Lan man từ những cuộc 'về quê né dịch': 'Việt tính' đích thực đang ở đâu?

17/10/2021 06:57 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vì không ghi chép nên tôi chỉ nhớ lâu rồi có đọc một tác giả nước ngoài nhận xét đại ý: Giá trị truyền thống của người Việt hiện chủ yếu được lưu giữ ở làng xã. Và tôi đồng tình với ý kiến này.

Chuyện phố phường, làng xã

Chuyện phố phường, làng xã

Bạn tôi bảo: “Lối sống làm ngơ ở các thành phố lớn, nhất là Sài Gòn thì quá rõ". Tôi cũng đã từng là nạn nhân. Tôi cũng chưa kịp hỏi bạn đó là tai nạn gì do thói làm ngơ gây ra.

Vì theo tôi, xét cho cùng, các giá trị gọi là truyền thống đang vận hành ở đô thị về cơ bản đã được hiện đại hóa (và Tây hóa), và một số giá trị gọi là truyền thống đang được quảng bá chỉ là kết quả làm việc có tính lý thuyết của giới nghiên cứu, chưa bảo đảm ý nghĩa thực tiễn.

Vả lại, dù là hình thức, vẫn khó có thể coi 30% dân số đô thị lại đại diện về giá trị truyền thống cho 70% dân số nông thôn!

Không sinh ở nông thôn, nhưng hồi nhỏ đi sơ tán tôi đã sống mấy năm ở nông thôn, nhập ngũ lại đóng quân ở một số vùng nông thôn khác nhau, từ khi làm báo lại tiếp xúc nhiều hơn, rộng hơn, có cơ hội hiểu được một số điều. Theo tôi, dù ở nông thôn vẫn còn một số hiện tượng gọi là “hạn chế, tiêu cực” thì đến hôm nay, muốn biết thế nào là chăm chỉ và cần cù, tình nghĩa cộng đồng, láng giềng, thế nào là gắn bó họ hàng, thờ cúng tổ tiên thực sự bài bản, Tết cổ truyền đúng nghĩa… nên tìm ở nông thôn, vì sẽ khó khăn nếu muốn tìm ở đô thị.

Chú thích ảnh
Người nông dân vội vã trở về với làng xã của mình, nơi dù đói nghèo vẫn yên tâm hơn. Ảnh: có tính chất minh họa

Tôi đã đến nhiều làng quê, dù giàu hay nghèo thì mỗi khi kể về lịch sử “làng tôi”, về thành hoàng, người thành đạt trong làng… ánh mắt người kể vẫn hiện rõ niềm tự hào. Và tôi bái phục một số người có thể kể vanh vách về dòng họ chằng chịt chi trên, chi dưới, rồi lý giải tại sao cụ này lại là cháu ông kia, cô bé kia lại là dì bà nọ… Với tôi, phải vẽ “cây gia phả” thì may ra mới có thể hình dung!

Khó có thể phủ nhận một sự thật là từ cố kết bền chặt, khả năng lưu giữ giá trị truyền thống mà hàng nghìn năm nay, qua bao nhiêu thăng trầm, các thế hệ người Việt ở làng xã đã tạo dựng nên nền tảng bảo đảm người Việt luôn là người Việt.

Với người Việt ở đô thị, phạm vi tiếp xúc văn hóa rộng hơn, nhu cầu tiếp nhận - biến đổi cấp bách hơn, nên “Việt tính” dường như luôn biến động, có thể xác minh điều này qua dấu ấn một số giá trị có nguồn gốc văn hóa Hán, văn hóa Pháp, văn hóa Nga, văn hóa Mỹ trong cuộc sống đô thị?

Thế nên theo tôi, trong các giá trị mà người Việt ở đô thị đương đại đang mang tải, có sự pha trộn phức tạp giữa yếu tố nông thôn với yếu tố ngoại hóa. Bản thân tôi, xét đến cùng cũng vậy. Như mới rồi thấy Facebook của một người Hà Nội chính hiệu đăng bức ảnh anh đang quần đùi may-ô cuốc đất trên mảnh vườn nhà ở Ba Vì, tôi liên tưởng đến ngôi nhà cổ kính của cha mẹ anh ở phố Ngô Sĩ Liên, và nhớ mấy chục năm trước, anh con út của ông bà nhập ngũ trước tôi nhưng ở cùng đơn vị, sau mấy năm quân ngũ vẫn giữ nguyên dáng vẻ công tử Hà thành.

Chú thích ảnh
Phát quà, hỗ trợ công dân từ miền Nam về các địa phương. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đáng chú ý là số phận của 70% người Việt ở làng xã. Đất nước cần, họ rời quê hương đi cứu nước, xong việc, họ về làng “Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó… chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ/ Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm” như Nguyễn Đình Chiểu từng viết. Thời nay cũng vậy, vào Dinh Độc lập xong, 4 anh lính trên xe tăng 390 lại học lái xe lam để kiếm sống, về quê với nghề cắt tóc, làm ruộng, nuôi cá. Nên mỗi khi ngồi nghe cựu chiến binh thời chống Pháp, chống Mỹ đã trở về làng, kể chuyện về thời chiến trận, là tôi lại nhớ 2 câu thơ: “Người lính già đầu bạc - Kể mãi chuyện Nguyên Phong” của Trần Nhân Tông.

Hơn nửa thế kỷ trước, trong thơ Nguyễn Bính có cô gái sau khi “đi tỉnh về” làng thì “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Sau hơn nửa thế kỷ, đã có rất nhiều cô gái “đi tỉnh về” làng mà “hương đồng gió nội” lại bay sạch sành sanh. Nhưng trừ vùng ven đô, làng xã Việt vẫn là làng xã Việt, hầu như ít biến động.

Hàng triệu cư dân làng xã, từ sự học hành và cuộc mưu sinh đã lập nghiệp ở đô thị, và về văn hóa, họ hình thành nên 2 xu hướng: Hoặc cố gắng “đô thị hóa” bản thân, hoặc cố gắng “làng xã hóa” đô thị nơi họ sinh sống. Số đông ở lại, hoặc tiếp tục việc đồng áng, hoặc đến các khu công nghiệp, đến đô thị để mưu sinh tạm thời, nghĩa là vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nguyên quán.

Sự tạm thời đã khiến cho quan hệ với nơi cư ngụ rất lỏng lẻo và cuộc “hành hương” về quê trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy sự lỏng lẻo đó. Người nông dân vội vã trở về với làng xã của mình, nơi dù đói nghèo vẫn yên tâm hơn. Và cái vòng lẩn quẩn đó diễn ra nhiều năm nay, y hệt việc họ được khuyến khích trồng cây này, nuôi con này, nhưng trồng cây này, nuôi con này xong lại không biết tiêu thụ ở đâu, bán cho ai!

Có một đạo diễn điện ảnh từng hỏi tôi về làm phim lịch sử nước Việt, tôi trả lời: Cần phải hướng ống kính về làng xã, đó mới chính là nơi mang chứa các yếu tố của người Việt đích thực; còn hướng ống kính về triều đình, kinh thành và các chiến công mới chỉ là hướng về bề nổi, dễ thành phim về triều đại và danh nhân.

Giờ rất nhiều làng xã đã thay đổi, người làng xã cũng đang thấy mình cần thay đổi. Nên thiết nghĩ, bài toán cần tìm ra lời giải là làm thế nào để người làng xã vừa thoát khỏi sự đói nghèo, vừa bảo đảm phần tinh túy của “Việt tính” đang được lưu giữ ở làng xã không bị biến dạng?

Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm