Phan Khôi và “sinh nhật” Tình già

06/10/2008 10:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm nay (6/10) là ngày sinh nhật lần thứ 121 của Phan Khôi (6/10/1887) - người mở đầu cho phong trào Thơ mới với bài Tình già (1932). Từ lâu, người ta mặc nhiên thừa nhận công lao khai phá mở đường trong phong trào Thơ Mới của ông qua bài này mà ít thấy có dịp giải thích, thông diễn kĩ càng ngay chính bản thân bài thơ, và lí do sâu xa nó tác động lên cả một thời kì văn học. Bài Tình già đã ra đời gần 80 năm, cần được giải mã, nhất là con số 24 ở ngay câu đầu tiên.

TT&VH xin giới thiệu một cách hiểu khá đặc biệt về bài "Tình già" của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, người vừa tặng hơn 18 ngàn cuốn sách cho Viện Nghiên cứu Xã hội sau nhiều năm sống ở Canada.

Tình già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh, kề nhau than thở:

- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyên cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi

(Phụ nữ tân văn, 10/3/1932)

Hai chữ “tình già”

“Tình già”, nếu hiểu là tình của người già thì có điều khiên cưỡng. Tác giả lúc đó mới 45 tuổi, chưa thể gọi là già. Nếu hiểu là tình xưa nghĩa cũ, như trong thành ngữ “Tình non, tình già” thì đây là một lời bộc bạch riêng tư, rất trái với cá tính và toàn bộ sáng tác của Phan Khôi. Có lẽ cách hiểu hay nhất là mượn chủ đề tình cảm trai gái để nói về một chuyện lớn lao, sâu xa hơn - về một mối cựu tình của chính tác giả, đại diện cho cả xã hội.

Câu mở đầu là mấu chốt của bài thơ và cung cấp cho ta chìa khóa giải mã. Bài thơ xuất hiện năm 1932, trừ đi 24 năm, ta có năm 1908. Đó là năm gì? Trong cuộc đời Phan Khôi năm đó không có một dấu vết về tình ái. Ông ra Huế thi Hương năm 1905 và rớt cử nhân, chỉ được xếp vào hạng tú tài. Đến năm 1913 Phan Khôi mới kết hôn, và cũng là một hôn nhân môn đăng hộ đối trong cùng lớp nhà Nho có tinh thần yêu nước. Nhưng về mặt lịch sử, xã hội, năm 1908 là năm bản lề của Việt Nam. Hai sự kiện nổi bật là:

1) “Đông Kinh nghĩa thục” được phép mở cửa ở Hà Nội năm 1907 thì cũng bị đóng cửa ngay cuối năm đó, kéo qua cả năm sau. Phan Khôi tích cực tham gia vừa giảng dạy chữ Nho, vừa học tập tiếng Pháp và văn minh phương Tây trong phong trào này. Pháp cũng điều đình với Nhật để trục xuất những du học sinh Việt Nam trong phong trào Đông du do Phan Bội Châu chủ xuớng.

2) “Trung kì dân biến” tức cuộc biểu tình chống sưu thuế công khai, ôn hoà, bất bạo động do các nhà Nho yêu nước mở ra ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An… (Quảng Nam) vào năm 1908 rồi lan ra khắp miền Trung và bị Pháp đàn áp khốc liệt. Phan Khôi tham gia hết mình trong cuộc vận động quần chúng đầu tiên của Việt Nam này, và soạn thảo những bài vè cổ động như “Dân Quảng Nam xin sưu”, “Dân quạ đình công”... Tất cả đồng chí của ông đều bị đàn áp, tù tội. Thầy dạy của ông là Trần Quý Cáp bị chém ngang lưng tại Nha Trang. Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La - Nguyễn Thành và nhiều nhân sĩ khác bị tù đày. Năm này là bước ngoặt trong chí hướng của Phan Khôi. Từ đây ông đoạn tuyệt với nền cựu học của nho sĩ và quyết liệt không đội trời chung với thứ văn minh “khai hóa” giả trá của người Pháp.

Hai chữ “đôi ta”

“Đôi ta” đây nếu không hiểu là trai gái thì chỉ có thể giải thích là xã hội phong kiến cũ và xã hội Duy tân mới, là cựu học và tân học, cụ thể hơn nữa là phương tiện giáo dục và truyền thống từ chữ Nho sang chữ abc (chữ Quốc ngữ). Thương nhau thì vẫn mặn mà nhưng không thể lấy nhau làm vợ chồng ăn đời ở kiếp được; cho nên tình trước có mà sau phải phụ bạc. Tương tự như câu Nguyễn Du mô tả mối tình Kiều nhớ Kim Trọng: “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng / Dẫu lìa ngó ý còn vừa vương tơ lòng”. “Sớm liệu mà buông nhau” là sự tuyên bố đoạn tuyệt. Chữ “sớm” này thật là bắt đúng tinh thần của thời đại. Chỉ 2 năm sau là Nhất Linh viết tiểu thuyết Đoạn tuyệt đăng trên tuần báo Phong hoá (1934); và sau đó Vũ Đình Liên khóc cho hình ảnh Ông đồ (1936).
 
Người mở đầu cho phong trào thơ Mới Phan Khôi

Đoạn tuyệt là đề nghị của tân học – duy tân, trách phụ bạc là năn nỉ của cựu học với ý hệ Nho giáo mà xương sống là guồng máy quan lại qua khoa cử và trí thức qua chữ Nho. Quan trọng nhất ở đây là lập luận: “Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng…”. Chữ Nho là ngoại lai, hơn nữa lại là công cụ đồng hóa của ngàn năm Bắc thuộc, về cấu trúc có những điểm đi ngược với tinh thần tiếng Việt (như tiếng bổ nghĩa đặt trước). Nhưng mối “nhân ngãi” lâu đời năm đó không đáp ứng được nhu cầu đổi mới của thời đại và sống còn của đất nước cho nên Phan Khôi đề nghị chia tay, không còn “tính chuyện thuỷ chung” nữa. Sau này Phan Khôi soạn Chương dân thi thoại (1936) và Việt ngữ nghiên cứu (1956) là trong nỗi canh cánh với ngôn ngữ dân tộc mà ông đeo đuổi suốt đời dù nức tiếng là nhà Nho kiệt xuất cả nước, hơn xa nhiều vị khoa bảng cử nhân tiến sĩ khác.

24 năm tức là gần ¼ thế kỉ đã qua đi kể từ cái năm 1908 đó, “Tình cờ đất khách gặp nhau” - tình cờ vì đây là sự trọng vọng của hai ông bà Nguyễn Đức Nhuận và Cao Thị Khanh biệt đãi, trả 100 đồng cho 4 bài viết mỗi tháng, “tức là hơn lương công chức ngạch cao cấp cỡ huyện, phủ”, khi ông làm chủ bút cho tạp chí Phụ nữ tân văn. “Ôn chuyện cũ” là để biết cái mới (ôn cố tri tân) – “liếc đưa nhau…” là tiễn biệt, những “con mắt còn có đuôi” tức không phải thiếu cảm tình lưu luyến.

Tình già xét ra không phải ngẫu nhiên mà có những căn cơ sâu rộng trong lịch sử xã hội cũng như bản thân con người cách mạng ở Phan Khôi. Phong trào Thơ mới phải vinh dự có người mở đầu như thế!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm