Đội tuyển Đức: Loew sẽ loại bỏ Klose?

12/06/2010 11:45 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Có 3 vị trí mà HLV Loew còn băn khoăn trước trận ra quân: Marcell Jansen hay Badstuber đã hậu vệ trái? Mueller hay Trochowski chơi hộ công? Và đặc biệt: Có thể loại bỏ Klose?

Đó có thể coi như quyết định khó khăn nhất của HLV Loew, bởi Klose là một trong những “công thần” dưới thời Klinsmann chiếm được thiện cảm của ông, cùng với đội trưởng Phillip Lahm, tiền đạo Podolski và tiền vệ Schweinsteiger. Anh còn là cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất trong số 23 người được tập trung lần này, với 94 lần khoác áo “Mannschaft”.


Klose sẽ bị Loew loại bỏ?, Ảnh Getty
Đáng ra với từng ấy “huy chương” trên ngực áo, Klose phải được coi là hoa tiêu trong hành trình chinh phục Mũi Hảo Vọng mới phải. Thế nhưng sự sa sút nặng nề của anh trong màu áo CLB lẫn ĐTQG trong 4 năm qua đã khiến tiền đạo này mất dần uy tín khi đứng trong dòng chảy tấn công vũ bão mà ông Loew đang chủ trương xây dựng cho tuyển Đức.

HLV Loew đã bảo rằng mình vẫn chưa quyết định ai sẽ đá vị trí tiền đạo trong trận gặp Australia, đồng thời đưa ra những cảnh báo rõ ràng cho Klose rằng anh phải nỗ lực hơn nữa. Đó là những động thái cho thấy ông đã nhận ra sự lạc lõng của Klose trong những cách tân chiến thuật của ông để thoát khỏi cái bóng của Klinsmann. Klose là một mẫu tiền đạo ưa thích của cả Loew lẫn Klinsmann, nhưng đặt vào hệ thống mới, anh là một mắt xích lỗi.

Có rất nhiều điểm chung về mặt chiến thuật giữa Klinsmann và Loew (ví dụ như việc sử dụng Lahm không chỉ với vai trò một hậu vệ biên chỉ làm nhiệm vụ tạt bóng, mà còn khuyến khích anh đâm thẳng vào trung lộ và dứt điểm), trừ việc sắp xếp hàng công và đề ra các ý tưởng tấn công. HLV Klinsmann rõ ràng là thích kết thúc đợt tấn công một cách thật đơn giản: Dù lối chơi của đội Đức năm 2006 được triển khai toàn mặt sân, nhưng tất cả các bài phối hợp chỉ nhằm tạo bất ngờ cho những tình huống cuối cùng, thường là những miếng đánh kiểu “sách vở” (ví dụ như triển khai phối hợp ở trung lộ, rồi bất thần đẩy bóng ra biên và tạt cánh cho Klose đánh đầu).

Ngược lại, HLV Loew không cần đưa ra những phương án “nhử đòn”, mà luôn bắt các cầu thủ của mình ứng biến để tạo ra sức ép liên tục, buộc đối phương phạm sai lầm. Đó là một cách chơi phiêu lưu hơn hẳn và đòi hỏi tiền đạo duy nhất không chỉ biết kết thúc tình huống, mà còn phải có óc sáng tạo tương đối để thích ứng linh họat với những vệ tinh tấn công xung quanh.

Klose lại vốn là một mẫu tiền đạo khá cứng nhắc, và điểm mạnh nhất của anh trong thời kỳ đỉnh cao là những cú đánh đầu, hay dứt điểm một chạm cũng không phù hợp với triết lý của Loew: Những tình huống tổ chức tấn công đơn giản khi bất thành có thể khiến đội Đức không thể thu hồi bóng (hiện tại, Đức không có một tiền vệ thủ xuất sắc như Frings năm 2006), vì thế đòi hỏi tất cả các cầu thủ tấn công phải biết giữ bóng để đảm bảo rằng Đức không mất kiểm soát thế trận.

Và từng ấy lý do liệu đã đủ để ông Loew mạnh dạn gạt bỏ Klose, để cuộc cách tân chiến thuật ở đội Đức không trở nên nửa vời?

10

Klose đã ghi được 10 bàn trong 2 kỳ World Cup 2002 và 2006, mỗi giải 5 bàn. Nếu lần này, Klose cũng lặp lại được thành tích đó thì anh sẽ bắt kịp kỷ lục 15 bàn của Ronaldo, chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử các VCK.

250.000 euro cho chức VĐ

Đội trưởng Lahm và các đồng đội có thế “kiếm” được cho mỗi người tổng cộng 250000 euro nếu đoạt danh hiệu VĐTG lần thứ 4 của người Đức trong lịch sử, sau 3 lần vào các năm 1954, 1974 và 1990. Mỗi thành viên của đội Đức sẽ nhận chừng 150000 euro cho thành tích lọt vào trận chung kết, 100000 euro nếu vào đến bán kết, 50000 euro nếu vào tư kết, và 250000 euro cho chức VĐ, tất nhiên là chưa kể các khoản phụ trội khác. Năm 2006, mỗi thành viên tuyển Đức đã nhận đến 300000 euro cho việc đoạt vị trí thứ 3 trên sân nhà. Năm 1954, mỗi thành viên của “Mannschaft” chỉ nhận được... 1280 euro cho chức VĐTG lần đầu tiên.


Ban Cầm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm