Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Gỡ điểm nghẽn thể chế mở rộng không gian phát triển Thủ đô

28/06/2024 14:40 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 28/6, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462/470 đại biểu tán thành. Chia sẻ với phóng viên TTXVN bên lề Quốc hội, các đại biểu tỏ ra rất vui mừng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với số tán thành cao. 

Đại biểu Quốc hội cho rằng, những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện cho Thủ đô vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, những nét đẹp, hồn thiêng của đất nước, nhưng cũng mở rộng được không gian phát triển.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn Tp. Hồ Chí Minh: Kế thừa những tinh hoa của Luật Thủ đô trước đây

Tôi rất mong chờ ngày hôm nay, khi Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô sửa đổi. Bởi Luật Thủ đô đã được thông qua trước đây, nhưng qua quá trình phát triển vẫn còn có những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa những tinh hoa của Luật Thủ đô trước đây, đồng thời cập nhật, bổ sung, tăng cường thêm việc phân cấp, phân quyền cho lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Từ đó có điều kiện đẩy mạnh phát triển Thủ đô của Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Gỡ điểm nghẽn thể chế mở rộng không gian phát triển Thủ đô - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn - TTXVN

Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam có lịch sử nghìn năm văn hiến, Luật Thủ đô lần này sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, những nét đẹp, hồn thiêng của đất nước, đồng thời mở rộng không gian phát triển. Nhất là sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để có thể phát triển không gian ra vùng thủ đô. Từ khu vực trung tâm sẽ phát triển thêm 4, 5 khu vực đô thị ra 4 hướng.

Đặc biệt sẽ tạo một cảnh quan đẹp bên dòng sông Hồng. Từ đó giảm được các điểm nghẽn trong Thủ đô, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp khiến những du khách quốc tế ưa thích như phong cảnh hồ, vườn cây thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn Hà Nội: Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Qua một thời gian có Luật Thủ đô, các khuôn khổ pháp lý hiện giờ đã không còn phù hợp với xu thế phát triển đất nước. Chính vì thế cần sửa đổi Luật Thủ đô để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển, không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn là cả đất nước.

Chúng ta biết rằng, Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, khi Thủ đô đóng vai trò dẫn dắt, trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước, sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững, đạt được những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Gỡ điểm nghẽn thể chế mở rộng không gian phát triển Thủ đô - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Hoài Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh tư liệu: Phương Hoa – TTXVN

Một trong những điều tôi đánh giá rất cao, tích cực trong Luật Thủ đô lần này đó là những quy định về văn hóa. Hà Nội luôn luôn tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế nên những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng là tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước.

Trong Luật Thủ đô lần này, có rất nhiều quy định liên quan đến văn hóa, không chỉ tại Điều 21 quy định riêng về các vấn đề liên quan đến văn hóa mà trong các điều khoản khác cũng có những quy định về các khu công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo.

Chúng ta tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó tạo ra những thuận lợi giúp lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới. Tôi đánh giá rất cao những điều khoản; trong đó thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta có Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và để cho sự quan tâm này trở thành sự thật, đi vào thực tiễn cuộc sống thì những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô sẽ giúp những quan điểm, chủ trương được thực hiện tốt hơn.

Tôi rất vui mừng khi Luật Thủ đô sửa đổi và thông qua quy hoạch phát triển Thủ đô. Tất cả những kế hoạch lớn, các chiến lược lớn này sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động trong thực tiễn cuộc sống.

Ngay trong tháng 7 này, chúng ta sẽ triển khai về kế hoạch liên quan đến phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, đây sẽ là điều kiện tuyệt vời, môi trường thuận lợi để cho các nhà đầu tư có thể yên tâm có được những dự án để phát triển văn hóa nói riêng, cũng như phát triển Thủ đô nói chung một cách thuận lợi.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Hà Nội: Luật pháp hóa về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính

Trước hết, Luật Thủ đô là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước.

Như vậy, một trong những vấn đề cốt lõi trong Luật Thủ đô là pháp lý hóa các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Cái quan trọng nhất là phát huy được truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thủ đô văn minh.

Luật Thủ đô sửa đổi cũng đã luật pháp hóa về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ thành phố đến cấp quận đến phường. Qua đó, có cơ chế ủy quyền, phân cấp nhằm phát huy được cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề tân dụng tiềm năng, lợi thế.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Gỡ điểm nghẽn thể chế mở rộng không gian phát triển Thủ đô - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trương Xuân Cừ. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTTXVN

Thủ đô Hà Nội đã có quá trình là một trong những đơn vị hành chính thu hút nhiều nhân tài, các nhà khoa học. Trong xây dựng, phát triển Thủ đô, đội ngũ tri thức rất quan trọng, thậm chí là nhân tố quyết định để phát triển, nâng tầm Thủ đô.

Tôi nghĩ rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục có các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút người tài. Tiềm năng, lợi thế của Hà Nội chắc chắn sẽ giúp thu hút được nhiều người tài. Đây cũng là một trong những địa phương nhưng có đầy đủ các yếu tố địa lợi, nhân hòa để phát huy lợi thế từ đội ngũ các nhà khoa học. Đây là một trong những yếu tố, tác nhân quan trọng để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Cùng đó, Hà nội cũng đổi mới cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Hà Nội có nhiều lợi thế; trong đó, khu công nghệ cao Hòa Lạc là cơ sở để Thủ đô có môi trường, điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, các nhà khoa học góp sức xây dựng và phát triển.

Thu Hằng - Văn Giáp/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm