26/10/2022 15:30 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Tỷ lệ người bệnh tử vong do bệnh lao cao gấp 4 lần so với Covid-19. Song, thế giới dường như chỉ quan tâm đến đại dịch mà không biết căn bệnh nguy hiểm chết người này vẫn luôn âm thầm phát triển.
Mới đây, trả lời trên AFP, ông Mel Spigelman- Chủ tịch Liên minh Bệnh Lao đã dành những lời ca ngợi về sự tiến bộ nhanh chóng, ấn tượng trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Một loạt vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đã được phát triển trong khoảng thời gian kỷ lục, chỉ hai năm.
Nhưng đó cũng là lúc thế giới chứng kiến sự trở lại của bệnh lao - căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới.
Thế giới chăm chút cho Covid-19 nhưng quên đi mối nguy hại tiềm ẩn
Dựa theo tỷ lệ tử vong hàng năm do Liên minh Bệnh Lao thống kê cho thấy, bệnh lao có thể giết chết hơn 4.100 người mỗi ngày, gấp 4 lần so với 1.400 ca tử vong do Covid-19 hiện tại (số liệu trong 28 ngày gần nhất của Đại học Johns Hopkins). Như vậy, khi số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu giảm dần, lao lại là mối nguy lớn về y tế.
Song, khác với Covid-19, dù xu hướng đã dần hạ nhiệt, thậm chí là suy yếu nhưng vẫn được thế giới quan tâm. Ngược lại, việc điều trị lao trở thành khoảng trống rất lớn trong ngành y tế.
Có thể thấy, đại dịch đã có tác động tàn khốc đối với nỗ lực chống lại bệnh lao. Nhiều bệnh viện điều trị lao đã được trưng dụng để chăm sóc người mắc Covid-19. Tình trạng đóng cửa ở một số cơ sở khiến cho bệnh nhân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết. Kết quả, số ca tử vong do lao năm 2020 tăng lần đầu tiên trong một thập kỷ.
"Chúng ta đã đi từ việc tiến bộ rất chậm đến việc thụt lùi", tiến sĩ Spigelman nói.
Hàng tỷ USD được đầu tư cho cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến các nhà tài trợ của cuộc chiến chống bệnh lao phải thắt chặt chi tiêu. Hầu hết đơn vị hậu thuẫn Liên minh Lao không thể cam kết tài trợ hơn một năm, họ luôn cắt giảm số tiền đưa ra. Thậm chí, các nhà tài trợ quen thuộc từ Vương quốc Anh đã nói không với căn bệnh này vào năm nay.
Ông Spigelman nói: “Tôi rất lo lắng những tiến bộ đã đạt được, vốn đã bị xói mòn bởi Covid-19, thậm chí còn có thể bị xói mòn thêm nữa".
Căn bệnh của người nghèo
Tỷ lệ người chết do lao tăng lên trong bối cảnh thế giới đối mặt với cuộc cách mạng trong điều trị lao kháng thuốc.
Khoảng 5% trong số 9,5 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm không đáp ứng với các loại kháng sinh thường được kê đơn. Điều này gây khó khăn rất lớn trong điều trị.
Bệnh nhân buộc phải uống 5-8 viên thuốc mỗi ngày. Họ cũng thường phải tiêm hàng ngày, kéo dài đến 2 năm. Đi kèm với đó là những tác dụng phụ khủng khiếp, tỷ lệ chữa khỏi bệnh chỉ còn khoảng 20-30%.
Thế giới rất cần nguồn lực để triển khai phác đồ mới cho những bệnh nhân cần nó. Nhưng với bệnh lao, nguồn lực luôn thiếu hụt.
Ông Spigelman cho rằng cho việc thiếu khẩn cấp trong việc diệt trừ bệnh lao vì nó bị xem là "căn bệnh của người nghèo". Ông nói: “Nếu những người giàu trên khắp thế giới nhận bị nhiễm lao, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy phản ứng rất khác".
Hiện tại, các vaccine ứng cử viên chống lại lao dần rơi rụng mất. Các dự án không có kinh phí để phát triển thêm và cũng không có nỗ lực nào để triển khai thử nghiệm dễ dàng như vaccine Covid-19.
Chính vì thế, ông Spigelman cảnh báo kịch bản đáng lẽ có thể xảy ra nhưng rất xa vời: Nếu các nguồn lực đổ vào Covid-19 được đầu tư tương ứng cho bệnh lao, căn bệnh này có thể bị xóa sổ hoàn toàn.
"Nếu đủ các nguồn tài nguyên, tôi cá với bạn nó có thể bị tiêu diệt", ông nhấn mạnh.
Về phía WHO, tổ chức này cho rằng việc đầu tư lớn vào nghiên cứu COVID-19, mang lại các loại vaccine và phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, có thể là nguồn cảm hứng cho cuộc chiến chống lại bệnh lao. Bởi vậy, tổ chức này nhấn mạnh cần đầu tư khẩn cấp để phát triển, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ, cũng như công cụ cải tiến mới nhằm ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao, đặc biệt là bào chế các loại vaccine mới phòng lao. Theo WHO, có như vậy mới có thể cứu sống thêm hàng triệu sinh mạng mỗi năm, cũng như thu hẹp bất bình đẳng và giảm đáng kể các thiệt hại về kinh tế.
Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình phòng chống lao toàn cầu của WHO cho biết, vaccine BCG phòng lao đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Do vậy, một vaccine mới sẽ đóng vai trò quan trọng. Hiện có 9 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu và phát triển cùng một loại vaccine mRNA khác đang được điều chế.
Bà Kasaeva cho biết thêm ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc phát triển vaccine phòng lao và nếu được đầu tư đúng mức và kịp thời, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một vaccine phòng bệnh này ra đời trước năm 2025. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh thế giới hiện cần thêm khoảng 1,1 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh lao.
Nguyễn Phượng
Theo AFP
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất