Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT qua đề thi tham khảo

13/04/2022 10:11 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều giáo viên đánh giá đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022 tương đồng với năm trước về cấu trúc, mức độ phân hóa rõ ràng. Để đạt điểm tốt, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, thực hành nhiều dạng đề thi.

Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 và phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2021

Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 và phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2021

Theo quy định của Bộ GDĐT, tất cả các địa phương trên cả nước sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia vào ngày 26/7.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Trực tiếp chữa lỗi sai cho học sinh qua đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022, thầy giáo Lê Mạnh Hùng, tổ trưởng bộ môn Toán (Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đánh giá: Cấu trúc và mức độ khó của đề thi tham khảo môn Toán năm nay gần như tương đồng với đề thi chính thức của năm trước.

Theo thầy Hùng, kiến thức của đề thi tham khảo môn Toán chiếm tới 90% trong chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 12 và khoảng 10% ở chương trình lớp 11. Vì vậy, học sinh không được chủ quan bỏ qua kiến thức lớp 11.

Về mức độ phân hóa, thầy Hùng cho rằng, từ câu 39 trong đề thi tham khảo bắt đầu có sự phân hóa. Đặc biệt, từ câu 45 trở đi có sự phân hóa rất cao để phân loại HS giỏi, xuất sắc.

kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp, Ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi, thi tốt nghiệp, thi tốt nghiệp THPT, ôn thi qua đề thi tham khảo, ôn thi THPT qua đề
Cô Trần Thị Mai, Trường THPT Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) trong giờ dạy Ngữ văn.

“Từ câu 1 đến câu số 38 đều là những kiến thức cơ bản trong SGK. Vì vậy, các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK có thể làm tốt những câu này. Từ câu 39 bắt đầu có sự phân hóa, do đó các em cần nắm chắc kiến thức và ôn luyện sâu, kỹ càng”, thầy Hùng chia sẻ.

Đối với đề thi tham khảo môn Ngữ văn, cô Trần Thị Mai, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) đánh giá là vừa sức với học sinh. Đặc biệt là phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở năm học này.

Theo cô Mai, về cấu trúc đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm nay cơ bản tương đồng với đề thi năm ngoái. Với môn học này, giáo viên nếu dạy chuẩn kiến thức và kỹ năng, các em nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt trên điểm 7.

“Với câu nghị luận xã hội ở phần làm văn, đòi hỏi HS vừa có kỹ năng viết vừa có vốn kiến thức xã hội nhưng đồng thời cũng giáo dục nhân cách học trò. Để làm tốt câu này, học sinh phải có vốn kiến thức xã hội nhất định cùng khả năng nhận biết, đánh giá…”, cô Mai nói.

Đối với phần nâng cao, cô Mai cho rằng ngoài kiến thức cơ bản, học sinh cần phải vận dụng kiến thức lý luận văn học vào bài viết. Ngoài ra, cũng không thể thiếu “chất văn” cũng như sự so sánh, liên hệ mở rộng với các tác phẩm cùng đề tài hoặc cùng giai đoạn.

Cô Hà Thị Khuyên, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cũng cho rằng, đối với đề thi tham khảo môn Văn, HS cần nắm vững kiến thức cơ bản.

kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp, Ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi, thi tốt nghiệp, thi tốt nghiệp THPT, ôn thi qua đề thi tham khảo, ôn thi THPT qua đề
Cô Trần Thị Mai hướng dẫn học sinh ôn thi.

Ngoài ra, với đặc thù học sinh của nhà trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy giáo viên cũng cần rèn luyện thêm cho các em các kỹ năng làm bài.

“Để đạt từ 8 điểm trở lên với môn Ngữ văn, không chỉ đơn thuần là nắm chắc kiến thức cơ bản. Học sinh cũng cần phải có vốn sống, sự trải nghiệm nhất định thông qua quá trình đọc sách, báo và am hiểu về xã hội, hiểu biết về lịch sử… và không thể thiếu kỹ năng ngôn ngữ”, cô Khuyên bộc bạch.

Ôn tập theo chủ đề, làm nhiều dạng đề thi

Ở tổ hợp Khoa học Tự nhiên, bài thi tham khảo môn Hóa học và Vật lý cũng nhận được sự quan tâm trên các diễn đàn ôn thi tốt nghiệp THPT.

Đối với môn Vật lý, thầy Nguyễn Văn Trào, giáo viên Vật lý Trường THPT Hoằng Hóa 4 (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đánh giá tương đồng với đề thi năm trước về cấu trúc.

Theo thầy Trào, kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12 và một phần kiến thức lớp 11. Mức độ phân hóa đối với đề tham khảo môn Vật lý năm nay cũng khá tốt. Học sinh ôn thi tốt nghiệp có thể làm tốt 20 câu đầu, từ câu 30 trở đi bắt đầu có sự phân hóa rõ.

“Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK. Với kinh nghiệm ôn thi của tôi, sau khi các em đã nắm chắc kiến thức, có thể ôn tập theo từng chương, theo chủ đề.

Đồng thời, thực hành nhiều với các dạng đề thi dựa trên đề tham khảo. Giáo viên cũng có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi để cho các em ôn tập”, thầy Trào nói.

Đối với môn Hóa học, thầy Lê Duy Tài, môn Hóa Trường THPT Lương Đắc Bằng (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng đánh giá: Đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022 đáp ứng cơ bản của chương trình SGK. Nội dung chủ yếu ở chương trình lớp 12 và một phần kiến thức lớp 11.

Thầy Tài cho biết, từ câu 41 đến câu 68 chủ yếu là kiến thức cơ bản trong SGK. Bắt đầu từ câu 69 có sự phân hóa mạnh. Đặc biệt, một số câu học sinh phải dùng đến thủ thuật Toán học để giải như: Câu 69, 71 và câu 72.

kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp, Ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi, thi tốt nghiệp, thi tốt nghiệp THPT, ôn thi qua đề thi tham khảo, ôn thi THPT qua đề
Thầy Lê Mạnh Hùng và học sinh Trường THPT Hàm Rồng trong giờ dạy học môn Toán.

“Đối với học sinh ôn thi tốt nghiệp chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK có thể làm tốt hơn 20 câu đầu. Nếu làm chính xác những câu này có thể đạt điểm 7”, thầy Tài nói.

Về mức độ phân hóa, thầy Tài cho rằng nên phân hóa từ câu 65 đến 68. Đồng thời giảm bớt độ khó từ câu 69 đến câu 75 và tăng mạnh độ khó từ câu 76 trở đi. Nếu theo cấu trúc này sẽ phân hóa rõ HS khá, giỏi và xuất sắc.

Ở tổ hợp Khoa học Xã hội, đề thi tham khảo môn Lịch sử cũng nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên và học sinh. Cô Lê Thị Ngân, tổ trưởng bộ môn Sử - Trường THPT Triệu Sơn 4 (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đánh giá: “Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2022 của môn Lịch sử ở mức độ trung bình khá. Bắt đầu từ câu 37 trở đi có sự phân hóa cao. Đặc biệt, rất bám với đề thi chính thức của năm ngoái”.

Theo cô Ngân, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo, giáo viê nhà trường đã in và phát cho học sinh làm bài với thời gian tương ứng là 50 phút. Sau khi các em nộp bài, giáo viên sẽ chấm và chữa lỗi sai cho học sinh. Kết quả áp dụng ở hai lớp khối 12 của Trường THPT Triệu Sơn 4 nhận được kết quả rất khả quan.

Để giúp HS ôn tập tốt môn này, cô Ngân cũng soạn ra khoảng 5 đề thi tương ứng dựa trên cấu trúc của đề thi minh họa năm nay. Đồng thời, bổ sung thêm các đề thi minh họa của những năm trước để HS ôn tập, làm quen với các dạng câu hỏi và cách thức đặt câu hỏi.

“Cách làm này cũng được chúng tôi áp dụng vào năm ngoái và nhận được kết quả rất khả quan, với điểm trung bình môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của nhà trường đạt 6,94 điểm. Năm nay, chúng tôi hy vọng điểm trung bình ở bộ môn này sẽ cao hơn những năm trước”, cô Ngân chia sẻ.

Theo Giáo dục & Thời đại

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm