04/06/2018 07:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những bức ảnh ghi lại cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” ở trường Đại học Thủy Lợi tại Phố Hiến (Hưng Yên) đang liên tục xuất hiện trên mặt báo. Kèm theo đó là câu chuyện về cảnh ngộ oái ăm của công trình này.
Rộng 56 hecta, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 13.000 sinh viên (kèm theo một ký túc xá 4000 chỗ ở), đây là công trình được đầu tư 1.125 tỷ đồng, với mục đích trở thành nơi đào tạo chính của ĐH Thủy lợi.
Thế nhưng, sau 2 năm kể từ khi khánh thành, hiện chỉ có khoảng…. 400 sinh viên theo học tại đây. Hàng ngàn sinh viên còn lại vẫn “chen chúc” trong cơ sở 1 rộng 8 hecta của trường tại phố Tây Sơn (Hà Nội).
Tất nhiên, sẽ có rất nhiều người nghĩ tới trách nhiệm của phía nhà trường trong câu chuyện này. Nhưng, trước khi nhắc tới những lý do ấy, có một thông tin không thể bỏ qua: theo nhà trường, chính các em sinh viên không muốn về đây học.
Như thông tin được nhà trường cung cấp, ngay sau khi khánh thành trường mới, khóa đào tạo mới nhất của ĐH Thủy lợi (năm 2016) với 3000 sinh viên đã lập tức được chuyển về đây. Nhưng, chính các sinh viên mới này đã tỏ ra chán nản với cơ sở mới vì khó khăn trong đi – về Hà Nội. Rồi, do đô thị đại học Phố Hiến (Hưng Yên) rộng 1000 hecta mới chỉ có duy nhất ĐH Thủy Lợi, các em than buồn vì thiếu kết nối với xung quanh, vì thiếu chỗ giải trí, vì không có cơ hội kiếm việc làm thêm...
Và, dù 3000 sinh viên này sau đó đã được chuyển về Hà Nội, những lời than thở của các em trên mạng xã hội cũng gây ra hiệu ứng bất lợi, khi việc tuyển sinh của nhà trường trong năm tiếp theo bị sụt giảm. Để rồi, hiện tại, trường ĐH Thủy lợi chỉ có thể động viên và hàng tháng đưa từng đợt sinh viên xuống học, với số lượng mỗi đợt khoảng 400 người.
***
Tại Hà Nội và TP HCM, đề án di dời các trường ĐH ra khỏi nội đô đã được phê duyệt từ gần chục năm trước. Đó là những đề án được dư luận tán thành vì mục đích giảm sức ép lên hệ thống hạ tầng đang quá tải ở trung tâm. Bên cạnh đó, ngoài việc đảm bảo điều kiện tốt hơn về môi trường, cơ sở học tập… cho các sinh viên, việc di dời các trường ĐH tới những khu vực mới còn mở ra cơ hội thúc đẩy sự phát triển chất xám và quá trình đô thị hóa ở những nơi này.
Để rồi, cho tới hiện tại, đề án này gần như chưa thể triển khai. Và, hiếm hoi có những trường hợp xây dựng cơ sở mới, như ĐH Thủy lợi, thì lại gặp cảnh éo le như đã nói.
Thực tế, trong rất nhiều cuộc tọa đàm về mô hình khu đô thị học, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: bản thân những quần thể này này phải có sự kết nối đồng bộ trung tâm đô thị bằng phương tiện công cộng, đồng thời có những tiện ích tối đa cho người sử dụng cả về điều kiện học tập, không gian sống, nhu cầu giải trí… - thay vì chỉ là nơi dồn các trường Đại học về.
Câu chuyện xây dựng những đô thị Đại học tập trung ấy, cũng như câu chuyện xây dựng những trung tâm hành chính, hay khu trung tâm thương mại mới tại các địa phương. Ở đó, người ta không thể chỉ xây dựng những công trình mới, mà không tính đến nhu cầu thực tế và những tiện ích cho người sử dụng.
Đã có những ý kiến, không phải không có lý, rằng thay vì vội vã lên kế hoạch xây những dựng nhiều khu đô thị Đại học quanh Hà Nội, chúng ta hãy đầu tư có trọng tâm để triển khai từng khu một, với đầy đủ tiện ích cũng như phương tiện giao thông kết nối với trung tâm. Đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, những “làng đại học” này sẽ sớm được lấp đầy, thay cho cảnh phải… một mình một “làng”, như trường ĐH Thủy lợi.
Sẽ rất dễ để chúng ta kêu gọi các em sinh viên “làm gương” và chấp nhận ở một trường ĐH xa trung tâm như vậy. Nhưng, cũng không thể quên, dù là giáo dục, tất cả vẫn đang vận hành theo cơ chế của thị trường.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất