11/10/2022 20:30 GMT+7 | Văn hoá
Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Hoàng Thành Thăng Long đã dần trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa hấp dẫn của nhân dân thủ đô và cả nước.
Như báo điện tử Thể thao và Văn hoá (TTXVN) đã đưa tin, vừa qua, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Tạp chí Ngày Nay tổ chức Hội nghị quốc tế “Vai trò của Nền kinh tế Xanh trong bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên”. Hội nghị có sự góp mặt của ông George Christophides – Chủ tịch Danh dự của Liên hiệp các hội UNESCO thế giới; ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long; ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình; nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam…
Kinh tế xanh là mô hình đang được thế giới hướng tới với 5 lĩnh vực chính là các nguồn năng lượng, công nghệ sạch, nông nghiệp bền vững, cơ sở hạ tầng sinh thái, cắt giảm khí thải và hoạch định phát triển đô thị bền vững.
Tại Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh tuy còn mới mẻ nhưng nước ta có đầy đủ lợi thế như khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào để xây dựng một nền kinh tế xanh trong tương lai.
Báo điện tử Thể thao & Văn hoá lược đăng bài phát biểu của bà Võ Thu Thủy (Phó Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) về chủ đề này:
"Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Hoàng Thành Thăng Long đã dần trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa hấp dẫn của nhân dân thủ đô và cả nước. Thành công đó là minh chứng cho sự trân trọng và ứng xử nghiêm túc đối với di sản, không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nguyên vẹn hệ thống di tích, di vật mà đối với môi trường cảnh quan di sản cũng được bảo tồn và phát huy, xây dựng và kiến tạo không gian cảnh quan di sản “xanh-sạch-đẹp” phục vụ khách tham quan. Đây cũng là một trong những điểm nhấn mà du khách tham quan khá ấn tượng về Hoàng Thành Thăng Long.
So sánh hình ảnh di sản 10 năm về trước, không gian cảnh quan di sản đã có sự thay đổi rõ rệt. Đó là việc trang trí cảnh quan gắn liền với khu vực chức năng, công tác duy trì cảnh quan vệ sinh môi trường được nâng cao rõ rệt, quy hoạch và bảo tồn hệ thống cây xanh thảm cỏ, quy hoạch hệ thống bảng biển định hướng tour tuyến tham quan và bố trí trạm nghỉ dừng chân phục vụ du khách.
Đặc điểm môi trường cảnh quan khu di sản
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có diện tích rộng lớn 126,395ha. Trong đó:
Vùng lõi có diện tích 18,395 ha gồm: Khu di tích Thành cổ Hà Nội: 13,865 ha; khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu: 4,530 ha. Phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Văn Thụ; phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương; phía Nam giáp đường Bắc Sơn và khuôn viên Nhà Quốc hội mới; phía Tây Nam giáp đường Điện Biên Phủ; phía Tây giáp đường Hoàng Diệu, Độc Lập và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.
Vùng đệm có diện tích 108 ha; phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam giáp đường Trần Phú, Ông Ích Khiêm, Sơn Tây; phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương tiếp giáp Bộ Quốc phòng; phía Tây giáp đường Ngọc Hà...
Khu di sản có quần thể cây xanh phong phú khoảng 3000 cây, đa dạng về chủng loại và số lượng, tạo nên không gian xanh hài hòa với cảnh quan khu di sản. Bên cạnh đó là hệ thống thảm cỏ rộng lớn với 43.500m2. Mật độ cây xanh thảm cỏ cao, che phủ toàn khu vực khoảng 5% đặc biệt là khu vực trung tâm từ Đoan Môn đến Hậu Lâu. Cây xanh trong khu vực rất đa dạng, từ cây xanh tạo bóng mát như: Xà Cừ, Sấu, Đa,...đến cây cắt xén, cây trang trí, cây có hoa đẹp... như hoa hồng, hoa giấy, hoa đỗ quyên...
Là khu vực có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan và thẩm mỹ cao. Nhưng do được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau nên tổng thể hình thức kiến trúc công trình trong khu vực khá đa dạng và thiếu tính thống nhất, nhiều công trình có chất lượng thẩm mỹ không cao, phân khu chức năng chưa rõ ràng. Một số khu vực cảnh quan chưa đẹp, cây xanh trồng dày đặc cần cải tạo, hoàn thiện đồng bộ để tương xứng với vị trí, vai trò của Khu di sản.
Bên cạnh đó, là một trong trở ngại lớn nhất của di sản là chịu tác động trực tiếp của sự phát triển kinh tế xã hội đô thị. Hiện nay, thủ đô Hà Nội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, dân số đông với mật độ dày, môi trường đô hị bị ô nhiễm bởi khói bụi, rác thải sinh hoạt và hoạt động phát triển kinh tế của con người. Đặc biệt là sức ép từ hoạt động phát triển du lịch. Hàng năm, khu di sản đón hàng vạn lượt khách tham quan. Tuy nhiên, việc phân bố khách tham quan không đồng đều, thường tập trung vào mùa du lịch và một thời điểm nhất định trong năm, đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ gìn giữ môi trường và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Giải pháp trong công tác bảo tồn, giữ gìn môi trường cảnh quan
Triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường cấp thiết và thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT của Bộ Văn hóa, Thể thao, du lịch và Bộ Tài nguyên môi trường về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Theo đó, các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, ô nhiễm nguồn nước nơi khai quật khảo cổ, có phương án xử lý đất đá trong quá trình thăm dò, khai quật không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, di sản nằm ở địa thế cao nên tránh được những ảnh hưởng của ngập lụt khi xảy ra mưa lớn trong Thành phố. Trong những năm gần đây, khu vực này không xảy ra thảm họa nào nghiêm trọng như trong trận mưa lớn, ngập lụt kéo dài năm 2008.
Một số di tích còn lại trên mặt đất là các tòa nhà kiên cố, kiến trúc đá… nên có sức chống chọi, chịu đựng cao trước mưa bão. Tuy nhiên, đối với các di tích dưới lòng đất ở khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, quá trình biến đổi độ ẩm trong đất và độ ẩm không khí làm xảy ra hiện tượng đất bị nứt nẻ, vỡ vụn hay phong hóa. Để tránh tình trạng trên, khu di sản phối hợp với chuyên gia Bỉ đánh giá tác động môi trường, kiểm tra tình trạng bảo tồn di tích nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng đưa ra các đề xuất về bảo tồn lâu dài cho khu di sản: máy đo mực nước ngầm, trạm thời tiết, máy đo độ ẩm…Đối với những ngày thời tiết hanh khô, tiến hành phun nước dạng sương mù để giữ độ ẩm. Tập trung nghiên cứu chi tiết về phong hóa phục vụ cho công tác bảo tồn di tích khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Căn cứ vào tình hình thời tiết và các số liệu quan trắc độ ẩm, nhiệt độ để có những biện pháp giảm thiểu tác động của môi trường.
Di sản có 30 nhân viên vệ sinh môi trường, được phân bổ ở các điểm di tích, túc trực và thường xuyên thu dọn rác thải, vệ sinh lau dọn các khu vực phục vụ khách tham quan, vệ sinh lau trùi nhà vệ sinh và kiểm tra rác thải ở các điểm di tích. Trên cơ sở đó liên tục vận chuyển rác đến các điểm tập kết, phân loại các loại rác để đảm bảo vệ sinh cho khu di sản. Các điểm tập kết và quá trình vận chuyển rác thải cũng tránh ảnh hưởng đến việc tham quan của khách du lịch.
Ngoài ra, khu di sản có hệ thống cây xanh đa dạng gồm cây ăn quả, cây bóng mát, hoa, cây cảnh trong đó có những cây cổ thụ gần 100 năm tuổi. Hệ thống cây xanh được phân loại, xác định vị trí, tên cây, chủng loại, năm trồng, từ đó có biện pháp duy trì, chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên tạo cho di sản có không gian xanh, thoáng mát. Đây chính là điểm đặc trưng mà hiếm di sản nào có được, và cũng là một trong những yếu tố khiến khách tham quan thích thú khi đến tham quan, trải nghiệm tại khu di sản.
Trong 5 năm gần đây, công tác chỉnh trang sân vườn đã được thực hiện tại khu vực 19C, Đoan Môn, Hậu Lâu, Điện Kính Thiên, 18 Hoàng Diệu trên cơ sở bám sát Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã làm thay đổi diện mạo của khu di sản với không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về cảnh quan kiến trúc. Tại khu vực này, các mảng trang trí bằng cây hoa, cây lá màu được thực hiện. Hoa, cây thường xuyên thay đổi theo mùa trong năm. Các hàng rào mềm bằng cây cảnh, cây lá màu, hoa cũng được thiết kế để phân chia các khu vực chức năng tạo cho không gian di sản thoáng đãng, sạch đẹp tăng tính hấp dẫn cho du khách.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày di sản đón hàng nghìn lượt khách tham quan. Ngoài việc thu gom, xử lý rác thải từ du khách thì Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng thường xuyên có các hoạt động để tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường.
Trong những năm tiếp theo, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội với tư cách là đơn vị quản lý trực tiếp khu di sản, sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường cảnh quan khu di sản xanh-sạch-đẹp, xây dựng thành Công viên Lịch sử văn hóa Hoàng thành Thăng Long, kết nối với cảnh quan chung của khu Trung tâm chính trị Ba Đình tạo thành điểm đến hấp dẫn của thủ đô Hà Nội. Trong đó tăng cường công tác quản lý về bảo tồn môi trường di sản. Xây dựng đề án và kế hoạch hành động bảo tồn môi trường trong những năm sắp tới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong bảo tồn môi trường di sản.
Đồng thời, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn: vệ sinh, chăm sóc cây xanh, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc sân vườn, bảo quản giống cây trồng, ươm trồng giống hoa theo mùa, nâng cao chất lượng hoa và cây cảnh phục vụ công tác trang trí, chỉnh trang di sản. Tiếp tục chỉnh trang sân vườn theo định hướng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn liền với việc phát huy giá trị khu di sản như: Sử dụng một số mẫu hoa văn trang trí trên gạch, ngói kiến trúc như vân mây, lá đề, … để trang trí, thiết kế không gian cảnh quan di sản; Trang trí, quy hoạch, cải tạo cảnh quan khu di sản theo vị trí, chức năng của từng khu vực.
Kim Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất