20/04/2021 19:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những câu chuyện cổ tích của anh em Grimm vốn đã quá quen thuộc với trẻ em Việt Nam. Nhưng, ấn bản mới của Đông A lại là một cách tiếp cận đặc biệt, để mọi đối tượng độc giả đều có thể thưởng thứ trọn vẹn Di sản Thế giới này.
1. Ngay từ khi ra đời năm 1812, tập Kinder-und Hausmärchen (Chuyện kể cho trẻ em và trong gia đình) của hai anh em Jacob & Wilhelm Grimm đã trở nên nổi tiếng và gây tiếng vang trong cộng đồng các nhà nghiên cứu ở Đức. Và ngày nay, chúng ta thường nghe đến cuốn sách với tên gọi Truyện cổ Grimm.
Trên thực tế, ảnh hưởng của Truyện cổ Grimm rất sâu rộng với việc từng được dịch ra 160 thứ tiếng. Không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn của rất nhiều thế hệ trẻ em trên khắp thế giới, nó còn được coi là nguồn cảm hứng bất tận nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như hội họa, âm nhạc và điện ảnh.. và là một trong các nền tảng của văn hóa hiện đại phương Tây.
“Sau Kinh thánh, Truyện cổ Grimm là cuốn sách nổi tiếng nhất, được đọc rộng rãi nhất từng xuất hiện trong tiến trình lịch sử văn hóa Đức” - UNESCO đã đưa ra nhận xét này khi công nhận Truyện cổ Grimm là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2005. Tại Việt Nam, Truyện cổ Grim đã được giới thiệu đến các độc giả qua nhiều lần xuất bản khác nhau, với các ấn bản truyện chữ theo bản dịch từ truyện của hai anh em nhà Grimm, thêm minh họa, hay truyện tranh do các họa sĩ vẽ lại với nội dung rút gọn...
Dù vậy, ít người biết, Truyện cổ Grimm có xuất phát điểm là một công trình sưu tầm chuyện kể dân gian. Và với sự nổi tiếng của nó, người ta đã quên đi mục đích ban đầu của các tác giả: Jacob và Wilhelm Grimm không ghi chép truyện cổ tích cho trẻ con đọc, mà họ mong muốn sử dụng phương tiện chữ viết để gìn giữ nếp văn hóa, quan niệm sống và những giá trị tinh thần truyền thống của người dân Đức.
2 .Lần này, ấn bản Truyện cổ Grimm của NXB Văn học và Công ty sách Đông A tuân theo tinh thần đó của hai tác giả: Giữ lại những câu chuyện theo nguyên bản nhằm truyền tải được tinh thần nguyên gốc và mang đậm hơi thở của một nước Đức cổ kính thế kỷ XIX.
Về nội dung, đây được xem là ấn bản đầy đủ nhất đến thời điểm hiện tại, gồm 215 truyện, trong đó có 211 truyện đúng số lượng và thứ tự theo bản năm 1857 (ấn bản cuối cùng của anh em nhà Grimm trước khi hai ông qua đời) và 4 truyện xuất hiện trong các ấn bản trước, nhưng về sau đã bị anh em Grimm loại bỏ. 215 truyện này được chuyển ngữ bởi ba dịch giả Lương Văn Hồng, Ngụy Hữu Tâm và đặc biệt là dịch giả Hữu Ngọc - người vẫn có các bản dịch truyện Grimm được tái bản thường xuyên trong suốt 50 năm qua.
Ngoài ra, trong ấn bản này, Đông A bổ sung Lời tựa của bản Truyện cổ Grimm xuất bản trong thập niên đầu thế kỷ XX tại Đức, bao gồm lời tựa do chính anh em nhà Grimm viết, và phần giới thiệu những thay đổi, chỉnh lý trong các lần in tiếp theo.
Về hình thức, sách sử dụng bộ minh họa Truyện cổ Grimm của hai họa sĩ Philipp Grot Johann và Robert Leinweber xuất bản đầu thế kỷ XX tại Đức. Đây cũng là lần đầu bản minh họa này được giới thiệu tại Việt Nam, với hầu hết các truyện đều có hình ảnh để người đọc dễ hình dung hơn bối cảnh, nhân vật, trang phục và các vật dụng được miêu tả trong câu chuyện.
Dày gần 1000 trang, mỗi bản sách Truyện cổ Grimm của Đông A sẽ đi kèm 02 postcards và 01 bookmark được thiết kế đồng bộ. Ngoài ra, Đông A cũng phát hành các bản ấn phẩm chất lượng cao dành riêng cho người chơi sách.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất