15/02/2014 09:09 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - ĐT quần vợt Việt Nam tham dự Davis Cup mà không có một trong những cây vợt trẻ xuất sắc nhất ở nội dung đánh đơn là Lý Hoàng Nam. Cãi lý mãi cũng chán, chung quy là bởi, người trong cuộc đã không dung hòa được lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Chỉ một điều chắc chắn rằng, vai trò của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) đã và sẽ còn trở nên nhợt nhạt hơn sau vụ Lý Hoàng Nam.
Cùng thời điểm đó, một tổ chức khác là Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF cũng đang bị chiếu bí, khi hàng loạt các trợ lý HLV ĐT Việt Nam từ chối “lên Tuyển”, cho trận đấu mang tính thủ tục với Hong Kong (Trung Quốc) tại vòng loại Asian Cup 2015 vào đầu tháng 3 tới đây, vì “không sắp xếp được công việc ở CLB”. Lý do nghe có vẻ quen quen, nhưng trách nhiệm lớn phải thuộc về VFF.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng thiếu trong cabin BHL các ĐTQG môn bóng đá nam đã xuất hiện từ trước SEA Games 27 và HLV Hoàng Văn Phúc đã chỉ có trong tay 2 trợ lý, thay vì 3 hoặc 4 so với trước đây. Bóng đá Việt Nam đã thiếu nghiêm túc trong các chiến dịch chuẩn bị, thất bại là khó tránh khỏi, bởi chẳng có sự đầu tư hời hợt nào lại mang lại hiệu quả cao cả.
Cụ thể, sau khi không được VFF thông qua phương án với một trợ lý trẻ, HLV Hoàng Văn Phúc buộc phải kiên nhẫn với trường hợp của Nguyễn Văn Sỹ, cho đến trước khi HLV trưởng V.Ninh Bình không nhận được cái gật đầu của ông chủ CLB vào phút cuối.
Trước đây, với cả đội ngũ HLV và cầu thủ, các ĐTQG luôn là đích hướng tới, là nấc thang danh vọng. Không thiếu thời điểm còn có hẳn các cuộc “chạy lên Tuyển”, cả trong cabin BHL, lẫn danh sách triệu tập cầu thủ. Nhưng ngay lúc này, trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) với một bộ phận người trong cuộc, chẳng khác nào “của nợ”. Nghe chối tai, nhưng sự thật là thế!
Do không xác định mục tiêu cụ thể tại vòng loại Asian Cup 2015, chúng ta đã khởi đầu rất tệ và toàn thua 5 lượt trận. Cùng với thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 27, HLV trưởng Hoàng Văn Phúc đệ đơn từ chức, nhưng được giữ lại cho trận đấu cuối với Hong Kong (Trung Quốc), như đã nhắc. “Già néo đứt dây”, nhiều người cảm thấy cám cảnh cho hình ảnh ĐTQG.
Cách đây không lâu, một bộ phận giới truyền thông cho rằng, nên giải tán VFF. Với một số các Liên đoàn, chẳng lẽ cứ mãi để hoạt động thiếu hiệu quả? Nếu không muốn để bị giải tán thì cần phải làm một cuộc cách mạng để lấy lại vị thế, sức mạnh, niềm tin..
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất