Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch

07/08/2010 11:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hôm qua 6/8, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đã bế mạc tại Hà Nội. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNVVN khóa 7 đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2010 – 2015.

>> Chuyên đề: Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam VIII

Buổi sáng khai mạc chính thức, Đại hội đón ông Trương Tấn Sang - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đến dự, phát biểu, chụp hình kỷ niệm với các nhà văn và tặng bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Đổi mới” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng.

Đại hội rất dân chủ

Cũng trong buổi sáng, Ban thư ký đại hội đã công bố kết quả bầu Ban chấp hành HNVVN khóa 8 và lắng nghe một số ý kiến phát biểu của đại biểu. Nhà thơ Bùi Minh Quốc khiến cử tọa xúc động khi ông nói về anh hùng, liệt sĩ, nhà văn Chu Cẩm Phong. Nhà văn Chu Cẩm Phong là anh hùng đầu tiên trên tư cách nhà văn. Buổi trưa, Đại hội nghỉ giải lao đến gần 16h mới làm việc trở lại. Sở dĩ nghỉ giải lao lâu như vậy vì Ban chấp hành nhiệm kỳ mới làm việc riêng để bầu các chức danh lãnh đạo Hội.

Mở màn buổi làm việc cuối cùng để kết thúc Đại hội, nhà văn Hữu Ước có bài phát biểu. Vị nhà văn, trung tướng công an này tỏ ý “than phiền” vì hội có hơn 900 hội viên, nhưng kỳ Đại hội nào cũng chỉ có vài người “cướp diễn đàn” không để người khác nói. Nhà văn Hữu Ước nhấn mạnh: “Tôi tham gia rất nhiều hội, nhưng tôi thấy các nơi khác hội viên rất ý thức kỷ luật tôn trọng nhau. Nhưng Hội nhà văn vốn được xem là nơi tập trung trí tuệ của đất nước lại rất… phức tạp”.


 BCH Hội Nhà văn ra mắt. Ảnh N.Đ.T
Sau Đại hội nội bộ hôm qua 5/8, trên nhiều trang web tường thuật việc nhà thơ Trần Mạnh Hảo bị ngắt micro khi đang phát biểu. Nhà văn Hữu Ước – ngồi trong Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội giải thích: “Do nhân viên kỹ thuật không rành chứ không phải chúng tôi không cho nhà thơ Trần Mạnh Hảo phát biểu. Chưa có hội nào ngoại trừ HNVVN có Đại hội toàn thể, như vậy là rất dân chủ”. Cũng về vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh nói đã kiểm điểm bộ phận kỹ thuật.

Ngồi ở phòng dành cho báo chí để viết “nhật ký” Đại hội 8, nhà thơ Trần Nhương đánh giá: “Đây là Đại hội mà các nhà văn được phát biểu một cách dân chủ nhất trong các kỳ Đại hội trong lịch sử gần 60 của hội này”. Trần Nhương rất ấn tượng về bài tham luận của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ông ấn tượng việc Bùi Minh Quốc nói về nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong.

Kết nạp hội viên Việt kiều?

2/3 số nhà văn “quên” đóng hội phí!
Theo báo cáo tài chính của Đại hội trong nhiệm kỳ 7 (2005 – 2010) thì Hội chỉ thu được 1/3 hội phí do các hội viên nộp (khoảng 100 ngàn/năm), trong khi hàng năm mỗi nhà văn nhận được các ấn phẩm do Hội cung cấp lên đến gần 900 ngàn.
Một ý được nhiều đại biểu quan tâm về điều lệ Hội do nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đề xuất: Hội cần thay đổi điều lệ về chuyện kết nạp hội viên, nhất là với người Việt đang viết và sống ở nước ngoài. Theo “nhà nghiên cứu Huế” này thì: “Rất nhiều nhà văn người Việt đang sinh sống ở nước ngoài có đóng góp cho nền văn học quốc ngữ. HNVVN không nên bỏ quên những nhà văn như thế dù họ sống xa Tổ quốc”.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch HNVVN cho biết: “Hiện điều lệ Hội chưa ghi chuyện kết nạp hội viên ở nước ngoài. Tuy nhiên, đang xem xét để bổ sung vào điều lệ, có thể kết nạp Hội viên danh dự cho những trường hợp nhà văn như thế”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội phát biểu bế mạc Đại hội. Bài diễn văn bế mạc của Hữu Thỉnh được viết và đọc diễn cảm như một bài thơ hào hùng của ông: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.

HOÀNG NHÂN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm