21/07/2021 06:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là phát biểu của ông Trần Anh Tú, Ủy viên Thường trực VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VPF, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sẽ tiếp tục giải đấu như thế nào, trong bối cảnh dịch dã hết sức căng như thế này...
Trước đó, một dự thảo được soạn bởi Tổng Giám đốc VPF, ông Nguyễn Minh Ngọc, được gửi đi, đề xuất phương án dời phần còn lại của mùa giải 2021 đến tháng 2/2022. Dự thảo này gặp phải phản ứng dữ dội từ phía các CLB, bởi nếu mùa bóng kéo dài gần gấp đôi như thế, sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của nuôi quân. Mà tiền chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi còn khá nhiều các khúc mắc khác, trong vấn đề quyền lợi của CLB, VFF và nhà tổ chức.
Ngoài ra, với phần lớn các cầu thủ, đặc biệt là ngoại binh, khi ký hợp đồng với CLB, đều là năm một. Sẽ phải thương thảo lại, để ký hợp đồng kiểu thời vụ với số này thêm 2 tháng đầu năm 2022 hay sao?!
Theo các cột mốc thời gian cho kế hoạch của các ĐTQG bắt đầu từ tháng 9/2021 đến cuối tháng 3/2022, cùng với đó là việc cách ly y tế bắt buộc, thì vẻ như dự thảo của ông Nguyễn Minh Ngọc là rất có lý. Nhưng nếu tính kỹ, thì nhà tổ chức vẫn dôi ra khoảng gần 3 tháng (đầu 10/2021 - 1/2022), nếu không phải hoãn giải để phục vụ các ĐTQG tập trung thi đấu AFF Cup 2020 và Vòng loại U23 châu Á 2022. Khoảng thời gian quý báu này, sao không tận dụng?
Vòng loại U23 châu Á 2022, chỉ là sân chơi dành cho bóng đá trẻ, và chúng ta không nhất thiết phải hoãn cả một hệ thống bao gồm 3 giải chuyên nghiệp là hạng Nhất quốc gia, Cúp quốc gia và V-League, để phục vụ mục tiêu lọt vào VCK, tại một bảng đấu rất nhẹ. Còn AFF Cup 2020, VFF cũng có thể tính đến phương án "2 trong 1", với tuyển U22 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 2021 (vốn đã dời đến tháng 4/2022) và chiến dịch Vòng loại U23 châu Á 2022 như đã nhắc.
Theo cách tính đó, thì mọi ưu tiên cho ĐTQG đá Vòng loại cuối cùng FIFA World Cup 2022 với múi giờ FIFA Days, cùng với khoảng thời gian cách ly y tế bắt buộc, vẫn được đảm bảo. Nhưng xem ra, thì mọi việc không đơn giản như vậy.
Chúng ta đang là những nhà ĐKVĐ Đông Nam Á (AFF Cup), nên không thể xem nhẹ việc bảo vệ ngôi vương, mà cắt cử một đội tuyển trẻ quốc gia tham chiến. Bất kể các nền bóng đá láng giềng như Myanmar, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã từng làm như vậy, thì tại Việt Nam, bóng đá còn là môn thể thao hơn cả thành tích. Nó là sứ mệnh của cả một hệ thống, VFF và trên đó nữa, mà bản thân VPF không thể quyết được.
Thế nên, ông Trần Anh Tú mới nói rằng, không phải VPF muốn hủy hoãn giải là được, cũng không thể muốn bóng lăn vào thời điểm nào là được, mà nó liên quan đến rất nhiều ban bệ và các yếu tố khác. Trong đó, quan trọng nhất là các chỉ thị của Chính phủ.
Ý kiến của Chủ tịch CLB Hải Phòng, ông Văn Trần Hoàn càng khó khả thi - Cho Viettel và HAGL đá một trận sống mái, đội nào thắng vô địch V-League 2021 và giải đấu kết thúc luôn. HAGL đang hơn Viettel 3 điểm, trước vòng 13, nắm rõ lợi thế trong cuộc đua song mã và thực tế, họ đã từng hạ chính đối thủ này ở trận lượt đi trên sân Hàng Đẫy. Thật khó để thuyết phục bầu Đức và đám trẻ của ông đặt cược vào một canh bạc may rủi kiểu "một trận sống mái". Nhiều CLB đang có thành tích tốt khác cũng khó chấp nhận "sáng kiến" trên.
Suy cho cùng, sân chơi thuộc về các CLB, chứ không phải VFF, càng không thuộc VPF. Lắng nghe ý kiến của người chơi để tìm phương án tối ưu, là cần thiết. Người trong cuộc sẽ phải tìm được tiếng nói chung, hợp lý nhất, chứ khó thể hủy kết quả giải đấu được. Tất nhiên, vẫn phải tùy thuộc vào tình hình dịch được kiểm soát đến đâu.
Nhiều khả năng, VPF và VFF phải trình cấp cao hơn để mong sự hỗ trợ phương án.
Hy vọng, cái khó ló cái khôn, hoặc nữa là trong nguy có cơ vậy.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất