Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam

15/12/2024 18:30 GMT+7 | Văn hoá

Những phát hiện khảo cổ học ở di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được công bố trong thời gian qua đã làm kinh ngạc giới nghiên cứu và công chúng. PGS -TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã chia sẻ những đánh giá mới nhất của ông trong bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa.

Tôi về công tác ở Viện Khảo cổ học tới nay vừa tròn 60 năm. Thật may mắn những cuộc khai quật quan trọng của Viện Khảo cổ học, tôi đều được tham gia như ở các địa điểm: Thiệu Dương, Núi Nấp, Quỳ Chử, Xóm Rền, Mán Bạc, Cồn Cổ Ngựa, hang Con Moong…

Nhưng với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, do Viện Khảo cổ học phối hợp cùng Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành khai quật từ tháng 3/ 2024, có lẽ đây là cuộc khai quật lớn nhất trong đời tôi vì diện tích khai quật tới 6000m2.

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 1.

Khai quật di chỉ Vườn Chuối

Di chỉ Khảo cổ học Vườn Chuối nằm tại phía Tây Vườn Chuối, thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Di chỉ này được phát hiện từ năm 1969 và đã kinh qua 9 lần khai quật với tổng diện tích là 1.250m2. Còn lần khai quật này (năm 2024) là 6.000m2. Đây là một "phức hệ di tích thuộc loại hình cư trú - mộ táng, tầng văn hóa phản ánh nhiều giai đoạn văn hóa phát triển liên tục trong thời đại kim khí  miền Bắc Việt Nam" như lời Trưởng đoàn khai quật TS Nguyễn Ngọc Quý đã từng phát biểu.

Có lẽ vì khai quật với diện tích quá lớn mà chúng ta chẳng những nhận thức được nhiều điều mà còn tìm thấy những hiện vật khảo cổ chưa bao giờ tìm thấy ở Việt Nam.

54 năm về trước tôi được tham gia khai quật di chỉ Xóm Rền, thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Thật bất ngờ khi tìm thấy một hộp sọ mà thiếu 2 răng cửa bên hàm trên và toàn bộ răng cửa dưới. Lúc đó tôi chưa dám phát biểu gì. Nhưng rồi những hộp sọ khác thuộc văn hóa Phùng Nguyên như ở các di chỉ Đồng Đậu, Hang Tọ, Đình Tràng, Mán Bạc… cũng có tục nhổ răng cửa nên tôi rút ra kết luận: "Cư dân Phùng Nguyên có tục nhổ răng cửa".

Nhưng khi khai quật khảo cổ học ở Vườn Chuối, tôi lại thấy ở giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Đậu cũng có phong tục này. Vì vậy kết luận trên lại phải bổ sung là: "Cư dân Phùng Nguyên và Đồng Đậu sớm đều có tục nhổ răng cửa".

Một phát hiện khác ở Vườn Chuối là những vòng trang sức bằng đá, không chỉ đeo ở cổ tay mà còn đeo trên khuỷu tay (Hình 1). Lần đầu tiên chúng ta thấy hiện tượng này trên di cốt người cổ ở Việt Nam.    

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 2.

Vòng trang sức đeo trên khuỷu tay

Trong cuộc khai quật lần này đã phát hiện nhiều hiện vật lạ mà trong suốt 60 năm qua công tác ở Viện rồi Hội Khảo cổ học Việt Nam, tôi chưa từng thấy bao giờ. Trong hố 09, lớp 3, đã tìm thấy 1 chiếc cúc áo bằng đá trắng hình tròn,  mặt sau có cả lỗ để xâu chỉ (Hình 2). Ở mộ 38, hố 45, lớp 4, đã phát hiện một chiếc đèn gốm nhỏ có lỗ để xâu dây treo đèn lên (Hình 3).

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 3.

Cúc áo bằng đá

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 4.

Đèn bằng gốm

Đặc biệt hơn cả ở hố 16, lớp 4, mộ 40, các nhà khoa học đã tìm thấy một hiện vật đá khá to có lỗ tròn ở giữa đặt dựng đứng, ở phía ngoài, gần đùi trái (Hình 4). Phải chăng đây là một hiện vật biểu trưng cho lễ nghi tôn giáo? Ngay phía trên đầu của mộ này là những mũi tên bằng đá chế tác rất tinh xảo (Hình 5).

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 5.

Hiện vật đá biểu trưng cho lễ nghi tôn giáo (?)

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 6.

Những mũi tên đá

Cùng với những hiện vật trên là vô số hiện vật thuộc các nhóm chất liệu: đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt… và 10 tấn gốm, thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn. Và chắc chắn còn nhiều hiện vật khác nữa nằm ở những lớp sâu hơn mà chúng tôi chưa tiến hành khai quật.

Một điểm quan trọng khác nữa, bên cạnh khu mộ táng đã phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Rõ nhất là dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn (Hình 6) và một số dấu tích của thời hậu Đông Sơn.

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 8.

Dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn

Ý nghĩa quan trọng của khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, đó là đóng góp nhiều tư liệu quý báu trong việc nghiên cứu rõ giá trị lịch sử, bức tranh toàn cảnh của vùng đất Hà Nội xưa, về sự hình thành và phát triển rực rỡ của nền văn minh sông Hồng, chúng ta có được những hiểu biết vô giá về lịch sử Việt Nam ở thời kỳ tiền Nhà nước và giai đoạn Nhà nước sớm.

Khai quật di chỉ Vườn Chuối: Những hiện vật khảo cổ chưa từng thấy ở Việt Nam - Ảnh 9.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường, tác giả bài viết, tại hiện trường khai quật

"Tính đến nay đã phát hiện được 235 ngôi mộ và dấu vết mộ tại di chỉ Vườn Chuối. Trong đó, mộ văn hóa Đông Sơn chiếm phần lớn khoảng, 150 mộ" - PGS-TS Nguyễn Lân Cường.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm