Lãi suất huy động tiếp đà tăng, lãi suất cho vay có sớm bắt nhịp?

03/08/2024 10:21 GMT+7 | Tin tức 24h

Cập nhật mới nhất từ các ngân hàng thương mại cho thấy lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn tiếp tục tăng. Xu hướng này đã diễn ra trong vài tháng qua kéo theo không ít ý kiến lo ngại liệu lãi suất cho vay có bắt nhịp tăng theo và vốn rẻ liệu có trở nên khan hiếm?

Hút dòng tiền nhàn rỗi

Trong 2 ngày đầu tháng 8, một số ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động nhằm hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa hồi phục rõ nét.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh lãi suất tiền gửi trực tuyến nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng có bước tăng mạnh nhất 0,8%/năm, lên mức 4,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 7-11 tháng cũng tăng từ 0,6-0,7%/năm lên thành 4,9%/năm.

Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được Sacombank niêm yết tăng thêm 0,5%/năm so với trước đó, lên mức 5,4%/năm cho tiền gửi 12-13 tháng; 5,5-5,7%/năm cho tiền gửi từ 15-24 tháng.

Ngoài ra, tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng đều tăng từ 0,1-0,3%/năm so với biểu lãi suất trước đó, hiện dao động từ 3,3-3,6%/năm.

Lãi suất huy động tiếp đà tăng, lãi suất cho vay có sớm bắt nhịp? - Ảnh 1.

Lãi suất huy động tiếp đà tăng. Ảnh: Internet

Không riêng Sacombank, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng vừa tăng nhẹ từ 0,2-0,3%/năm lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất kỳ hạn từ 1-5 tháng lên mức 3,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,1%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng nhập cuộc tăng nhẹ lãi suất huy động trực tuyến. Hiện Agribank niêm yết lãi suất huy động dưới 6 tháng dao động từ 1,8-2,2%/năm, từ 6-9 tháng là 3,2%/năm, tăng từ 0,2-0,3%/năm so với trước.

Trước đó, trong tháng 7, đã có hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, phổ biến với mức từ 0,3-0,7%/năm, bao gồm: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)...

Đánh giá về biến động này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động là động thái phù hợp nhằm cân bằng với tỷ suất sinh lời của một vài kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ... để hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi từ dân cư vào các tổ chức tín dụng tăng mạnh lên gần 6,7 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 3, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái.

Vốn rẻ có khan hiếm?

Xu hướng nhích tăng của lãi suất huy động đã bắt đầu từ cuối tháng 3 và càng trở nên rõ rệt hơn trong thời gian gần đây.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm nay kéo theo lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.

"Lãi suất tăng cho thấy hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn vì cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Nhu cầu tín dụng tăng lên, khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng", ông Hiếu chia sẻ.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng việc tăng lãi suất huy động còn có thể do nợ xấu gia tăng. Khi nguồn vốn cho vay không quay trở lại hệ thống, các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn. Việc tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền mới có thể là biện pháp cần thiết để đảm bảo thanh khoản, nhưng nó cũng đẩy chi phí vay lên cao vì các ngân hàng cần giữ biên độ lợi nhuận từ 3-4%.

Cùng quan điểm, chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất cho vay đã chạm đáy và có khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, lãi suất huy động trong quý III sẽ tăng khoảng 0,3-0,5% và áp lực tăng sẽ tiếp tục trong quý IV, dự kiến cả năm lãi suất sẽ tăng 0,5-1%.

Trên thực tế, "vốn rẻ" vẫn đang được các ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 3,9%/năm khi vay ngắn hạn và từ 6,5%/năm khi vay dài hạn nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động hoặc trả nợ trước hạn tại tổ chức tín dụng khác.

Hay với khách hàng vay vốn mua nhà, VIB đang dành 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với 3 gói lãi suất cố định trong 6, 12 và 24 tháng từ 5,9%/năm. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng cho vay mua nhà ưu đãi lãi suất từ 4,99%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu...

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, cho rằng với chính sách tiền tệ ổn định của Ngân hàng Nhà nước, khuyến khích các ngân hàng thương mại tối ưu chi phí để mang lại mức lãi suất cho vay có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm hoặc ít nhất là duy trì ổn định trong giai đoạn cuối năm nay.

Lê Phương/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm