11/02/2020 08:36 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cảm tác từ truyện ngắn Thương quá rau răm của Nguyễn Ngọc Tư, vở Mút chỉ mút cà tha do NSƯT Thành Hội dàn dựng tại sân khấu Hoàng Thái Thanh đã đem lại một nỗi bồi hồi khó tả cho những người từng gắn bó với sông nước miền Tây.
1.Vở kịch có cái tên rất lạ, bảo đảm ai không phải dân miền Tây sông nước chánh gốc sẽ phải thắc mắc và đọc nhầm. “Mút Cà Tha” hóa ra là tên của một cù lao tít tắp xa xôi, nơi mà con sông cô lập mọi người trong một vùng đất nhỏ bé với đời sống nghèo khó và thiếu tiện nghi. Nói riết thành danh từ chung là “mút cà tha”, thêm chữ “mút chỉ” vô nữa thành ra hàm nghĩa cái gì đó xa lắm, lâu lắm. Nguyễn Ngọc Tư viết truyện thường đưa vào những dấu ấn của miền Tây như thế.
Và vở kịch lần này cũng gắn với mô típ quen thuộc: đề cao những trí thức dấn thân về vùng sâu vùng xa. Nhưng ở đây nhấn mạnh thêm, vùng xa này rất... xa, rất khó, rất nghèo, cho nên có tới 5 ông bác sĩ từngvề rồi ra đi. Liệu ông bác sĩ thứ 6, tên Văn, có chịu ở lại cùng bà con?
Những nôn nao chờ đón ấy của bà con cũng gắn với những yêu thương chăm họ dành cho bác sĩ Văn. Một cô Gấm e ấp mang con cá lóc sang biếu bác sĩ, cứ núp núp sau cánh cửa mà năn nỉ “bác sĩ lấy đi”, “dạ hông, hông phải lấy em, mà lấy con cá này nè”. Một anh nông dân bắt được mấy con chim trên đồng cũng đem tới năn nỉ bác sĩ ăn dùm. Rồi anh Thịnh, chân đạp miếng mảnh chai chảy máu cũng ráng lội xuống ao bỏ trà vô bông sen ướp cho thơm để biếu bác sĩ…
Những món quà quê lấy từ đồng ruộng nhưng thơm thảo tình người khiến khán giả cảm động khi nghĩ về những tấm tình chân thật có thực trong đời. Ai từng dấn thân về vùng sâu sẽ hiểu những chi tiết này hoàn toàn có thật, thay vì hư cấu. Và “lý tưởng” của những người như bác sĩ Văn cũng là có thật. Thứ lý tưởng ấy xem ra khó tin trong thời buổi bon chen danh vọng, nhất là thời kinh tế lên ngôi, ai cũng hối hả đi tìm một chỗ đứng an toàn, thăng tiến. Nhưng không, vẫn còn những con người sẵn sàng “lội ngược dòng” như Văn, như bao câu chuyện về các thầy giáo, bác sĩ mà ta có thể gặp trên mặt báo.
Lâu lắm rồi không có ai làm những vở “tuyên truyền” như thế này để đem lửa cho lớp trẻ. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư lẫn Hoàng Thái Thanh đều không dụng ý “tuyên truyền”, họ chỉ muốn làm nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật của họ giỏi quá, nên hòa tan chất tuyên truyền trong đó một cách nhuần nhuyễn. Và thực tế, nếu hiểu “tuyên truyền” là chức năng về giáo dục - bên cạnh các chức năng về thẩm mỹ, giải trí... của nghệ thuật - thì vở diễn này đã làm rất tốt một việc: cho lớp trẻ hiểu về một góc cuộc sống tưởng như ở rất xa nhưng cũng rất đẹp, từ đó vun đắp những điều cao cả trong lòng các em.
2. Nhưng bác sĩ Văn cũng không phải ông thánh. Hành trình trong vở diễn của anh là hành trình của cuộc đấu tranh với chính bản thân mình. Anh bắt đầu thối lui, lui lại trước lý tưởng nhường chỗ cho quyền lợi bản thân. Những gì xuất hiện trong vở diễn rất thật như cuộc dời. Bởi, hành trình dấn thân của một con người không hề suôn sẻ, mà nó phải vượt qua những ghềnh thác của đời thường. Cái đời thường tưởng “thường” nhưng thật ra rất nghiệt ngã, nó có thể kéo người ta trở lại lằn ranh cũ khá dễ dàng.
Một cô người yêu xinh đẹp và giàu có ở Sài Gòn, một chỗ làm trong bệnh viện lớn… đó là những điều mà nhiều kẻ đang mơ ước. Bác sĩ Văn đã nắm lấy cơ hội đó, khó có thể trách anh. Mọi việc chỉ lật ngược khi cô người yêu của Văn lộ bản chất kiêu hãnh, dùng đồng tiền để coi rẻ nhân phẩm của một người trí thức. Tổn thương, Văn mới đủ tự tin để quay lại Mút Cà Tha, nơi có một tình yêu khác đang chờ anh, và có nhiều tình yêu khác của bà con làng xóm.
Trong vở diễn, NSƯT Tuyết Thu và anh kép đẹp Đoàn Minh Tài trở thành đôi bạn diễn rất dễ thương. Cả Ái Như, Thành Hội, Vân Anh, Nguyễn Long… đều làm nên dàn bao vững vàng cho đôi nghệ sĩ chính. Tuy nhiên cảm giác kịch bản chưa tạo nhiều đất cho Tuyết Thu và Đoàn Minh Tài thi thố tài năng. Thêm vào đó, mạch truyện trong vở hơi “suông”, ít kịch tính. Đành rằng đạo diễn cố làm cho vở diễn có màu sắc êm đềm, thậm chí một chút bùi ngùi với câu chuyện những phận người thiếu thầy, thiếu thuốc, phải chết trong tức tưởi - vậy nhưng giá thêm chút kích thích, gay cấn thì sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Cũng như, vai phản diện của Ngọc Duyên rất tốt, nếu có thêm chút đất cho một vai “cà chớn” ngay tại xã cù lao này nữa thì sẽ hợp lý hơn.
Quả thật, truyện ngắn có thể viết êm đềm như thơ, thậm chí không cần cốt truyện cũng thấy hay, nhưng sân khấu phải khác, cần thêm xung đột, thêm kịch tính để có sức hút riêng của mình.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất