Khai màn La Liga 2014-15: Song mã hay là tam mã?

23/08/2014 15:38 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(Thethaovanhoa.vn) - “Liệu Atletico Madrid có thể phá vỡ thế song quyền ở La Liga?”, đó vẫn là câu hỏi quan trọng nhất mỗi khi mùa bóng khởi tranh. Một câu hỏi lớn khác, Real Madrid hay Barcelona liệu có bị hất văng khỏi cuộc đua?

Khi La Liga khai mạc bằng trận đấu Malaga - Athletic Bilbao vào hôm nay, đây sẽ là mùa giải đầu tiên trong một thập kỷ nhà ĐKVĐ không phải là Barcelona hay Real Madrid. Năm 2004, Valencia của Rafael Benitez đã phá vỡ thế độc quyền nhưng rồi sau đó chuyện lại đâu hoàn đấy.

Sự hoài nghi của Barca

Nếu như 10 năm trước ngay sau chức vô địch của Valencia là sự ra đi của Benitez và một loạt các trụ cột thì năm 2014 này nhà ĐKVĐ Atletico Madrid tuy mất trụ cột nhưng giữ lại HLV trưởng Diego Simeone. Simeone gần như là bộ não của cả tổ chức và phong cách chiến thuật lẫn cách quản người cứng rắn của ông đã đưa đội bóng tới 3 mùa giải thành công vừa qua.

Bên cạnh đó, trong đội hình Atletico vẫn không hề vắng bóng hoàn toàn các cầu thủ chủ lực đã giúp đội bóng vô địch La Liga. Khối xương sống Gabi, Raul Garcia, cặp trung vệ Godin - Miranda, Koke và Mario Suarez vẫn còn khoác áo CLB. Chưa hết, sự ra đi của tiền đạo Diego Costa, hậu vệ Filipe Luis đã mang lại một số tiền chuyển nhượng đủ để Atletico mang về Mario Mandzukic, Antoine Griezmann và thủ môn trẻ Jan Oblak. Nếu như Valencia của 2004 mất sạch mọi nguyên tố làm nên thành công, thì Atletico vẫn giữ lại một phần, trong đó quan trọng nhất là huấn luyện viên.

Real Madrid vẫn như thường lệ, tiếp tục có những sự bổ sung tiền tấn như Toni Kroos, James Rodriguez và Keylor Navas. Không có quá nhiều biến động lớn về nhân sự, và quan trọng là họ vẫn giữ lại bộ ba tiền đạo “BBC” đã đóng góp 97 bàn thắng ở mọi mặt trận mùa trước nhờ lợi thế tốc độ và sức mạnh của mình.

Tình hình ở Barcelona là khá thú vị. Họ thay tướng cầm quân, một Gerardo Martino tìm cách xa lánh tiki-taka được thay bằng một Luis Enrique đã thuộc lòng với chiến thuật này. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là quá trình chuyển nhượng. Họ đưa về Luis Suarez để tạo nên bộ 3 tiền đạo cực mạnh (trên lý thuyết) với Neymar và Lionel Messi, mua Ivan Rakitic về và để Cesc Fabregas ra đi, vẫn giữ lại Xavi và tăng cường Thomas Vermaelen với Jeremy Mathieu vào hàng ngũ hậu vệ.

Barca bây giờ lại là đội tạo ra nhiều hoài nghi nhất về khả năng cạnh tranh bởi họ xáo trộn rất nhiều thứ trong một mùa Hè và chưa có kết quả giao hữu nào đảm bảo rằng họ sẽ đá tốt với sự chuẩn bị như thế.

Tam quốc “Simeone - Ancelotti - Enrique”

Thế song mã hay tam mã sẽ được phân định bởi khả năng điều hành từ các HLV. Ngoài những yếu tố khách quan không thể tránh được trong một mùa bóng kéo dài 9 tháng như chấn thương, thẻ phạt… thì vấn đề chiến thuật cũng ảnh hưởng rất nhiều tới thể hiện của các HLV.

Diego Simeone sẽ biến đội bóng của mình thành một chiếc xe ủi, Carlo Ancelotti sẽ cho Real chơi tấn công thần tốc. Nhưng còn Enrique? Ông sẽ thực sự đi theo tiki-taka như truyền thống của Barcelona? Điều đó vẫn còn là bí mật cho tới ngày Barca chính thức ra quân, nhưng nó cũng đồng thời khiến đội bóng của Enrique và cá nhân ông trở nên bí ẩn, tạo nên một lợi thế về tính bất ngờ so với hai HLV kia.

Mặc dù Atletico thường xuyên bị đánh giá là kẻ ngoài cuộc, nhưng Diego Simeone là người duy nhất trong 3 HLV được toàn quyền sắp xếp mọi hoạt động chuẩn bị của đội bóng, trong đó có chuyển nhượng. Carlo Ancelotti bị sự can thiệp của chủ tịch Real, Florentino Perez chi phối; Luis Enrique cũng chịu áp lực từ giám đốc Andoni Zubizarreta. Những HLV bị người khác khống chế trong công tác quản lý thường khó đạt được thành công hơn, nhất là ở đấu trường dài hơi như La Liga.

La Liga ế khách

Mùa giải 2013-14 không chỉ chứng kiến chức vô địch tươi mới của Atletico Madrid sau nhiều năm Barcelona và Real Madrid thay nhau cai trị bóng đá TBN, mà còn khiến những người tổ chức giải đấu rất lo ngại vì tình hình ế ẩm của các khán đài. Kể từ sau lần tăng cuối cùng là trong mùa 2011-12, hai mùa gần nhất lượng khán giả đã giảm sút, trung bình 30.275 khán giả/trận xuống 29.430 khán giả/trận trong mùa 2012-13 và tụt mạnh xuống 26.702 khán giả/trận ở mùa trước. Sự sụt giảm đáng lo ngại nhất là của Barcelona, 4,8%, mặc dù vẫn thu hút 71.929 người xem mỗi trận. Khủng hoảng kinh tế, giờ thi đấu bất tiện, sự nhàm chán chung của giải đấu cùng nhiều lý do khác được xem là lý do khiến khán giả vắng dần.


Nguyễn Đỉnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm