27/05/2011 11:30 GMT+7 | Champions League
(TT&VH) - Vài ngày trước khi M.U chơi trận chung kết Champions League với Barcelona ở Wembley thì tại Old Trafford, những đàn em của họ đã đè bẹp Sheffield United 4-1 (6-3 chung cuộc) để lập kỷ lục 10 lần vô địch cúp FA trẻ. Có thể nói, dòng chảy thế hệ ở Old Trafford không bao giờ ngừng nghỉ.
Từ Busby Babes...
Được tổ chức thường niên với quy mô rộng rãi, Cúp FA trẻ là một thước đo chính xác về công tác đào tạo bóng đá trẻ. Với 10 chức vô địch và 4 lần về nhì, lò đào tạo trẻ của M.U xứng đáng với vị thế số một ở xứ sương mù, bỏ xa đội thứ nhì Arsenal (7 chức vô địch, 1 á quân). Và không phải đến thời của Sir Alex, Quỷ đỏ mới được xem là cái nôi sản sinh ra những ngôi sao cho bóng đá thế giới.
Thực tế là ngay từ khi giải đấu này ra đời ở thập niên 50 của thế kỷ trước, M.U đã ngay lập tức thống trị với 5 chức vô địch liên tiếp. Ngày ấy, bóng đã còn rất hồn nhiên, không nhiều toan tính, và sơ đồ chiến thuật thịnh hành nhất là 2-3-5, với phương châm "tất cả cho tiền tuyến". HLV trưởng của M.U khi ấy là Matt Busby, nhưng người trực tiếp dẫn dắt những Bobby Charlton, David Pegg, Eddie Coleman, Duncan Edwards,... là Jimmy Murphy, HLV trưởng ĐT Xứ Wales. Còn thuật ngữ "Busby Babes" được phóng viên Tom Jackson của tờ Manchester Evening News đặt ra hồi tháng 11/1951, khi M.U ra mắt hai cầu thủ mới toanh Jackie Blachflower (18 tuổi) và Roger Byrne (21), trong trận đấu trên sân Liverpool.
Đáng chú ý nhất trong thế hệ ấy là Duncan Edward và Bobby Charlton. Ở tuổi 17 + 8 tháng, Edward đã lập kỷ lục cầu thủ trẻ nhất khoác ĐT Anh, và mãi gần 50 năm sau mới bị Michael Owen phá. Theo bầu chọn của các fan thì ông đứng thứ 6 trong tốp 50 cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử M.U. Song thật đáng tiếc, Edward là một trong số những cầu thủ đã qua đời sau vụ tai nạn rơi máy bay tại Munich năm 1958.
Thảm họa Munich đã khiến Sir Matt Busby mất đi gần như cả một thế hệ tài năng, và sau này ông đã phải xây dựng lại gần như toàn bộ, với nòng cốt là Bobby Charlton, người may mắn sống sót, và những ngôi sao mới như Dennis Law hay George Best. Điều kỳ diệu là đúng 10 năm sau thảm họa ấy, M.U đã bước lên đỉnh châu Âu, ngay chính tại Wembley.
... đến thế hệ 1992
Thứ Ba vừa qua, sân Old Trafford đã tổ chức lễ chia tay Gary Neville, người hậu vệ phải tận tụy của Quỷ đỏ suốt gần 2 thập kỷ qua. Tại Old Trafford, Thế hệ vàng năm 1992 với Ryan Giggs, Beckham, Scholes, Butt và anh em nhà Neville đã tề tựu đông đủ. Màn hội ngộ ấy gợi lại những hình ảnh hoàng kim trong thập niên 90 khi M.U thống trị xứ sương mù mà những gương mặt rất non trẻ ấy là nòng cốt.
Mùa giải 1995-96, M.U đã bán một loạt ngôi sao như Mark Hughes, Paul Ince, Kanchelskis và đôn một loạt lứa trẻ lên đội một. Khi họ thua trận mở màn trước Aston Villa, BLV Alan Hansen đã phát biểu "Người ta không thể vô địch với những đứa trẻ". Thế nhưng mùa giải ấy, M.U đã ngược dòng ngoạn mục trong cuộc chạy đua với Newcastle để bước lên ngôi vô địch. Sau này, Hansen đã phải xin lỗi vì tuyên bố của mình. Thế hệ ấy đã thống trị Premier League với tài năng xuất chúng ở mỗi cá nhân: Giggs là cơn lốc bên hành lang trái với kỹ thuật siêu việt, Scholes nổi tiếng với những pha sút bóng sống không thể cản phá, còn những đường tạt chính xác đến từng centimet của Becks đã trở thành thương hiệu. Mùa giải 1999 là đỉnh cao của họ, với cú ăn ba huyền thoại.
Trong suốt một phần tư thế kỷ gắn bó với Quỷ đỏ, Sir Alex đã chăm chút cho rất nhiều thế hệ, nhưng chưa có một lứa cầu thủ nào khiến ông ưng ý như thế hệ 1992. Đó là những cậu bé mà ông đã cất công chăm chút từ nhỏ, và giúp họ trải qua những ngày tháng tuyệt vời nhất ở Old Trafford. Có những người đã ra đi, nhưng chưa bao giờ vì cạn tình yêu với M.U (Becks, Butt, Phil Neville), có những người đã ở lại và cống hiến toàn bộ sự nghiệp mình cho Quỷ đỏ (Giggs, Scholes).
Chờ những ngôi sao 9X
Rooney, Ronaldo, và Nani đều đã trưởng thành và vươn tới đỉnh cao trong màu áo M.U, nhưng họ hoàn toàn không phải sản phẩm của lò đào tạo trẻ tại Carrington. Ngay cả với các ngôi sao trẻ hiện nay như Anderson, Chicharito, Smalling, và anh em nhà Da Silva cũng vậy. Nhưng sau sự tiến bộ vượt bậc của những cầu thủ này ở mùa giải qua, có thể thấy dấu ấn của Sir Alex là không nhỏ. Vì thế cũng chẳng phải cướp công nếu cho rằng Sir Alex đang vun đắp một thế hệ trẻ thành công nữa. Những cậu bé ấy đến M.U khi mới ở độ tuổi 17, 18 và sau một hai năm trui rèn đã trưởng thành vượt bậc, cả về kỹ năng chơi bóng cho đến tư duy chiến thuật. Sắp tới, M.U sẽ đón thêm thủ thành David De Gea về để hoàn tất bộ khung 9X đầy hứa hẹn của Sir Alex.
Và đừng quên rằng học viện bóng đá M.U vẫn còn những ngôi sao trẻ rất hứa hẹn. Ravel Morrison, người lập cú đúp trong chiến thắng 4-1 trước Sheffield vừa rồi là một ví dụ điển hình. Ở tuổi 18, tiền vệ này là nhạc trưởng thực sự của đội dự bị, và từng ra mắt đội một hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuấn Cương
Giải Jimmy Murphy (Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa của M.U) 1989-90 Lee Martin 1990-91 Ryan Giggs 1991-92 Ryan Giggs 1992-93 Paul Scholes 1993-94 Phil Neville 1994-95 Terry Cooke 1995-96 Ronnie Wallwork 1996-97 John Curtis 1997-98 Wes Brown 1998-99 Wes Brown 1999-00 Bojan Djordjic 2000-01 Alan Tate 2001-02 Paul Tierney 2002-03 Ben Collett 2003-04 Jonathan Spector 2004-05 Giuseppe Rossi 2005-06 Darron Gibson 2006-07 Craig Cathcart 2007-08 Danny Welbeck 2008-09 Federico Macheda 2009-10 Will Keane 2010-11 Ryan Tunnicliffe
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất