06/02/2019 11:00 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Việc bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã được Thông tấn xã Việt Nam bầu chọn vào 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2018. “Dưới lá cờ đỏ, vàng sao long lanh. Tôi - chiến sĩ Việt Nam mang mũ nồi xanh…” - bài hát mới sáng tác của Thiếu tướng - Phó GS-TS -Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn đã vang lên.
Ngày 1/10/2018, Việt Nam triển khai một đơn vị độc lập - Bệnh viện dã chiến cấp 2, được phiên chế 63 thành viên (trong đó có 10 thành viên nữ) – tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 (BVDC2.1) có lực lượng nòng cốt là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Bệnh viện Quân y 175 Bộ Quốc phòng (BV 175- BQP) và một số khác đến từ Quân khu 7, Quân đoàn 4.
Từ lần đầu tiên
PV báo Thể thao và Văn hóa đã tìm gặp Thiếu tướng - Phó GS-TS -Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn hiện là Giám đốc Bệnh viện 175 – Bộ Quốc phòng để tìm hiểu về những chiến sĩ “Mũ nồi xanh”, bởi BV 175 - BQP đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng mô hình, nhân sự, “bộ khung” của BVDC 2.1 từ 5 năm trước.
“Câu chuyện này rất dài. Vấn đề khó khăn nhất lúc ban đầu là chúng ta chưa có tiền lệ, kiến thức và kinh nghiệm tổ chức nên không tránh khỏi lúng túng, bị động trong công tác chỉ huy, điều hành, tổ chức… Chính lúc đó, sự chủ động sáng tạo, ý chí, quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ cấp trên giao nên chúng tôi đã khẩn trương xây dựng một “mô phỏng” doanh trại mới khang trang ngay “trong lòng” Bệnh viện 175. Điều quan trọng nhất là phải làm theo đúng chuẩn của LHQ và phải trải qua những kỳ sát hạch của các chuyên gia LHQ và của Phái bộ tại Nam Sudan”, Thiếu tướng quân y Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
“Đây là nhiệm vụ lịch sử của đất nước ta, của quân đội ta khi lần đầu tiên đưa một đơn vị chính quy ra nước ngoài làm nhiệm vụ nhân đạo. Đó là trách nhiệm, vinh dự và tự hào khi chúng ta góp phần cùng LHQ gìn giữ hòa bình thế giới. Ai cũng biết, lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta là lịch sử của những cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Chúng ta đã hiểu cái giá phải trả, của biết bao thế hệ cha ông để có được độc lập, hòa bình, tự do. Chính vì thế chúng ta yêu quý và trân trọng hòa bình, bởi chúng ta đã chiến đấu, hy sinh để có hòa bình nhưng chúng ta cũng mang hòa bình tới các quốc gia còn đang chiến tranh. Hành động này cũng có thể nói là một cách để bảo vệ hòa bình cho Việt Nam từ xa.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Chúng ta giới thiệu hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ” mà thế giới từng khâm phục về ý chí chiến đấu, ý chí chiến thắng, hình ảnh người chiến sĩ quân y Việt Nam, và cho thế giới thấy nền y học của Việt Nam như thế nào”.
“Tình hình sau gần 3 tháng tại châu Phi đầy hiểm nguy, các đồng nghiệp tại BVDC2.1 của ông đang hoạt động như thế nào”?, người viết đặt câu hỏi.
Thiếu tướng quân y Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Đoàn bay sang Thị trấn Bentiu, Nam Sudan, tiếp quản 1 bệnh viện dã chiến cũ từ lực lượng Mũ nồi xanh của Anh quốc, đã bắt tay ngay vào công việc. Sau gần 3 tháng, các bác sĩ của BVDC2.1 đã mổ thành công nhiều ca cấp cứu của Lực lượng Phái bộ UNMISS và người dân địa phương. Thống đốc bang Unity đã tới đây khám bệnh”.
Nhìn trên bản đồ Nam Sudan, thị trấn Bentiu thuộc bang Unity, phía Bắc thủ đô Juba, gần biên giới với Sudan. Một quốc gia non trẻ, mới thành lập được 8 năm, nhưng đã trải qua 5 năm nội chiến. Tính đến tháng 10/2018, đã có hơn 50 nghìn người thiệt mạng và hơn 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, chạy trốn khỏi Nam Sudan. Một đất nước mà cướp bóc, hãm hiếp, giết người đang hoành hành, với khoảng 250.000 trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng và có nguy cơ tử vong cao. Bất cứ thanh niên nào ở quốc gia này cũng có thể sở hữu một khẩu AK47 để bảo vệ gia đình mình.
Hình ảnh mà các đồng nghiệp TTXVN gửi về từ Nam Sudan cho thấy, BVDC 2.1 được bảo vệ rất nghiêm ngặt, xung quanh có các lớp rào dây thép gai, các lớp tường “thùng phuy cát” được bố trí nhiều lớp…
“Tâm lý rất quan trọng, xa Tổ quốc, xa gia đình, đối mặt với hiểm nguy, dịch bệnh sốt rét, ăn ở trong các container, lều bạt… nên ngoài công tác chính trị, tư tưởng thì đó là tinh thần nghị lực của từng cá nhân. Ngoài tay nghề ngành y, các sĩ quan Mũ nồi xanh phải trải qua một thời gian dài khổ luyện, từ ngoại ngữ tiếng Anh thành thạo cho đến các kỹ năng sinh tồn như tìm nguồn nước, xác định các loại củ quả ăn được, phòng chống rắn rết. Bên cạnh đó là khả năng phản ứng nhanh cấp cứu ngoại viện, làm việc tổ nhóm, lắp đặt, tháo dỡ, di dời doanh trại, các quy định của LHQ về quan hệ đối ngoại, luật nhân đạo, bảo vệ thường dân, kỹ năng bảo vệ mình trước những hành vi quấy rối tình dục…” - vị tướng quân y cho biết thêm.
Đến bài hát về chiến sĩ “Mũ nồi xanh”
Thiếu tướng - Phó GS -TS - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn trong màu áo xanh của lính, trong màu áo blouse trắng, có lẽ nhiều người biết rõ nhưng ông còn là một nhạc sĩ với khá nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao.
Mặc dù công việc bận rộn nhưng ông vẫn rất say mê âm nhạc và yêu thích công việc sáng tác. Ông đã cho ra đời 5 CD gồm: Vẫn mãi màu áo trắng (2005), Giữa trùng khơi sóng (với NS Quỳnh Hợp - 2011), Tổ quốc nhìn từ biển (với NS Quỳnh Hợp - 2013), Sức sống Trường Sa (2015) và cuối năm 2017 là Có những tuổi 20 như thế.
Tác phấm của ông đã đoạt nhiều giải thưởng, HCV trong các Hội diễn, trong đó có giải thưởng của Hội Âm nhạc Việt Nam các năm 2014 và 2016. Ca khúc Huệ đỏ viết về những những chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh ở địa đạo Củ Chi do ca sĩ Vũ Thắng Lợi trình bày là một tác phẩm hay, được hát trong đêm kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công Mậu Thân hồi đầu năm nay khiến nhiều má, nhiều chị tóc bạc phơ rơi nước mắt…
Trong lễ tiễn đoàn BVDC 2.1 sang Nam Sudan, đội văn nghệ xung kích của BV 175 - BQP và các chiến sĩ Mũ nồi xanh đã cùng hát vang bài ca có cái tên rất mộc mạc: Chiến sĩ Mũ nồi xanh do nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn viết trước đó 1 ngày. Nhiều người còn chưa thuộc nên phải cầm bản nhạc trên tay. Giai điệu ca ngợi, ca từ với hình ảnh “dưới lá cờ đỏ, vàng sao long lanh. Tôi - chiến sĩ Việt Nam mang mũ nồi xanh. Còn bao đất nước đang chiến tranh, bao em bé chưa yên giấc lành, bao cuộc đời cần tôi với anh, cùng chung sức giữ yên màu xanh”… Bất ngờ nhất khi anh kết bài hát bằng câu: Đoàn quân Việt Nam đi với cao độ như trong bài Quốc ca.
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn khi nói về âm nhạc khác hẳn một “vị tướng quân y” Nguyễn Hồng Sơn, sự nghiêm nghị đã biến mất. “Tôi viết không nhiều, mỗi năm một bài. Những bài hát mà tôi viết không còn là cảm xúc, sở thích đơn thuần, mà đôi khi còn là trách nhiệm. Trách nhiệm của người lính, người thầy thuốc, người thầy giáo, người quản lý và đơn giản và dung dị nhất là trách nhiệm chia sẻ giữa con người với con người”, người viết chợt nhớ lại chia sẻ của vị tướng quân y khi chia tay.
Đỗ Hải Âu
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất