Truyền hình thực tế và những quân cờ truyền thông

07/09/2015 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những lùm xùm về tính công bằng trong các cuộc thi theo hình thức truyền hình thực tế giờ đây đã thành chuyện cơm bữa. Ngay cả những người nổi tiếng tuy đã quen với “đòn roi” dư luận đôi khi cũng chơi vơi khi bước ra khỏi các cuộc thi này dù lúc đồng ý tham gia, họ vẫn luôn miệng nói “chơi cho vui”.

Vậy còn những người muốn bước ra đám đông từ truyền hình thực tế, họ có toại nguyện khi rời khỏi những cuộc chơi mà bản thân mình không bao giờ có quyền chủ động?

Nhìn lại hiện tượng Phượng Vũ

Một hai tuần trước, thông tin Phượng Vũ dừng bước ở liveshow 6 Giọng hát Việt 2015 tràn ngập báo mạng và Facebook, cũng giống như thông tin cô gái này bước vào The Voice chỉ vì đã gây nên hiện tượng mạng với clip “vừa ăn kẹo vừa hát”.

Ngay khi Phượng gây sốt trên mạng với clip vừa ăn kẹo vừa hát, cô đã được nhà sản xuất Giọng hát Việt - người rất có kinh nghiệm tạo ra các cơn bão truyền thông - để mắt đến. Cô được đánh tiếng và tự bỏ tiền mua vé máy bay vào TP.HCM để gặp giám đốc âm nhạc của cuộc thi này.

Theo thông tin hậu trường thì nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã không đánh giá cao Phượng và không mặn mà với việc đặc cách cô vào vòng Giấu mặt. Tuy nhiên Phượng vẫn nghiễm nhiên bắt đầu hành trình với The Voice.


Phượng Vũ trong đêm bị loại. Cô đã quyết định bỏ công việc kế toán ở Hải Phòng để Nam tiến theo nghề hát sau khi dừng bước tại The Voice

Suốt hành trình này, hình ảnh hoặc “từ khoá” vừa ăn vừa hát luôn được đặc tả ngay từ tiết mục còn giấu mặt. Sau đó, Phượng rất được Đàm Vĩnh Hưng ưu ái và gần như trở thành át chủ bài trong đội của anh. Nhất cử nhất động của Phượng, từ chuyện giảm cân đến đi biểu diễn cùng thầy đều được thông báo trên Facebook cá nhân của cô và Đàm Vĩnh Hưng hoặc tiết lộ với báo mạng.

Nhưng về giọng hát, Phượng lọt thỏm giữa nhiều thí sinh và ngay với các thí sinh trong đội của mình. Cô hát khoẻ nhưng giọng hát không có gì đặc biệt và phong cách thì một màu. Thêm vào đó, thế mạnh của cô là nhạc trữ tình nhưng HLV lại hướng cô theo phong cách của anh với những bản phối dance.

Việc Phượng dừng bước ở liveshow 6 dường như chẳng khiến ai sửng sốt ngoài những người trong cuộc và fan cuồng của họ. Có thể thấy điều đó ngay trong đêm liveshow 6 với Top 4 của các đội, đêm mà cả Phượng Vũ và HLV của mình cùng “chết đứng” khi cô bị rơi vào vòng nguy hiểm và Đàm Vĩnh Hưng buộc phải loại cô.

Và ngay cả khi Phượng đã bị loại, cô cũng tạo ra một cơn bão truyền thông. Những nghi án như “Đàm Vĩnh Hưng tố bị chơi xấu”, “BTC không minh bạch” bùng nổ dưới dạng các status trên Facebook của những người liên quan ngay sau đó rồi lập tức được báo mạng tổng hợp lại.

Ai là người chơi cờ?

Con đường đến với The Voice của Phượng Vũ, hình ảnh khó ưa của Nguyễn Thị Oanh - quán quân Vietnam’s Next Top Model 2014, tính cách không thể yêu của thí sinh Nguyễn Thị Hợp ở Vietnam’s Next Top Modelnăm nay, những hình ảnh lao động miệt mài của các thí sinh So You Think You Can Dance mấy mùa, hành trình đến ngôi á quân của ca sĩ chuyển giới Hương Giang hay bước tiến đến ngôi vị quán quân của Vietnam Idol 2013 của anh chàng người dân tộc Chu Ru Ya Suy… Tất cả đều là những hình mẫu mà các cuộc thi tài năng theo thể thức truyền hình thực tế muốn gây dựng.

Những điều này là đúng với tôn chỉ của các cuộc thi: Đánh vào xúc cảm của khán giả bằng việc đặc tả đời sống cá nhân và hành trình đến đích của thí sinh. Dù đóng mác “tìm kiếm tài năng” nhưng tìm ra tài năng lại không phải việc chính yếu. Tạo dấu ấn để chương trình trở thành tâm điểm của truyền thông, đó mới là đích cuối.

Trong số những cuộc thi này, mấy ai trở thành những nghệ sĩ biểu diễn thực thụ và có con đường tiến thân vững chắc sau khi ra khỏi cuộc thi? Không khó đếm bởi rất ít.

Còn đa số, họ thi xong, đoạt quán quân hay á quân rồi cũng sẽ mất hút hoặc sự nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải. Điều đó thường phản ánh đúng khả năng vốn có của họ và giá trị cộng thêm từ các cuộc thi chỉ là những kỹ năng vào nghề, sự tự tin khi đứng trên sân khấu và một chút tiếng tăm đã có nhờ xuất hiện trên truyền hình.  

Ai cũng thấy rõ Vietnam Idol 2013 rất được lòng những khán giả thuộc cộng đồng LGBT với trường hợp ca sĩ chuyển giới Hương Giang. Không chỉ thế, ngôi quán quân cuộc thi này năm đó, dù rất khiên cưỡng, cũng đã thuộc về Ya Suy.

Cả Ya Suy và Hương Giang đều có giọng hát rất hạn chế, nhưng họ đã vượt qua rất nhiều thí sinh có giọng hát tốt để vào đến Top 3 và chàng trai đến từ một vùng núi hẻo lánh thuộc tỉnh Lâm Đồng đã chiến thắng cô ca sĩ chuyên nghiệp có giọng hát tốt và được đào tạo bài bản Hoàng Quyên!

Trở lại câu chuyện của Phượng Vũ. Vào đến top 4 vòng liveshow, Phượng còn may mắn hơn những ca sĩ đã hành nghề chuyên nghiệp và có chút tiếng tăm như Hà Linh (The Voice 2013) hay Kimmes, đồng môn của cô ở đội HLV Thu Phương.

Nghe đâu, đến với cuộc thi này, cả hai đều nhận được lời hứa sẽ đi sâu vào những vòng trong. Tuy nhiên Hà Linh bị loại từ đêm bán kết thứ hai còn Kimmes ra về từ liveshow 3. Điều này khiến cả những người được cho là thạo chuyện trong giới truyền thông cũng bị hớ.  

Nói thế để thấy rằng, nếu đã dấn thân vào những cuộc thi, hãy chấp nhận mình chỉ là quân cờ và cũng đừng sửng sốt khi phát hiện ra người chơi cờ chẳng phải giám khảo hay huấn luyện viên, lại càng không phải là khán giả với số lượng tin nhắn (vốn luôn là dấu hỏi lớn)!

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm