05/02/2021 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) chuyển giao cho Tập đoàn giáo dục Văn Lang, với giá 0 đồng, đã được xác tín trong mấy ngày qua. Câu chuyện chuyển đổi vốn quá bình thường trong thời kinh tế thị trường, nhưng với đặc thù bóng đá, thì quả thật hơi… gờn gợn!
PVF ra đời từ khá lâu với với ước vọng phát triển bóng đá trẻ Việt Nam, và ai cũng biết Vingroup chỉ là đơn vị kế thừa và phát triển quỹ này, hơn 10 năm qua cũng với chung mục đích, thậm chí được nâng tầm với một hệ thống từ cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn những con người đều “tầm cỡ” thế giới. Đương nhiên, cái đích mà PVF nhắm đến cũng rất cao và xứng đáng – Nơi bắt đầu giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, dân bóng đá không nhiều người biết về Tập đoàn giáo dục Văn Lang, cho đến trước khi họ đầu tư cho CLB Sài Gòn. Họ đã từng công khai kế hoạch hợp tác với Tokyo Nhật Bản, mở Học viện liên kết tại Trung tâm Thể thao Thành Long, và chuyển đội 1 về đây, sao giờ lại chuyển hướng vậy và sao lại được “cho không” một trung tâm đào tạo bóng đá xịn cỡ lớn như vậy?
Thực ra thì trước Tập đoàn giáo dục Văn Lang, có một tập đoàn liên quan đến giáo dục khác là Nguyễn Hoàng, đã thâu tóm bóng đá nhiều trường Đại học phía Nam, ví như Hồng Bàng hay Vũng Tàu... Thật là một tín hiệu đáng mừng, nếu gắn chặt bóng đá với giáo dục thực sự.
Nhưng bóng đá có những đặc thù riêng, không giống như giáo dục hay các địa hạt khác của xã hội. Bóng đá là chuyên môn sâu, là đặc thù, là những con người của bóng đá làm bóng đá, là tích lũy, là kiên nhẫn, gầy dựng... Bóng đá không thể mua đứt bán đoạn hay đổi dự án. Bóng đá học đường gắn với giáo dục, nhưng bóng đá chuyên nghiệp là độc lập hoàn toàn
Quỹ đầu tư và phát triển tài năng trẻ bóng đá Việt Nam chính là con đường độc lập đó, khi nhiệm vụ và cả mục tiêu của nó là phải dồn toàn tâm, toàn lực, toàn tài cho bóng đá chuyên môn thuần túy. Và cũng trên thực tế, hơn 10 năm qua, PVF đã thực hiện đúng với chức năng ấy và cũng đã có những kết quả đầu tiên, được sự ngưỡng mộ, ủng hộ từ chính giới chuyên môn.
Tại sao và như thế nào, Vingroup quyết định “buông” PVF? Đó không phải là câu hỏi mà bài báo này muốn đi tìm câu trả lời, mà là câu hỏi khác – Liệu Tập đoàn giáo dục Văn Lang có tiếp được đà phát triển, đấy mới là sự kế thừa hoàn hảo.
Với những ai đã, đang và sẽ hoạt động trong địa hạt bóng đá, quả thật làm bóng đá tử tế không dễ. Bởi nếu dễ, thì người người, nhà nhà, đã lao ra mà làm bóng đá rồi. Bóng đá là chiến lược và mục tiêu. PVF đã từng công khai tham vọng, gánh vác trọng trách đưa nền bóng đá đến FIFA World Cup 2026. Vậy, mục tiêu ấy có còn tồn tại với “chủ mới”?
Tất nhiên, cả nền bóng đá, với hệ thống các giải đấu quốc gia và giải chuyên nghiệp Việt Nam, không thể kỳ vọng hay mong đợi vào những thần kỳ, ở một Trung tâm đào tạo hay Quỹ phát triển tài năng bóng đá được, nơi mà thậm chí chưa có đội bóng tham dự giải đấu cao nhất xứ sở. Chỉ là hơi tiếc, khi nền bóng đá với khâu đào tạo trẻ cực kỳ quan trọng, lại không còn PVF hay ít ra là cái nguyên bản ban đầu.
Sau Học viện HAGL Arsenal JMG đã đường ai nấy đi (chí ít về cái tên miền), giờ đến PVF, ai dám đảm bảo những Viettel hay CLB Hà Nội, sẽ không hủy hệ thống đào tạo trẻ, sau khi không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư? Và rồi, bóng đá trẻ Việt Nam, sẽ vẫn là câu chuyện muôn đời cũ của các địa phương, của Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa hay Đồng Tháp..., mà thôi.
Làm bóng đá khó, khó lắm lắm là thế…
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất