16/11/2018 16:29 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa xem xét, kết luận những vi phạm của ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật; trong đó, liên quan đến dự án 4 tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, các tuyến đường này hiện nay vẫn còn rất ngổn ngang.
Làm trái thẩm quyền
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên Ủy ban Nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 1/12/2014, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Đào Thị Hương Lan và ông Trần Đăng Khoa, lúc này đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (hiện đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh) ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên trước đó, vào ngày 12/11/2013, ông Tất Thành Cang, lúc này giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho Ủy ban Nhân dân thành phố lại ký tắt hợp đồng BT số 698 dự án 4 tuyến đường nói trên. Điều lạ lùng đầu tiên là việc đóng dấu mật trên hợp đồng kinh tế công khai.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 108/2009/NĐ ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), cụ thể là tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định này có quy định các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc của mình ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nhóm B và nhóm C (đối với dự án dưới 1.500 tỷ đồng).
Trong khi đó, dự án 4 tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 12.200 tỷ đồng, thuộc nhóm A lại không thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải mà thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố. Như vậy, khi ông Tất Thành Cang ký tắt hợp đồng dự án này là làm trái quy định.
“Dát vàng” 4 con đường
Ngoài những sai phạm của ông Tất Thành Cang như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu, dư luận cũng còn nhiều hoài nghi về dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hợp đồng BT nói trên thể hiện, 4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12 km, gồm Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4km); đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3km); đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3km); đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông-khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5km). Ngoài ra, còn có 10 cây cầu; trong đó có 2 cầu cạn.
Tại Điều 4 của hợp đồng thể hiện, tổng mức đầu tư của dự án là 12.182 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý, tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng do trượt giá, phát sinh khối lượng.
Còn tổng vốn đầu tư không bao gồm chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay là 8.265 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tối đa sau 36 tháng kể từ ngày khởi công.
Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng, được xem là con đường “dát vàng,” cao hơn nhiều lần suất đầu tư mỗi km đường cao tốc Bắc-Nam đã được Quốc hội thông qua và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hay cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo lý giải của đại diện Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, việc triển khai dự án trong điều kiện địa chất khu vực yếu, hầu hết là đất sình lầy nên phải thi công bằng phương pháp trụ đất gia cố ximăng và bấc thấm hút chân không nên làm gia tăng chi phí xây dựng.
Ngoài ra, việc phát sinh chi phí cao còn do cao trình xây dựng của 4 tuyến đường lên đến 3,4-3,8m trên mực nước biển để đảm bảo chống ngập.
Đối với phương thức thanh toán, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thanh toán cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh bằng giá trị quyền sử dụng đất khu II; khu IIa, trường học và trung tâm văn hóa thuộc khu II; khu III; khu IIIa, trường học và trung tâm văn hóa thuộc khu III và khu đất xây dựng bến du thuyền tại khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện dự án khác.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh cho hay, công ty đã tiếp nhận dự án 4 tuyến đường chính từ Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và được cơ quan có chuyên môn thẩm duyệt.
Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Trên cơ sở đó, năm 2010, thành phố giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế và nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Công ty cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh. Ngày 7/12/2012, Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với sự hợp tác trên.
Nhưng đến ngày 27/5/2013, VIDIFI có công văn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án. Tháng 6/2013, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất trên và đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thay thế VIDIFI triển khai 4 tuyến đường với tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng.
Tháng 2/2014, Đại Quang Minh chính thức khởi công dự án. Tiếp đó ngày 22/5/2014, Đại Quang Minh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông vào chung một hợp đồng BT với dự án 4 tuyến đường chính.
Về tiến độ, hiện nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành như cam kết do vướng giải phóng mặt bằng, một số đoạn thi công chưa xong.
Thanh toán đất vàng cho doanh nghiệp
Bản hợp đồng BT thể hiện các dự án khác mà Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh được thanh toán bằng quỹ đất thực hiện gồm dự án khu nhà ở thấp tầng thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ (khu II); dự án khu cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ tổng hợp tại 2 lô đất ký hiệu 5-4 và 5-5 thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ (khu IIa); dự án khu nhà ở thấp tầng thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ (khu III); dự án khu cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ tổng hợp tại 3 lô đất ký hiệu 6-12, 6-13, 6-14 thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ (khu IIIa).
Dự án trường học và công trình văn hóa trong khu II thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ; dự án trường học và công trình trong văn hóa khu III thuộc khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ; dự án bến du thuyền thuộc Khu chức năng số 7.
Tổng diện tích các khu đất nói trên là 80ha; trong đó đất khai thác để xác định giá trị quyền sử dụng đất là 46,7ha.
Vào thời điểm ký kết, bản hợp đồng xác định tổng giá trị khu đất để thanh toán cho hợp đồng BT là 12.490 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh phải nộp về cho ngân sách thành phố.
Trong khi đó, đối với các khu đất được giao, Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đã và đang xây dựng nên Khu đô thị Sala hiện đại có quy mô 234 căn biệt thự, 395 căn nhà ở kết hợp thương mại, 5.600 căn hộ cao cấp, tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp với bến du thuyền 65 chỗ đậu, khách sạn 5 sao, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại.
Trong thời gian qua, trong khi thành phố đang xử lý sai phạm theo nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì nhiều người dân bày tỏ bức xúc trước việc nhà cửa của người dân bị cưỡng chế, bồi thường với giá rẻ mạt từ 150.000 đồng/m2.
Trong khi đó, giá đất giao dịch hiện nay tại Khu đô thị Sala có giá lên đến 350 triệu đồng/m2.
Tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/5 vừa qua, cử tri ở Thủ Thiêm, quận 2 đã đề nghị đại biểu Quốc hội giám sát cơ quan chức năng, làm rõ việc thành phố đã đầu tư 4 con đường "dát vàng" này.
Đồng thời, làm rõ việc đổi đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh có đúng pháp luật hay không.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất