09/03/2014 08:00 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Sinh thời, Carl Philipp Emanuel Bach (8/3/1714-14/2/1788) còn nổi tiếng hơn cả cha mình là nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach. Âm nhạc của ông vẫn tiếp tục tạo ảnh hưởng tới nhiều nhà soạn nhạc những thế hệ sau này.
Nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, các thành phố Hamburg, Berlin, Potsdam, Frankfurt, Leipzig và Weimar đang tôn vinh cuộc đời và tác phẩm của ông với các chương trình hòa nhạc, triển lãm và các buổi nói chuyện.
Thần tượng của Mozart, Haydn và Beethoven
Giữa thế kỷ 18, người yêu nhạc thường nhắc đến “Great Bach” (Bach vĩ đại). Song đó không phải là cách họ gọi Johann Sebastian Bach, người điều khiển ca đoàn nổi tiếng của nhà thờ St.Thomas, đã qua đời từ năm 1750, mà đó là cách họ gọi người con trai thứ hai của ông, Carl Philipp Emanuel Bach. Emanuel Bach là 1 trong 4 con trai của Bach, tất cả đều là nhạc sĩ, tuy nhiên Emanuel Bach là người cấp tiến nhất.
Emanuel Bach là một nhà soạn nhạc quan trọng trong giai đoạn chuyển giao giữa thời kỳ Baroque và cổ điển và là một trong những người sáng lập của phong cách cổ điển. Ông từng chơi đàn trong cung đình của Friedrich II, Đại đế nước Phổ.
Sau này, Emanuel Bach là thần tượng của “First Viennese School”, cách gọi 3 nhà soạn nhạc của thời kỳ Cổ điển trong làng nhạc phương Tây cuối thế kỷ 18 ở Vienna, gồm Wolfgang Amadeus Mozart, Joseph Haydn và Ludwig van Beethoven. Franz Schubert đôi khi vẫn được đưa vào nhóm này. Mozart từng gọi Emanuel Bach là “cha đẻ của tất cả chúng ta”.
Nhà soạn nhạc thiên tài Carl Philipp Emanuel Bach, con trai thứ của Johann Sebastian Bach.
Carl Philipp Emanuel Bach sinh ngày 8/3/1714 ở Weimar. Cha đỡ đầu của ông là nhà soạn nhạc Georg Philipp Telemann, một người bạn của Johann Sebastian Bach.
Sebastian Bach tự dạy nhạc cho các con trai mình. Trong cuốn tự truyện, Emanuel Bach viết, nhờ sự dạy dỗ của cha mà ông may mắn được tiếp cận với “tất cả những gì tinh hoa nhất của âm nhạc, được làm quen với các bậc thầy và thậm chí còn kết bạn với một số nhạc sĩ nổi tiếng”.
Năm 1738, Emanuel Bach nhận được lời mời vô cùng hấp dẫn từ Berlin. Hoàng tử Frederick, sau này trở thành Frederick Đại đế, muốn ông chơi đàn hạc trong dàn nhạc triều đình nước Phổ của mình. Khi biết tin, “Bach cha” đã cảnh báo “Bach con” về cách làm nhạc rất thiển cận trong triều đình. Tuy nhiên, Emanuel Bach vẫn háo hức tạo dựng hướng đi riêng. Ông tới Berlin và ở đây trong suốt 3 thập niên.
Trong triều đình, ông gần gũi với các phong cách âm nhạc mới nhất của thời đó, song ngày càng cảm thấy công việc của mình buồn tẻ, chủ yếu là đệm đàn cho vua thổi sáo. Frederick Đại đế không quan tâm tới những nhạc phẩm du dương soạn cho đàn phím nổi tiếng của Emanuel Bach.
Tuy nhiên, các nhạc phẩm của Emanuel Bach lại nhanh chóng chinh phục được người hâm mộ thuộc tầng lớp tư sản. Ông liên tục đề nghị được rút khỏi triều đình, nhưng Frederick Đại đế không muốn cho ông đi. Khi Hội đồng thành phố Hamburg mời Emanuel Bach kế nhiệm người cha đỡ đầu đã khuất của ông, Georg Philipp Telemann, đảm nhiệm vai trò chỉ đạo âm nhạc 5 nhà thờ chính của thành phố, cuối cùng Vua Frederick đã đồng ý để ông đi.
“Đừng chơi nhạc như chú chim biết hót”
Vai trò mới của Emanuel Bach đòi hỏi ông phải soạn nhạc cho nhà thờ và các dịp lễ. Kết quả là ông đã cho ra đời nhiều bản giao hưởng và Oratorio (nhạc Kinh thánh) mới. Cuối cùng, Emanuel Bach đã thoải mái được bộc lộ mình như ông từng mong muốn. Ông tổ chức các chương trình hòa nhạc riêng, và giống như cha đỡ đầu Telemann, ông tự xuất bản các nhạc phẩm của mình.
Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông, Keyboard Music for Connoisseurs and Music Lovers (tạm dịch: Nhạc đàn phím cho người am hiểu và người yêu nhạc), được xuất bản năm 1779 và một tờ báo ở Hamburg đã bình luận: “Dường như sức sáng tạo của ông không bao giờ cạn. Mỗi bản sonata của ông là một sự độc đáo mới. Nghe Emanuel Bach tự chơi các kiệt tác của mình, thật khó bày tỏ sự ngưỡng mộ ông ở vai trò nào, nghệ sĩ trình diễn hay nhà soạn nhạc”.
Ở lại Hamburg trong 2 thập niên, Emanuel Bach nổi tiếng với phong cách chơi nhạc tràn ngập cảm xúc. Ông từng nói: “Tôi tin rằng âm nhạc trước hết phải chạm được vào trái tim của người nghe. Âm nhạc thực thụ có thể loại trừ được hết thảy những gì không mang tính sáng tạo hoặc máy móc. Nghệ sĩ phải chơi nhạc bằng cả tâm hồn mình, chứ đừng giống như một chú chim biết hót”.
Năm 1775, nhà thơ, nhà soạn nhạc Christian Friedrich Daniel Schubart ca tụng: “Emanuel Bach hướng dẫn người chơi đàn dương cầm giống như gắn nhịp điệu vào thơ. Phong cách soạn nhạc của ông không thể bắt chước được. Các nhạc phẩm của ông vô cùng sâu sắc và hài hòa. Ông không chỉ tạo nên một kỷ nguyên cho chúng ta, mà cho những thời đại kế tiếp”.
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất