Trào lưu mới: Người Việt đọc văn học Việt bằng tiếng nước ngoài

06/02/2014 06:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây một số nhà sách ở TP.HCM, Hà Nội đã nhập, thậm chí tái bản nhiều bản dịch anh ngữ các sách văn học Việt để bán, mà người mua không chỉ là người nước ngoài. Người Việt đọc văn học Việt bằng anh ngữ đã cho thấy khả năng dùng ngoại ngữ của họ, bên cạnh đó, còn cho thấy sự chuyển hướng về tâm thế, về mỹ học tiếp nhận, bởi nguyên tác và bản dịch chưa bao giờ là một.

Nếu nói nặng nề, thì người Việt thích đọc văn học Việt bằng ngoại ngữ cũng là biểu hiện cho tư tưởng sính ngoại, nhưng nhìn cách khác, đây lại là một cơ hội mới của nền văn chương còn ở bên lề như Việt Nam.

Từ thay đổi tâm thế tiếp nhận

Nhà xã hội học Trương Thị Kim Chuyên (nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM) có một phân tích thấu đáo về tình trạng giới thiệu, tiếp nhận và bảo tồn văn hóa, nghệ thuật của những nước đang phát triển như Việt Nam - từng dẫn lời in trên TT&VH. Đầu tiên, vì tâm lý vị chủng tộc (ethnocentrism) mà xem văn hóa của mình cao hơn các dân tộc khác, nên thấy không cần thiết phải tiếp nhận, sẻ chia. Kế đến, vì tâm lý sính ngoại (xenocentrism) mà xem văn hóa của mình là thứ đáng bỏ đi, nên chỉ có “Tây mới hay, ngoại mới quý”. Và cuối cùng, do quá trình “McDonald’s hóa” mà những thứ có tính máy móc tự động, rập khuôn, hiệu năng cao, có thể dự đoán trước kết quả... là đáng xài, nó thủ tiêu dần sự đa dạng và dị biệt văn hóa, thủ tiêu sự sáng tạo riêng lẻ.

Từ phân tích trên cho chúng ta thấy rằng các hành vi tiếp nhận và tiêu xài không đơn thuần là biểu hiện của thói quen, mà còn do quan niệm, thậm chí triết lý sống. Ngày càng có nhiều độc giả người Việt tìm mua những bản dịch tiếng Anh của văn học Việt Nam. Trong tháng 12/2013, tại một, hai nhà sách cá biệt ở TP.HCM, có tuần, bản tiếng Anh của Nỗi buồn chiến tranh (Sorrow Of War), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Last Night I Dreamed Of Peace)... còn bán chạy hơn cả nguyên tác tiếng Việt!


Văn học Việt bằng ngoại ngữ đang được nhập bán cho người Việt

Không chỉ nhập bán, hệ thống Art Book còn tiên phong trong việc mua bản quyền in lại các quyển Dumb Luck (Số đỏ), Lục xì của Vũ Trọng Phụng, The General Retires (Tướng về hưu) của Nguyễn Huy Thiệp, A Time Far Past (Thời xa vắng) của Lê Lựu... để bán cho thị trường nội địa. Họ đang khá hứng thú với kế hoạch này, nên đang gia tăng tìm kiếm bản thảo, tổ chức bản thảo, để tương lai gần, họ sẽ có nhiều đầu sách. Họ cũng hướng đến những tác giả đã có bản dịch như Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân... và cả những tác giả Việt kiều, gốc Việt có tác phẩm giá trị để xin phép nhập và tái bản.

Nhiều câu nói nghe có vẻ chói tai đã vang lên trong vài nhà sách, kiểu như: “Tui bây giờ chỉ thích đọc sách tiếng Anh thôi”, “Văn học Việt đọc bằng tiếng Anh vẫn thấy khoái hơn”... Phê phán đơn thuần thái độ sính ngoại này rất dễ, nhưng để cắt nghĩa rốt ráo và cảm thông được chọn lựa của họ thì khó hơn rất nhiều. Bởi suy cho cùng, quyền đọc và chọn đọc là thứ rất căn bản của mỗi người, cần phải được tôn trọng. Nhưng dù lý do là gì đi nữa thì không thể phủ nhận được thực tế rằng số độc giả này đang ngày càng nhiều lên. Theo khảo sát chớp nhoáng tại một cửa hàng của Art Book trên đường Đồng Khởi (TP.HCM), hiện nay bản Lục xì (trong tiếng Anh để nguyên văn như vậy) của Vũ Trọng Phụng đang được nhiều độc giả người Việt tìm đọc, có tuần họ bán được hơn 150 quyển.

Sở dĩ có sự thay đổi tâm thế này, vì đây là hệ quả của hơn một thế kỷ “đem chuông” văn học Việt đánh rải rác trong các thứ tiếng, nay tiếng chuông ấy mới vọng về. Đầu thế kỷ 20 là tiếng Pháp, giữa thế kỷ 20 là tiếng Nga, gần đây là tiếng Anh, tiếng Pháp và vài thứ tiếng khác như Nhật, Đức, Trung Quốc, Hàn, Thái Lan... Trong một vài năm qua, nỗ lực của những cá nhân như Peter Zinoman, Đoàn Cầm Thi, Đinh Linh, Nguyễn Đỗ... trong việc chuyển ngữ và giới thiệu văn học Việt Nam ra tiếng Anh, tiếng Pháp đã thực sự có kết quả. Với uy tín và thẩm quyền riêng về văn học, họ không những chỉ cho quốc tế thấy rằng văn học Việt cũng không đến nỗi nào, mà còn tìm được sự đồng điệu trong việc mở hướng nghiên cứu, dịch thuật mới.

Nếu nhà thơ Đinh Linh giới thiệu được nhiều nhà thơ cách tân tiêu biểu như Thanh Tâm Tuyền, Phùng Cung, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Quốc Chánh, Đỗ Kh., Trần Tiến Dũng, Inrasara, Trần Wũ Khang, Ngu Yên, Phan Nhiên Hạo, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Phan Bá Thọ, Miên Đáng, Lynh Bacardi... thì nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi giới thiệu được những nhà văn cách tân như Thuận, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam... và còn 5-7 tác giả khác nữa.

... đến thay đổi mỹ học

Người châu Âu thường dùng thành ngữ “dịch thuật là phản”, gốc từ Italy và nhà thờ, - dù châu lục này làm công việc dịch thuật từ rất sớm, rất nhiều và hiệu quả vào bậc nhất thế giới. Câu này cho thấy những nguy cơ và thách thức của việc dịch, đây là tầng nghĩa thấp nhất. Tầng nghĩa sâu hơn là mỗi nền ngôn ngữ có một bề dày văn minh và triết lý, gộp chung là mỹ học riêng, khó thể nào chuyển nguyên vẹn qua ngôn ngữ khác. Và cuối cùng, nghĩa then chốt nhất, vì những thứ xứng đáng chuyển dịch đều có giá trị, mà thời trước những ai sở hữu điều này cũng đồng nghĩa với quyền lực, lợi ích nên muốn độc quyền chân lý, ai chuyển dịch là làm phản. Không phải ngẫu nhiên mà những người như Martin Luther (1483-1546), Phan Khôi (1887-1959)... khi dịch Kinh Thánh ra tiếng Đức mới, tiếng Việt mới, họ vừa bị quy vào phản đồ, vừa được tôn vinh là nhà cách mạng ngôn ngữ.

Nhìn một cách rốt ráo thì văn chương nói chung, văn chương cách tân và đặc biệt là thơ, thì khó mà dịch được. Thế nhưng không thể không dịch văn chương được, nên cuối cùng, bản dịch với nguyên tác không bao giờ là một, đọc mỗi bản cần một tâm thế và thước đo mỹ học riêng. Chính nhà văn Umberto Eco (người am tường nhiều ngôn ngữ) bằng nghiên cứu chuyên sâu đã kế thừa để kết luận rằng: dịch là quá trình thương lượng giữa hai nền văn hóa. Trong cuốn Mouse Or Rat?, Umberto Eco “đau khổ” khi thấy tác phẩm của mình được dịch ra một ngôn ngữ khác mà mình cũng biết, mà không như ý mình. Cho nên những Số đỏ, Lục xì, Thời xa vắng, Tướng về hưu, Cơ hội của Chúa... dù có được những dịch giả tuyệt vời đảm trách, thì khoảng cách vẫn luôn hiện diện. Hay như Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra cả chục thứ tiếng, mà chính yếu dịch từ bản tiếng Anh, thì khoảng cách ấy lại càng xa. Vì vậy mà, những người Việt biết thông thạo hai ngôn ngữ khi quyết định chọn bản dịch để đến với văn học Việt, không chỉ vì sính ngoại, mà họ muốn vượt qua khoảng cách và thay đổi cả tâm thế, mỹ học tiếp nhận.

Sự thay đổi tâm thế gợi cho chúng ta nghĩ về cột mốc dịch thuật của nước Nhật hồi thập niên 1850, dưới thời Tokugawa, người lập ra Trường học tập phương Tây (Yogakko) năm 1855 để dạy ngoại giao và thông dịch viên. Chính ngôi trường này đã góp phần to lớn vào việc canh tân đất nước, mà lớn hơn nữa là canh tân tư duy, ngôn ngữ, đưa nền văn học Nhật ra thế giới, vì vậy mà ngày nay họ có vô số bậc thầy, vài thể loại văn học được thế giới ngưỡng mộ, ảnh hưởng.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm