21/09/2018 05:57 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện thất bại của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên trên đường đua xanh đang nóng lên trong dư luận kể từ sau các cuộc thi đấu tại ASIAD 18 khép lại. Có rất nhiều nguyên nhân từ chủ quan lẫn khách quan đã được chỉ ra sau khi hàng loạt chỉ số chuyên môn của niềm hi vọng số 1 của Thể thao Việt Nam trên đường đua xanh không đáp ứng được kỳ vọng trong cuộc thi đấu quan trọng nhất của năm 2018.
Và đằng sau câu chuyện đó, giờ là lúc ngành thể thao cần sớm tìm ra giải pháp cụ thể để giúp Ánh Viên nhanh chóng trở lại bởi thời gian chuẩn bị cho các cuộc thi đấu tiếp theo không còn nhiều và bản thân kình ngư này cũng đang trong giai đoạn bước vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp.
Đừng vội chỉ trích
Việc không đạt yêu cầu về thông số chuyên môn trong cuộc thi đấu ở ASIAD 18 ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp cá nhân là một cú sốc không chỉ của riêng Ánh Viên mà còn là của cả ngành thể thao. Bởi trong suốt 4 năm qua, kể từ sau khi giành tấm HCĐ tại ASIAD 17 (thành tích 4 phút 42 giây 81), sau đó là kình ngư đứng thứ 9 trong cuộc thi đấu tại Olympic 2016 (thành tích 4 phút 36 giây 85), rất nhiều kỳ vọng đã được thắp lên. Thậm chí, hi vọng về một tấm HCV ASIAD đã nhiều lần được đề cập tới nếu căn cứ vào những chỉ số tích cực nêu trên và bản thân ngành thể thao cũng không tiếc tiền của để giúp Ánh Viên có được điều kiện tập luyện tốt nhất tại Mỹ.
Đến ASIAD 18, việc Ánh Viên đạt thành tích 4 phút 42 giây 81 thực tế đem lại nhiều nỗi thất vọng và nguyên nhân thất bại xuất phát từ nhiều phía. Trước tiên, nó do chính bản thân Ánh Viên bị áp lực quá lớn và khi trạng thái tâm lý xuất hiện, kình ngư này không còn là chính mình trong cuộc thi đấu quan trọng nhất năm. Kể cả trước đó, thành tích thi đấu, các thông số kỹ thuật mà Ánh Viên đạt được ở các giải đấu tiền ASIAD 18 được đánh giá là hết sức khả quan. Thực tế cho thấy, sự khắc nghiệt trong cuộc thi đấu ở ASIAD trong bối cảnh “buộc” phải đổi màu huy chương, nó khác biệt rất lớn so với 2 kỳ SEA Games gần nhất mà Ánh Viên cứ xuống nước là có huy chương hoặc mục tiêu vượt qua chính mình tại Olympic 2016.
Hãy đừng vội chỉ trích bất cứ cá nhân nào sau thất bại tại ASIAD 2018 của Ánh Viên. Hãy nhớ, 3 năm trước đây vẫn với cách tập huấn “một thầy, một trò”, Ánh Viên đã trở thành niềm tự hào TTVN với tư cách là VĐV giành được nhiều HCV nhất ở một kỳ SEA Games. Thành tích của Ánh Viên cũng được cải thiện ít nhiều sau mỗi năm và rất nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Dù vậy, đến thời điểm này, khi chinh phục một sân chơi khó khăn hơn với thử thách nhiều hơn, rõ ràng, cách tập huấn “một thầy, một trò” không còn phù hợp. Hay nói cách khác, nó không đáp ứng được yêu cầu nâng cao thành tích hơn nữa để giành được huy chương ASIAD và đã đến lúc, ngành thể thao cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để đưa ra giải pháp hiệu quả nhất.
Đừng lãng phí Ánh Viên
Thất bại ở một cuộc thi đấu như ASIAD đem đến rất nhiều bài học trong công tác chuẩn bị thi đấu và nó cũng chỉ ra những bất cập trong kế hoạch tập huấn của Ánh Viên khi chinh phục những đấu trường lớn. Rõ ràng, đã đến lúc Ánh Viên cần được thay đổi môi trường tập huấn, thay đổi cách thức tập luyện và thậm chí thay cả HLV nếu như người thầy quen thuộc Đặng Anh Tuấn không thể giúp được kình ngư số 1 Việt Nam có thể tranh chấp huy chương châu lục hay cao hơn là thế giới. Đây là điều tất yếu và không thể khác trong huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Và có lẽ, chính thầy trò Ánh Viên hiểu rõ điều này hơn ai hết. Vấn đề đặt ra lúc này chỉ là, thay đổi như thế nào, Ánh Viên sẽ tập huấn theo phương thức nào, dưới sự hướng dẫn của ai và ngành thể thao cần phải cân nhắc thực sự kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trong thời gian sớm nhất.
Ánh Viên được đánh giá là của hiếm của TTVN, thậm chí nói theo cách của Phó trưởng đoàn TTVN Nguyễn Trọng Hổ là “50 năm nữa cũng không có”, vậy nên, hơn lúc nào hết, ngành thể thao cần đặc biệt quan tâm để tài năng này không bị lãng phí. Năm nay Ánh Viên cũng đã 22 tuổi và kể cả khi tuổi nghề của kình ngư này mới được hơn 9 năm (Ánh Viên đến với bơi vào năm 12 tuổi), điều này cũng không đồng nghĩa với việc Ánh Viên có thể kéo dài hoặc làm chậm lại quá trình duy trì thành tích đỉnh cao so với các kình ngư khác ở môn bơi. So sánh ngay với Ohashi Yui người giành tấm HCV ASIAD 18 nội dung 400m hỗn hợp, kình ngư người Nhật Bản năm nay 23 tuổi và thành tích của Ohashi tại Indonesia cũng không phải mức tốt nhất của kình ngư này.
Một so sánh như vậy để thấy, Ánh Viên có thể là một kình ngư xuất sắc nhất Đông Nam Á nhưng quỹ thời gian để Ánh Viên trở thành một kình ngư xuất sắc của châu lục không còn nhiều. Nếu như ngành thể thao thực sự mong muốn Ánh Viên sẽ hiện thực hóa ước mơ vươn tầm châu lục thì đừng lãng phí thời gian, đừng lãng phí Ánh Viên vào các cuộc thi đấu có thể làm ảnh hưởng tới việc hiện thực hóa giấc mơ châu lục.
Từ Hero đến Zero Cùng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Ánh Viên vấp phải nhiều chỉ trích nặng nề, nhất là trên mạng xã hội sau thất bại ở ASIAD 18. Tuy nhiên, cũng trên trang facebook cá nhân, tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thành Ngưng chia sẻ: “Hôm nay, xem trên livestream mọi người bình luận nặng lời, khiếm nhã, nặng nề dành cho Viên, anh Vinh và những niềm hi vọng vàng khác, sau khi không thể mang về tấm HCV và thất bại ở cự ly sở trường. Là một VĐV lâu năm, mình hiểu được thành tích thể thao phụ thuộc rất nhiều yếu tố, hơn nữa cũng là con người, cũng có giới hạn, chẳng ai giỏi mãi được. Mình kêu gọi bạn bè facebook, những người xem thể thao đừng hành động như thế với các VĐV Việt Nam. Hãy văn minh hơn trong cổ vũ, cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, chặng đường còn dài nên hãy đoàn kết, tạo động lực để các VĐV tiếp tục chiến đấu" |
Vũ Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất