ là câu chuyện về Trần Thủ Độ và người tình của ông mà đây là một sêri phim về thân thế của Trần Thủ Độ và quá trình tạo dựng triều đại nhà Trần. Một triều đại chói lọi trong lịch sử Việt Nam. Trước đó, tên của bộ phim cũng đã được sửa thành Thái sư Trần Thủ Độ nhưng ở phần thứ nhất này Trần Thủ Độ chưa phải là Thái sư mà vẫn chỉ là một chàng trai bình thường ở làng chài Tức Mạc – Thiên Trường đang trong quá trình cùng với họ Trần tiến về Thăng Long.

* Trước hết, anh có thể khái quát vài nét để khán giả hình dung về bộ phim?

Bộ phim được chia làm ba phần: phần thứ nhất là mối tình éo le giữa Trần Thủ Độ (16tuổi) - Trần Thị Dung (16 tuổi) và Thái tử Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) trên nền sự kiện Quách Bốc gây bạo loạn ở Kinh thành Thăng Long. Phần thứ hai là những diễn biến xung quanh cuộc chuyển ngôi (Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh) dưới “bàn tay đạo diễn” của Trần Thủ Độ, cùng sự trợ giúp quan trọng của Trần Thị Dung. Và phần thứ ba là cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất của nhà Trần.

Hiện chúng tôi đã hoàn thành xong kịch bản phân cảnh 15 tập của phần thứ nhất. Toàn bộ triều đình phải chạy loạn khi Quách Bốc chiếm, đốt phá kinh thành Thăng Long. Và Thái tử Sảm phải chạy về lánh nạn ở Thiên Trường (Nam Định). Tại đây, Thái tử đã gặp và ngây ngất trước sắc đẹp của Trần Thị Dung (con gái của Trần Lý - người đứng đầu dòng họ Trần ở Thiên Trường). Nhân cơ hội được phò Thái tử, nhà Trần đã đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Đây cũng chính là bàn đạp để sau này nhà Trần từ Thiên Trường tiến về kinh thành.

* Nhân vật Trần Thủ Độ sẽ được anh khai thác theo góc độ nào?

Nếu dựa theo lịch sử Việt Nam thì sẽ có nhiều “cái nhìn” khác nhau về con người đặc biệt này. Tuy nhiên, khi tiếp nhận kịch bản phim, tôi cũng đồng quan điểm với nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn rằng Trần Thủ Độ là một người khôn ngoan nhiều mưu lược, có công rất lớn cho việc nhà Trần giành được chỗ đứng của mình trong Kinh thành Thăng Long ở phần thứ nhất này. Vì là một người mưu lược và làm chính trị nên Trần Thủ Độ sẽ có những quyết sách rất mạnh mẽ, quyết liệt để giành được thế chủ động. Do vậy, nếu chúng ta chỉ mong muốn một hình tượng nhân vật theo khía cạnh con người hiền lành nhân ái, “từ bi hỉ xả” thì Trần Thủ Độ sẽ không thể trở thành nhân vật lịch sử dựng nên triều đại nhà Trần. Có thể hiểu: không có Trần Thủ Độ sẽ không có triều đại nhà Trần, không có ba lần chiến thắng quân Nguyên oanh liệt của Đại Việt.

Điều đó nghĩa là trên phim, nhân vật Trần Thủ Độ cũng sẽ có những hành động quyết đoán, mạnh bạo để đưa vị thế của nhà Trần lên nắm quyền giúp dân chúng bớt lầm than, đói khổ dưới thời kỳ cuối triều nhà Lý đang suy tàn. Và còn một Trần Thủ Độ khác, bên cạnh trọng trách phải bảo vệ cho thái tử Sảm, đồng thời lại đau đớn chấp nhận nhìn người yêu của mình cưới thái tử. Vì thái tử là con vua, thái tử muốn cũng như trời muốn.

* Văn hóa và phục trang các thời trước của đất nước ta về cơ bản ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc, điều này ảnh hưởng ra sao tới việc làm phim?

Cho tới nay vẫn chưa có một văn bản nào của nhà Trần còn lưu lại hay có hình ảnh chính thức mô tả chi tiết về phục trang và đạo cụ thời Trần nói chung. Không ai có thể đưa ra một khẳng định đâu là những mẫu quần áo mà Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung và các nhân vật thời Trần đã mặc. Chúng ta đều biết rằng riêng trong thời đại nhà Trần, quân Nguyên Mông đã ba lần xâm chiếm nước ta, ba lần kinh thành Thăng Long thành biển lửa nghĩa là các sử liệu quý giá cũng đã cháy rụi, nên giờ đây chúng ta không còn nhiều để tham khảo. Vì vậy, chúng tôi chỉ đảm bảo chính xác các mốc thời gian và dựa vào đó để cách điệu thêm những chi tiết bởi không có khuôn mẫu chính. Ví dụ đối với các đạo cụ, chúng tôi sẽ dựa vào những bình gốm và đồ cổ ở thời trước để phục chế và cách điệu thêm từ các mẫu hoa văn trên đó.

* Bối cảnh phim và trường quay đã được chuẩn bị như thế nào?

Chúng tôi đã hoàn thành xong những sa bàn để xây dựng bối cảnh với tỉ lệ 1/100 gồm có khu dân cư trong thành Thăng Long, đàn tế, quán Cả Ất và cổng Hoàng Thành. Hiện tại, chúng tôi đang chờ các cấp có thẩm quyền duyệt kinh phí làm phim để có thể triển khai càng sớm càng tốt. Nhiều người thắc mắc sao trường quay của phim Trần Thủ Độ vẫn còn trên giấy. Vâng, chúng tôi không thể đào hào, đắp lũy, xây thành…khi chưa có tiền. Lúc này tiến độ làm phim nhanh hay chậm phụ thuộc vào ý kiến từ Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long đồng ý cấp kinh phí cho đoàn làm phim để xây dựng trường quay và tiến hành sản xuất.

Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã đo từng quãng đường di chuyển, từng bối cảnh ở các vị trí phải chỉnh sửa thế nào, tính ra bao nhiêu tiền, hay số lượng cỏ mà một con ngựa ăn hết và cỏ sẽ phải chở từ đâu… Chúng tôi cũng phải tính toán kỹ nếu ngựa không hợp khí hậu bị chết (vì ngựa thuê bên Trung quốc) thì chi phí sẽ thế nào. Tất cả những điều đó đều được chúng tôi thể hiện trong bảng tổng dự toán.

Nếu không có gì thay đổi thì phần quay nội sẽ được dựng ở trường quay Cổ Loa, toàn bộ phần ngoại cảnh được dựng theo sa bàn bối cảnh tại Đồng Mô, riêng phần bối cảnh trong Hoàng Cung sẽ được quay tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc). Ngựa cũng được quay chủ yếu bên Trung Quốc nhưng đồng thời cũng phải đưa một số ít về đây để quay ở phần bối cảnh đã dựng vì Việt Nam không có ngựa đẹp và quen với chiến trận để làm phim lịch sử. Bên cạnh đó, những nài ngựa của họ cũng đồng thời là cascarder chuyên nghiệp, họ có những kỹ thuật riêng để có thể cho những con ngựa quay cảnh với khói lửa, đông người và những cú ngã ngựa mà cả người và ngựa đều không gãy chân.

* Còn công tác tuyển diễn viên cho phim thì sao?

Tôi phải thừa nhận không dễ dàng để tìm được những diễn viên trẻ cho hai nhân vật chính Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung ở vào thời điểm xảy ra câu chuyện, khi đó họ mới 16 tuổi. Trong tháng 4 vừa qua, các trợ lý của bộ phim đã tỏa đi khắp các trường đại học (sau khi nới độ tuổi từ 16 - 24) để lựa chọn những gương mặt tiêu biểu phù hợp. Tiếp theo, họ sẽ phải qua nhiều vòng tuyển chọn và những lớp huấn luyện diễn xuất ngắn hạn. Tiêu chí chung là có hình thức trẻ, đẹp và khả năng diễn xuất tốt. Các bạn hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đặt vấn đề với nhà sản xuất là sẵn sàng giúp đỡ đoàn phim tìm kiếm những gương mặt diễn viên nước ngoài để vào vai Trần Thị Dung. Đây sẽ là phương án trù bị nếu như không thể tìm được gương mặt nào thích hợp trong nước.
 
Theo TGĐA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm