Thanh Lam 'vẽ' chân dung cha bằng âm nhạc

19/10/2014 07:38 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có thể bình tâm lại sau khi người cha yêu quý ra đi về cõi vĩnh hằng, ca sĩ Thanh Lam và gia đình bắt tay thực hiện live show tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa. Bản tình ca cha viết diễn ra tối 8/11 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.

Cùng với những ca khúc gắn liền tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến: Chia tay hoàng hôn, Khát vọng, Màu hoa đỏ…, chương trình sẽ lần đầu công bố hai ca khúc nằm trong gia tài âm nhạc của cố nhạc sĩ: Lắng nghe con mẹ ru mẹ hátMẹ Việt Nam, mặt trời trong tim con.


Nhạc sĩ Thuận Yến (ngồi, thứ hai từ trái sang) cùng vợ, con, cháu

* Thanh Lam: Tôi làm được 90% kỳ vọng của cha

Trả lời câu hỏi: Cha từng kỳ vọng ở chị thế nào, và chị đạt được bao nhiêu phần kỳ vọng đó?, Thanh Lam chia sẻ: “Chắc chắn ba rất kỳ vọng ở tôi. Trong gia đình, cha thường có chút thiên vị con gái, còn mẹ hay thiên vị con trai. Ở nhà tôi cũng thế, ba không bao giờ chê tôi. Khi tôi hạnh phúc hay gặp sóng gió, ba thường im lặng, trong khi mẹ thì hay sồn sồn lên. Nhưng chính sự im lặng của cha khiến tôi buộc mình phải vươn lên. Có lẽ tôi làm được 90% kỳ vọng của ba, về sự nghiệp. Còn 10% về tình yêu thì tôi đã không làm được như ông hằng mong muốn”.

Thanh Lam tham gia hoạt động nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. 15 tuổi, chị được chọn trình diễn tại Festival Thanh niên thế giới; rồi tham gia các đoàn nghệ thuật VN tại Liên Xô (cũ), Bulgaria, Trung Quốc; tham dự Liên hoan các ngôi sao nhạc pop châu Á tại Nhật Bản. Năm 1991, Thanh Lam đã giành được Giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc với số điểm tuyệt đối. Từ đây, chị gắn với tên gọi “Nữ hoàng nhạc nhẹ”.

Trên mỗi bước đường nghệ thuật của Thanh Lam không thể thiếu người cha đáng kính. “Tôi may mắn được sống một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc bên ba mẹ. Ba thường kèm tôi học nhạc hoặc kỳ cạch đưa đón tôi đi hát” – Thanh Lam kể.

Ca sĩ Thanh Lam hát nhạc phẩm của nhiều tác giả, nhưng chị ghi dấu ấn với rất nhiều bài hát của cha. Chính Chia tay hoàng hôn của nhạc sĩ Thuận Yến (với bản phối của nhạc sĩ Quốc Trung) đã đánh dấu bước tiến vượt bậc của Thanh Lam trong sự nghiệp âm nhạc tại cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991. Và cho đến giờ, có thể nói, chưa ai vượt được Thanh Lam khi hát Chia tay hoàng hôn, và cũng chưa có nữ ca sĩ nào được gọi là “Nữ hoàng nhạc nhẹ” sau Thanh Lam.

* Khúc vĩ thanh nhạc Thuận Yến

Có thể vì sự gắn bó vô hình này mà Thanh Lam là người trực tiếp lên ý tưởng và chọn ca khúc cho đêm nhạc Bản tình ca cha viết. Năm 2010, chị và gia đình cũng từng tổ chức Đêm nhạc Thuận Yến nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông. Để hồi tưởng và lật lại từng trang nhạc trong kho tàng hơn 100 tác phẩm của cha, Thanh Lam và gia đình mong muốn những bản tình ca cha viết được cất lên, trang trọng giữa thủ đô như một vĩ thanh gửi về Trời cho nhạc sĩ, rằng tác phẩm của ông vẫn luôn luôn tồn tại trong trái tim của tất cả mọi người.

Cùng với Thanh Lam, chương trình có sự tham gia trình diễn của Tùng Dương – Trọng Tấn – Anh Thơ. Đặc biệt, NSƯT Thanh Hương – phu nhân của cố nhạc sĩ Thuận Yến – sẽ không chỉ là tham gia dẫn dắt câu chuyện âm nhạc trong chương trình, mà bà còn trình diễn các tác phẩm của chồng. Trong số này phải kể đến bài Cây đàn thập lục (biểu diễn cùng con trai Trí Minh) và đệm đàn cho cháu gái Thiện Thanh (con gái của ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Quốc Trung) hát bài Con gái mẹ đã thành chiến sĩ. Đây cũng là lần đầu tiên, Thiện Thanh dám thử sức mình với các nhạc phẩm để đời của ông ngoại mình.

Theo chia sẻ của ca sĩ Thanh Lam, gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến có thể chia thành 5 mảng đề tài chính: Ca khúc viết về Bác Hồ; Ca khúc viết về người mẹ Việt Nam; Ca khúc viết về người chiến sĩ; Ca khúc viết về đất nước và những miền quê và Tình khúc. Trong đó, phần lớn những tình khúc được ông viết nhiều để dành riêng cho con gái. Tuy nhiên, trong Bản tình ca cha viết, Thanh Lam sẽ “nhường” mảng tình khúc cho các bạn diễn và quyết định thử sức ở những mảng âm nhạc khác của cha cô. Được biết, Trọng Tấn sẽ hát Em đang ở đâu; Anh Thơ hát Mắt buồn phố vắng, Giếng quê, Thì thầm với dòng sông; Tùng Dương hát Mưa, Trái tim lang thang…

“Con nhớ những buổi tối ba dạy con học nhạc, nếu chăm chỉ được ba mua phần thưởng là bánh mì chấm với sữa, sao mà ngon đến vậy. Rồi con nhớ những đêm ba đưa con đi biểu diễn, kết thúc chương trình lại trở về cùng nhau... Mẹ đang đợi chúng ta ở nhà!... Con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngập tràn hạnh phúc và một tuổi thơ đầy ước mơ.

Con đã mơ được hát “bản tình ca cha viết” và giấc mơ có thực. Con và em, mẹ sẽ ôn lại những kỷ niệm bằng câu chuyện âm nhạc cha đã viết suốt cả cuộc đời!”

(Tự sự của Thanh Lam với người cha đã quá cố).


Hà Chi
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm