Hà Nội là “bộ mặt của quốc gia”, nơi đầu mối giao lưu với toàn thế giới, nên văn hóa càng cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong đời sống của Thủ đô.
Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược - Ảnh 1.

Hà Nội là "bộ mặt của quốc gia", nơi đầu mối giao lưu với toàn thế giới, nên văn hóa càng cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong đời sống của Thủ đô.

Cũng bởi tầm quan trọng đó mà Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến Hà Nội, sự quan tâm đó thể hiện ở nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng mang tính đặc thù riêng cho Hà Nội.

Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược - Ảnh 2.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối 2 quận Long Biên và Hoàn Kiếm của Hà Nội. Đây là cây cầu kết nối giữa lịch sử và hiện tại. Ảnh: Phạm Tuấn Anh – TTXVN

Đó là Nghị quyết số 15, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 80 ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quyết định số 313, ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dựa vào những chủ trương lớn được Trung ương ủng hộ, sau Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Hà Nội đã có nhiều đổi mới và bước tiến trong chỉ đạo phát triển văn hóa, nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Trung ương như: Chương trình số 06 ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội. Nội dung tập trung vào phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025; Triển khai Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Nghị quyết 09 ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Và để có được những đột phá mới, Hà Nội đã và đang chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược - Ảnh 3.

Trải qua thời gian, Hà Nội mở rộng ra cả bốn phía, và hôm nay đã vươn lên một tầm rộng lớn nhiều lần nữa, và lúc này sông Hồng sẽ là trục chính của thành phố. Điều này tạo cho Hà Nội giống nhiều thành phố lớn trên thế giới như Moscow, Paris, London, Seoul…với một dòng sông lớn là trục chính. Xu thế đô thị hóa sẽ là tất yếu trong tương lai, làng xã sẽ giảm dần, thành phố sẽ mở rộng ra khắp mọi nơi trên diện tích tự nhiên. Bộ mặt làng, xã sẽ thay đổi triệt để, đó là xu thế sẽ diễn ra mạnh mẽ của Hà Nội thời gian tới. Vì thế cần có tầm nhìn xa để thích ứng với những thay đổi lớn về mặt văn hóa.

Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược - Ảnh 4.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Hà Nội tập trung cho mục tiêu xây dựng không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô là muốn khai thác lợi thế của "sông mẹ trong văn hóa người Việt". Vì thế, việc phát triển trục sông Hồng để trở thành "một hình mẫu phát triển mới" của Thủ đô chắc chắn là một tầm nhìn chiến lược phù hợp, phản ánh khát vọng của Hà Nội trong việc gắn kết giữa lịch sử, văn hóa và sự phát triển hiện đại. Sông Hồng không chỉ là mạch nguồn sinh thái quan trọng, mà còn mang trong mình dấu ấn lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội. Khai thác không gian xung quanh sông Hồng một cách bền vững, sáng tạo sẽ mở ra cơ hội lớn để thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế đặc biệt của mình.

Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược - Ảnh 5.

Về mặt văn hóa, ông Sơn cho rằng, việc phát triển không gian văn hóa và lịch sử dọc hai bên bờ sông sẽ giúp khôi phục và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc trưng gắn liền với sông Hồng. Qua nhiều thế kỷ, sông Hồng đã chứng kiến những biến động và thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử tại khu vực này sẽ giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của thành phố. Đồng thời, các không gian văn hóa mới cũng có thể trở thành điểm đến cho những sự kiện nghệ thuật, triển lãm, hoạt động cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược - Ảnh 6.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn kết luận: "Với định hướng và quy hoạch rõ ràng, sông Hồng có thể trở thành biểu tượng phát triển mới cho Hà Nội, biểu trưng cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiên nhiên và đô thị. Đây sẽ là một bước tiến lớn không chỉ về mặt không gian phát triển, mà còn là cách Hà Nội khẳng định tầm nhìn chiến lược và sức mạnh văn hóa của mình trong thời kỳ hội nhập toàn cầu".

Hiện nay, hơn 80% giá trị kinh tế toàn cầu được tạo ra từ các đô thị, trong đó các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp một tỉ trọng lớn. Các số liệu thống kê của UNESCO và Ngân hàng Thế giới cho thấy, tại các thành phố lớn trên thế giới, lực lượng lao động làm việc trong khu vực Công nghiệp văn hóa trung bình chiếm 13% tổng vị trí việc làm của thành phố.

Huy Thông – Quỳnh Chi