Dân chung cư cao cấp ngại khách đến chơi nhà

15/07/2011 09:16 GMT+7 | Thế giới

Giá dịch vụ cao, cách quản lý nhập nhèm cùng với chất lượng căn hộ không đảm bảo đã khiến nhiều người ngán ngẩm khi có ý định mua nhà chung cư cao cấp tại Hà Nội.


Rất nhiều chung cư cao cấp Hà Nội hiện đang có tranh chấp về giá cả dịch vụ giữa chủ đầu tư và chủ sử dụng căn hộ.

Sống chung với kiện


Được mệnh danh là chung cư hiện đại nhất Việt Nam, nhưng gần hai tháng nay, các cư dân của chung cư cao cấp Keangnam (Hà Nội) tuy mới dọn về đã phải sống chung với… kiện. Câu chuyện thời sự hàng ngày của các hộ ở khu chung cư này là nỗi niềm bức xúc vì giá dịch vụ của công ty Keangnam Vina đưa ra quá cao. Phí trông giữ xe ôtô theo lượt là: 20.000 đồng/2 giờ. Phí trông giữ xe máy qua đêm là: 60.000 đồng. Phí trông giữ xe ôtô theo tháng là 1.462.000 đồng. “Giá trông xe như thế, gia đình tôi cứ nơm nớp ngại… khách đến chơi”, ông Đức, sống tại tầng 32, than thở. Thêm nữa, các hạng mục khác như thang máy, trần nhà, thiết bị điện… không đảm bảo. Ông Trần Đức nói thêm: “Đi lên thang máy mà cứ lo sợ bị nhốt, vì thường xuyên xảy ra tình trạng này, đã mấy lần tôi bị kẹt trong thang máy tới 20 phút”.

Tương tự, ở một số khu chung cư cao cấp khác người dân định cư ở đấy cũng kêu trời vì giá dịch vụ. Chị Ngọc Hà, cư dân tại toà nhà G2 (Ciputra) cho hay, liên tục trong  5 năm qua, phí dịch vụ tại dự án này tăng đều đều. Từ mức 2.544 đồng/m2/tháng năm 2006, năm nay phí dịch vụ đã lên 6.300 đồng/m2/tháng với mức tăng trung bình là 30% mỗi năm. Với mức phí mới, một căn hộ rộng 148m2 sẽ phải đóng phí dịch vụ là 932.400 đồng/tháng, tương đương khoảng 11,2 triệu đồng/năm.

Người dân chưa được bảo vệ

Những bức xúc này dẫn tới điệp khúc “kiện – giải quyết – kiện…” diễn ra liên miên ở những khu chung cư mang tên tây ở Hà Nội.

Theo giải thích của ban quản lý Ciputra, mức giá mà ban quản lý này đang áp dụng chưa đủ chi cho việc vận hành toàn bộ hệ thống. Ví dụ toà nhà có 1.000 hộ dân sinh sống thì số thu dịch vụ sẽ đủ chi cho số lượng người phục vụ quét dọn, bảo đảm an ninh, bảo trì thiết bị… thế nhưng nếu chỉ có 100 hộ dân đến ở thì số hộ này sẽ phải gánh một phần chi phí.

Sở Tài chính Hà Nội cũng vừa lập biên bản vi phạm hành chính, truy thu khoảng 50 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư toà tháp Keangnam chấm dứt ngay việc thu phí gửi xe cao hơn quy định. Vậy mà, không những phớt lờ quyết định xử phạt, Keangnam còn “dằn mặt” cư dân bằng cách cắt giảm nhân viên bảo vệ, cắt điều hoà trong thang máy, không bật hệ thống thông gió ở hành lang, tháo bớt đèn chiếu sáng ở các sảnh…

Cục trưởng cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, chính quyền địa phương nơi có các chung cư trong tình trạng trên cần phải khẩn trương và quyết liệt vào cuộc mới hạn chế được tình trạng tranh chấp.

Tuy nhiên, ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam thì lại cho rằng hiện tại rất khó quy định mức giá trần phí chung cư. Thông tư của bộ Xây dựng cũng chưa nhắc đến mức chế tài các chủ đầu tư tự ý nâng giá dịch vụ, áp dụng mức tính bằng USD… nên các cơ quan còn lúng túng. Ông Liêm đề xuất, chính quyền thành phố nên cụ thể hoá các quy định quản lý nhà chung cư và giá dịch vụ, đồng thời có các mức chế tài như rút giấy phép kinh doanh, xử phạt… đối với các chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành.

Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm