(TT&VH) - Từ nay, Juventus nên ghi nhớ một bài học đắt giá: Đừng bao giờ chọc giận một con mãnh hổ cùng đường. Bởi sự tổn thương sẽ làm bùng nổ lòng tự trọng và đánh thức sức mạnh. Khi David Trezeguet vừa chạy vừa tung ra cú vô lê cháy lưới mở tỉ số cho Juventus, anh có lẽ không thể ngờ rằng mình đang vô tình kích hoạt một quả bom nguyên tử...
Chiến thắng của sự nhẫn nại
Đó là khoảnh khắc mà số phận đem đến để thử thách giới hạn của Bayern. Giống như một võ sĩ đầy thương tích bị dồn vào góc võ đài, giống như một đạo quân phải đương đầu với biển người ở trước mặt và sau lưng tựa vào...vực thẳm. Cánh cửa lọt vào vòng 1/8 của Bayern vốn đã hẹp, bàn thắng của Trezeguet là động tác kéo sập nó lại. Đại diện nước Đức, theo logic, phải sụp đổ. Họ đã lao lên ngay từ khi tiếng còi khai cuộc cất lên, nhưng bỗng bị dội một gáo nước buốt lạnh. Tinh thần chiến đấu của một đạo quân có thể bị vỡ vụn vì sự hụt hẫng ấy. Gã võ sĩ bị đấm cho bầm dập có thể đã buông xuôi và chờ cú ra đòn “ân huệ” của đối thủ. Nhưng không, ở điểm chết, ý chí sinh tồn của Bayern lại bùng cháy dữ dội.
Bayern làm nên điều kỳ diệu bằng sức mạnh tinh thần và ý chí vượt khó đáng nể
Công bằng mà nói, nếu không có pha xoạc bóng ngớ ngẩn của Martin Caceres (phạm lỗi với Ivica Olic, Hans-Jorge Butt đá thành công quả penalty), Bayern khó có thể tạo ra điểm tựa cho một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục đến thế, bởi tập thể Juventus lúc ấy vẫn còn chưa rơi vào trạng thái “cóng” như sau khi bị gỡ hòa. Thế nhưng đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ đến...lì lợm. Họ kiên trì khoan phá từ mọi hướng, kể cả khi bị dẫn trước và bất chấp những cơ hội mười mươi liên tục bị Gianluigi Buffon từ chối. Sự nhẫn nại của cả một tập thể đang bị dồn vào thế cùng đường ấy là không thể tin nổi, bởi khi hy vọng dần lịm tắt, thường thì người ta sẽ “gặm nhấm” tình cảnh khó khăn hiện tại hơn là coi như không có gì xảy ra và lầm lũi tiến lên. Vậy mà Bayern đã chơi như quên đi mình đang phải gánh trên vai những gì, và chiến đấu như thể biết chắc là mình sẽ chiến thắng.
Chiến thắng của những điều kỳ diệu
Tiền đạo Ivica Olic đã gọi chiến tích vang dội này của Bayern là “Trận đấu của năm”. Tiền vệ Mark Van Bommel cũng bảo rằng anh chưa bao giờ thấy đội bóng của mình chơi hay đến thế kể từ khi gia nhập Bayern. Tức chính họ cũng cảm thấy bất ngờ và coi chiến thắng này như một món quà kỳ diệu. Không bất ngờ sao được, khi hình ảnh dữ dội trước Juventus không phải là tính cách mà Bayern có trong mùa giải này, lại càng khác xa so với những màn trình diễn tẻ nhạt trong năm trận trước đó ở Champions League. Đó là một khoảnh khắc vụt sáng bất thường, với quá nhiều điều tưởng chừng thật phi lý. Ai mà ngờ rằng người cân bằng tỉ số cho Bayern lại là một thủ môn (Hans-Jorge Butt), và khi Van Gaal tung Anatoliy Tymoschuk vào sân, có lẽ ông cũng chỉ muốn gia cố khả năng phòng ngự từ tuyến hai, chứ cũng không mong anh chàng người Ukraina lại “khóa sổ” trận đấu bằng một pha sút xa tuyệt đẹp.
Bốn bàn thắng ngay tại Olimpico cũng là một kỳ tích, trong bối cảnh hàng công của Bayern vẫn thiếu đi Franck Ribery và Arjen Robben chỉ vào sân khi trận đấu đã đi qua 3/4 quãng đường (phút 73, thay Daniel Pranjic). Thế chân tường đã đem đến một trận đấu để đời cho đội quân của Van Gaal, một chiến thắng đúng tinh thần Đức. Bayern đã chơi vật vã suốt thời gian qua, để rồi khi số phận đang lấy đi của họ tất cả (chấn thương của cặp Ribery-Robben, bị thất thế trong cuộc đua ở Bundesliga, bị dồn vào đường cùng ở Champions League), “Hùm xám” bỗng bừng tỉnh, khi sự tự tôn đã bị thử thách đến điểm cực hạn.
Thế nhưng, đằng sau chiến thắng trước Juve vẫn là một tương lai bấp bênh cho Bayern. Họ vẫn phải xếp sau Bordeaux và có nguy cơ đụng phải những địch thủ rắn mặt (MU, Chelsea, Real Madrid...?). Không phải lúc nào những khoảnh khắc kỳ diệu như trước Juventus cũng đến, bởi nếu không, nó đã chẳng còn là điều kỳ diệu.
Cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ
Với chiến thắng 4-1 trước Juve dù bị dẫn trước 1-0, Bayern không chỉ hoàn thành cuộc lội ngược dòng ở riêng trận đấu này, mà còn là cả ở vòng bảng. Trước hai lượt cuối, họ chỉ được 4 điểm, kém Juventus tới 4 điểm. Khi ấy, rất ít người tin rằng Bayern có thể vượt qua được Juve để theo chân Bordeaux vào vòng 1/8, bởi chỉ cần Juve thắng Bordeaux ở lượt thứ 5 là họ sẽ giành vé. Tuy nhiên, chiến thắng của Bordeaux đã giúp Bayern nhen lại hy vọng, để rồi họ tự quyết định số phận của mình bằng chiến thắng oanh liệt ngay trên sân khách. Bốn bàn của họ vào lưới Juve gần bằng số bàn thắng của họ ghi được trong 5 trận trước đó (5 bàn)!
Hans-Jorge Butt - “Mr. Penalty”
Nếu nhìn vào hồ sơ sự nghiệp của Hans-Jorge Butt, khối người có thể nghĩ anh là một...tiền vệ. Với pha sút penalty thành công vào lưới Juventus, thủ thành người Đức đã lập một “hat-trick” vào lưới “Bà đầm già” khi chơi cho...ba CLB khác nhau, đều từ chấm phạt đền. Lần đầu tiên diễn ra vào mùa giải 2000-2001, khi anh còn khoác áo Hamburg (hòa Juve 4-4 ở vòng bảng Champions League năm ấy). Tháng 3/2002, Butt tiếp tục sút tung lưới “Bà đầm già” khi Leverkusen đánh bại đại diện Italia với tỉ số 3-1. Bây giờ, vẫn là Butt mở đầu cho cuộc “tàn sát” của “Hùm xám” trên Olimpico. Đó cũng là pha lập công thứ hai của Butt cho Bayern và là bàn thắng thứ 33 trong sự nghiệp...gác đền của anh, đều từ chấm penalty (5 bàn sau 87 trận cho Oldenburg, 19 bàn sau 133 trận cho Hamburg). Tính riêng ở Bundesliga, con số bàn thắng từ chấm phạt đền của anh là 26, và ba bàn của Butt ở Champions League, thật đáng ngạc nhiên, đều vào lưới Juventus.
Thế nhưng khả năng đá penalty siêu hạng cũng có lúc khiến Butt và đội bóng của anh lâm vào thế dở khóc dở cười. Ngày 17/4/2004, Butt thực hiện thành công quả penalty cho Leverkusen vào lưới Schalke ở Bundesliga và hăm hở chạy đi bắt tay chia vui với hết người này đến người khác, để rồi khi quay về đã thấy bóng...vào lưới. Mike Hanke của Schalke đã tận dụng khoảnh khắc Butt ăn mừng để tung ra một pha lốp bóng từ giữa sân cân bằng tỉ số. Cầu thủ hai đội được một phen ôm bụng cười. |
An Ngọc Linh