Lạ lùng cơn 'cuồng đĩa CD' của người Nhật Bản

22/09/2014 07:15 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Dù việc kinh doanh âm nhạc trên khắp thế giới đang thay đổi theo hướng chuộng nghe nhạc số và nhạc trực tuyến hơn, ở Nhật Bản các đĩa CD "cổ lỗ" vẫn giữ vị thế thống trị.

Một buổi chiều, cửa hàng bán đĩa CD thuộc hệ thống Tower Records đã tiếp đón nhiều vị khách như Kimiaki Koinuma, một kỹ sư 23 tuổi.

Đi ngược xu thế thời đại

Koinuma chia sẻ rằng không giống hầu hết thanh niên cùng lứa trên thế giới, anh dành khá ít thời gian cho các dịch vụ âm nhạc kỹ thuật số. Thay vì thế, anh thích nghe nhạc trên đĩa CD hơn. "Tôi mua khoảng 3 CD một tháng" - anh nói và khoe 6 album mới mua, bao gồm cả album cổ điển Exile on Main St của nhóm Rolling Stones, bên cạnh một loạt đĩa nhạc pop đang thịnh hành tại Nhật Bản. Tower Records đã phải đóng 89 cửa hàng kinh doanh đĩa CD tại Mỹ vào năm 2006. Tuy nhiên chi nhánh tại Nhật Bản - được điều hành bởi NTT DoCoMo (hãng điện thoại lớn nhất Nhật Bản), vẫn có tới 85 cửa hàng, mang về 500 triệu USD mỗi năm.

Tại một cửa hàng khác của Tower nằm ở trung tâm mua sắm Shibuya, một nhóm các cô gái trẻ thuộc ban nhạc có tên Kokepiyo đang biểu diễn trước nhiều người hâm mộ và bận rộn ký tặng vào vào đĩa CD. Bên ngoài sự kiện này một sinh viên 18 tuổi tên Yuria đã đến Tower để được thấy ban nhạc Lotus yêu thích của cô.

Yuria mang một túi đầy các mặt hàng lưu niệm và nói rằng mình rất thường xuyên mua đĩa CD thuộc diện sưu tầm. "Mỗi cửa hàng đều tặng kèm theo hàng miễn phí cho khách mua đĩa CD" - Yuria nói - "Chuyện bán được nhiều hay ít đĩa, vì thế, phụ thuộc vào việc các mặt hàng miễn phí này thú vị đến đâu".


AKB48, một trong những nhóm nhạc nữ thành công nhất tại Nhật Bản, đã có chiến lược kinh doanh giúp bán được nhiều đĩa CD

Những nguyên nhân kinh tế và văn hóa

Nhật Bản là một trong những nước áp dụng các công nghệ mới sớm nhất thế giới. Nhưng xu hướng chuộng đĩa CD lại đang thể hiện sự mâu thuẫn với phần còn lại của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Doanh số bán đĩa CD đang giảm trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Nhật Bản. Tuy nhiên ở nước này, đĩa CD vẫn chiếm 85% thị phần các sản phẩm âm nhạc được bán ra, trong khi ở những nước như Thụy Điển, đĩa CD chỉ còn chiếm 20% thị phần.

Kinh doanh nhạc kĩ thuật số tăng tại tất cả các thị trường hàng đầu khác, nhưng đang giảm nhanh chóng ở Nhật Bản. Theo Hiệp hội Công nghiệp thu âm Nhật Bản, doanh thu nhạc số ở Nhật Bản giảm từ gần 1 tỷ USD vào năm 2009 xuống còn 400 triệu USD trong năm ngoái.

“Xoay” Nhật Bản theo đúng chiều phát triển đang trở thành ưu tiên của ngành kinh doanh âm nhạc toàn cầu, vốn đã chật vật đặt chân vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên đây sẽ là điều không dễ dàng, một phần vì môi trường kinh doanh mang tính bảo hộ ở Nhật Bản vẫn nghi ngại các dịch vụ âm nhạc số.

Các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify và Radio, được coi là niềm hy vọng mới nhất của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, đã gặp khó khăn khi tìm cách thâm nhập Nhật Bản. Đơn cử như Spotify đã gần như không đạt tiến triển gì trong hoạt động đàm phán cấp phép kinh doanh với các công ty âm nhạc Nhật Bản, nơi quản lý các thần tượng âm nhạc nội địa với khả năng “kiếm” tốt hơn nhiều so với các đồng nghiệp nước ngoài.

Đã tới lúc để đón nhận nhạc số?

Ngoài đặc thù trên, yếu tố văn hóa cũng có thể là nguyên nhân người Nhật gắn bó với đĩa CD. Người Nhật Bản thích mua đĩa CD để sưu tập. Các album tổng hợp nhiều bản hit cũng được họ ưa chuộng và thường bán khá chạy.

Đó là chưa kể tới việc các ngôi sao giải trí Nhật Bản cũng có vai trò trong việc giúp kéo dài cuộc sống của đĩa CD ở đây. Ví dụ nhóm nhạc nữ nổi tiếng AKB48 đã đi tiên phong trong việc bán đĩa CD và tặng kèm vé xem các buổi biểu diễn trực tiếp. Đây là một chiến lược có công vực dậy doanh số bán đĩa CD. Nó khiến các fan trung thành của AKB48 sẽ mua rất nhiều đĩa CD, dù nội dung các đĩa này đều thuộc về một album duy nhất.

Cuối cùng, môi trường kinh doanh đặc biệt tại Nhật Bản đã giữ được sự hấp dẫn của đĩa CD. Giá bán một đĩa CD ở đây luôn rơi vào khoảng 20 USD. Đây là mức giá khá cao cho một đĩa CD và khả năng sinh lời lớn của đĩa CD đã khiến người ta không muốn từ bỏ nó.

Các nhà quan sát ở đánh giá hiện tượng đĩa CD vẫn thống trị tại Nhật Bản cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc ở đây đang quá thận trọng và không chịu thích ứng với thời đại mới,  nơi nhạc số lên ngôi. Tuy nhiên thẳng thắn mà nói, không phải đĩa CD đã lâm vào cảnh “tuyệt chủng” trên toàn cầu.

Tại Mỹ, hoạt động bán nhạc dưới định dạng kỹ thuật số đã giữ vị thế thống trị từ lâu. Nhưng đĩa CD vẫn chiếm 41% thị phần của một thị trường kinh doanh âm nhạc trị giá 15 tỷ USD. Ngoài Nhật Bản, một số thị trường lớn như Đức vẫn sống nhờ doanh số bán đĩa CD.

Sự gắn bó với đĩa CD này khiến một số nhà phân tích lo lắng. Họ cho rằng nếu các quốc gia không chấp nhận nhạc số, nhạc trực tuyến, sự suy giảm không thể tránh khỏi trong doanh số bán đĩa CD chắc chắn sẽ gây hại cho ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Vân Anh (Theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm