Kung Fu Panda: Sao người Trung Quốc không làm được?

07/07/2008 11:41 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Chỉ sau hai tuần được trình chiếu tại Trung Quốc, bộ phim hoạt hình Hollywood Kung Fu Panda đã thu được 16 triệu NDT (gần 2,4 triệu USD). Đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh ăn khách ở Trung Quốc, mà nó còn khiến các nhà làm phim nước này phải nhìn lại mình, nhìn lại nền điện ảnh nội địa và kêu gọi Chính phủ giảm bớt sự phê duyệt đối với văn hóa.

Kung Fu Panda là câu chuyện kể về một chú gấu trúc mơ ước giành vinh quang trong võ thuật. Câu chuyện do hãng DreamWorks Animation sản xuất này hút khán giả Trung Quốc đến rạp bởi nó đã “bám” rất chắc văn hóa Trung Hoa bên cạnh nhiều yếu tố hài hước. Sự diễn đạt văn hóa Trung Hoa hết sức tinh tế và đầy thuyết phục trong phim đã khiến một số nghệ sĩ Trung Quốc cảm thấy “hổ thẹn” khi mình chưa sản xuất được một bộ phim như vậy. Hôm 5/7, hãng Tân hoa xã trích lời ông Wu Jiang, Giám đốc nhà hát Kinh kịch Quốc gia Trung Quốc, rằng: "Nhân vật chính trong phim là tài sản quốc gia của Trung Quốc và tất cả các yếu tố trong đó đều là của người Trung Quốc, vậy tại sao chúng ta lại không làm được một bộ phim như vậy?”.
 
Những nhân vật trong Kung Fu Panda

Trong khi đó, đạo diễn trẻ Lục Xuyên (từng thành công lớn với bộ phim Khả Khả Tây Lý) ca ngợi Kung Fu Panda là một tác phẩm điện ảnh tươi vui và phong phú về văn hóa Trung Hoa, là sự hòa trộn giữa phim võ thuật với các huyền thoại kinh điển. "Tôi không thể ngừng tự hỏi khi nào Trung Quốc mới có thể sản xuất được một bộ phim như thế”, Lục Xuyên viết trên tờ China Daily trong số ra hôm 5/7.

Trong bài viết đó đạo diễn trẻ này còn nói rằng chính sự phê duyệt chặt chẽ của Chính phủ đang làm mất dần đi tính sáng tạo của các nhà làm phim Trung Quốc và đó cũng là lý do vì sao anh quyết định từ bỏ dự án làm phim hoạt hình cổ động cho Olympic Bắc Kinh: "Tôi liên tục nhận được sự chỉ đạo phải làm bộ phim hoạt hình đó như thế nào. Với cách làm như vậy chúng tôi chẳng còn hứng thú và niềm vui, không còn trí tưởng tượng và tính sáng tạo để có thể tung ra một sản phẩm thú vị”.

Ngay cả Ban thường trực Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc cũng đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại chưa thể sản xuất được một bộ phim như Kung Fu Panda mặc dù không hề có một yếu tố bí mật nào trong việc làm phim và cũng cho rằng Chính phủ nên nới lỏng sự phê duyệt, mở rộng không gian cho các nghệ sĩ để họ có nhiều sự cách tân hơn, để qua đó văn hóa Trung Quốc tạo được tầm ảnh hưởng lớn hơn ở nước ngoài.
 
Các nhân vật trong phim Kung Fu Panda

Khi bộ phim Kung Fu Panda bắt đầu được công chiếu ở Đại lục vào ngày 20/6, đã có một số nhà phê bình kêu gọi tẩy chay Kung Fu Panda vì đạo diễn Steven Spielberg, một trong những người điều hành DreamWorks là hãng sản xuất bộ phim, đã từ bỏ vai trò cố vấn nghệ thuật của Olympic Bắc Kinh để phản đối việc Trung Quốc “ủng hộ” chính phủ Sudan bất chấp thảm họa nhân đạo ở Dafur. Triệu Bán Địch, một nghệ sĩ Trung Quốc từng đưa gấu trúc vào các tác phẩm nghệ thuật của mình, cũng kêu gọi Tứ Xuyên – quê hương của gấu trúc - tẩy chay phim vì cho rằng Hollywood đã lạm dụng hình ảnh của loài gấu đáng yêu này để kiếm lợi và cho rằng không nên chiếu một bộ phim như vậy ở nơi vừa xảy ra thảm họa động đất.

Song những ý kiến như trên đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội từ công chúng, các nhà phê bình và báo giới. Kết quả là các ông chủ rạp chiếu ở Tứ Xuyên đã phải ngừng việc tẩy chay phim và ngay trong ngày đầu trình chiếu ở Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) phim đã thu về được 1 triệu NDT (145.348 USD).

 Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm