Saudi mở rộng đại thánh đường ở Mecca: Hàng loạt công trình cổ bị đe dọa

14/11/2014 08:35 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Cộng đồng Hồi giáo toàn cầu đang sôi sục trước tin một tòa nhà cổ, được cho là nơi sinh của Nhà tiên tri Muhammad, sắp sửa bị chính quyền Saudi Arabia phá hủy để phục vụ việc xây cung điện hoàng gia mới.

Đây là một phần trong dự án xây dựng tốn kém trị giá nhiều tỷ đô la nhằm mở rộng đại thánh đường Al-Masjid al-Haram ở Mecca, với hậu quả là hàng trăm công trình Hồi giáo cổ, chứa đựng giá trị lịch sử cao, đã bị phá hủy.

Đã có hàng trăm công trình cổ bị phá hủy

Dự án này đã được tiến hành từ cách đây nhiều năm, nhằm mở rộng Al-Masjid al-Haram, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, nâng cao khả năng phục vụ hàng triệu người tham gia cuộc hành hương Hajj tới thánh địa Mecca mỗi năm.

Trong đạo Hồi, Mecca là thánh địa linh thiêng nhất, bởi nó gắn kết với nơi sinh của nhà tiên tri Muhammad. Hơn nữa, nơi này có di chỉ Kaaba, tòa nhà hình lập phương được xây bằng đá granit đen, do Abraham (tổ phụ của dân Do Thái và Arab) xây dựng. Thánh đường Hồi giáo Al-Masjid al-Haram được xây dựng quanh khu vực này và người Hồi giáo phải hướng mặt tới Kaaba mỗi khi cầu nguyện.


Theo Viện Gulf, 95% các công trình có niên đại 1 thiên niên kỷ ở thánh địa Mecca đã bị phá hủy

Nhiều người rất kinh ngạc trước việc Saudi Arabia đã phá hủy hàng trăm công trình lịch sử ở Mecca để lấy đất cho dự án mở rộng Al-Masjid al-Haram. Theo Viện Gulf, có trụ sở ở Washington (Mỹ), có tới 95% các tòa nhà có niên đại khoảng 1 thiên niên kỷ đã bị phá hủy để nhường đất cho việc xây thêm khách sạn, căn hộ và trung tâm mua sắm sang trọng. Hồi tuần trước, tàn tích của các cây cột 500 năm tuổi, được xây dựng từ thời Ottoman, cũng đã bị phá hủy. Đây là công trình tưởng niệm việc nhà tiên tri Muhammad cưỡi ngựa bay lên trời.

Tiến sĩ Irfan Alawi thuộc Tổ chức nghiên cứu di sản Hồi giáo có trụ sở ở Anh, cho biết nhiều khả năng vào cuối năm nay, Ngôi nhà Mawlid (House of Mawlid), được cho là nơi chào đời của Nhà tiên tri Muhammad vào năm 570, cũng sẽ bị phá hủy.

Thế chân nơi này là một cung điện hoàng gia mới, được xây dựng cho Vua Abdullah, người giám sát chính thức nhà thờ Al-Masjid al-Haram. Ông sẽ nghỉ tại cung điện trong mỗi lần tới Mecca. Công trình Ngôi nhà Mawlid hiện đã đóng cửa không đón khách hành hương.

Tuy phải chứng kiến thực tế này, nhiều nhà phê bình đã không dám lên tiếng phản đối công khai vì sợ bị chính quyền Saudi Arabia trừng phạt.

Có một điều cần lưu ý là việc phá hủy các di chỉ lịch sử được Đại giáo chủ của Saudi Arabia là Sheikh Abdul Aziz Bin Abdullah al-Sheikh ủng hộ. Trang tin Press TV của Iran dẫn lời ông Abdullah khẳng định việc phá hủy các công trình này là cần thiết.

Mộ của nhà tiên tri Muhammad cũng bị đe dọa?

Chính quyền Saudi hiện đã dựng nhiều biển cảnh báo quanh Ngôi nhà Mawlid. “Không có chứng cứ nào cho thấy Nhà tiên tri Muhammad được sinh ra ở đây. Vì vậy, nghiêm cấm việc biến nơi đây thành điểm thờ phụng và cầu nguyện” - một tấm biển viết.

Tiến sĩ Alawi là một trong số ít người phản đối việc phá hủy Ngôi nhà Mawlid. “Nơi sinh của Nhà tiên tri Muhammad một lần nữa lại nằm trong sự đe dọa bị quên lãng vĩnh viễn dưới bê tông và đá cẩm thạch” – tiến sĩ Alawi nói với tờ Independent -“Giờ đây cuộc hành hương Hajj đã kết thúc, dự án xây dựng lại tiếp tục. Người ta đã hoàn thành việc mở rộng một bên của nhà thờ Hồi giáo. Cung điện hoàng gia mới, to hơn gấp 5 lần so với cung điện hiện nay, được xây dựng trên một triền núi và sẽ hướng xuống nhà thờ Al-Masjid al-Haram. Từ nay đến tháng 12, thư viện và các phòng của Ngôi nhà Mawlid sẽ bị vùi lấp. Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra”.

Hồi tháng 9, tờ Independent đưa tin ngôi mộ của Nhà tiên tri Muhammad tọa lạc trong nhà thờ al-Masjid al-Nawabi ở Medina (thành phố linh thiêng thứ 2 của Hồi giáo), cũng nằm trong tầm ngắm của những người theo chủ nghĩa Wahhabi cứng rắn ở Saudi.

Bài báo này tiết lộ rằng một lời kêu gọi di chuyển ngôi mộ đã được đề cập trong một tài liệu tham khảo dày 61 trang, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Trung Đông. Sự phản đối mạnh tới mức giới chức Saudi Arabia buộc phải lên tiếng phủ nhận kế hoạch di chuyển mộ.

Nhà tiên tri Muhammad (570 – 632) được tín đồ Hồi giáo tin là vị sứ giả cuối cùng mà Thượng đế gửi xuống để dẫn dắt nhân loại. Ông được những người theo đạo Hồi gọi là “sứ giả của Thượng đế”. Trong tiếng Arab, tên Muhammad có nghĩa là “Người được ca ngợi”.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm