IQ dùng để làm việc nhưng muốn thăng tiến bạn phải cần thêm cả EQ: Người khôn ngoan sẽ hiểu rõ 3 ‘quy luật’ bất thành văn chốn công sở

04/01/2023 14:48 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Môi trường làm việc cởi mở và sự thân thiết với đồng nghiệp khiến nhiều người vô tư coi công ty như “ngôi nhà thứ 2” của mình. Trên thực tế, người có EQ cao sẽ không suy nghĩ như vậy.

Theo Giáo sư Đại học Harvard Daniel Goleman, trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc của chính mình, khả năng nhận thức cảm xúc của người khác, động lực bản thân và khả năng xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa các cá nhân. Ông đánh giá EQ là chìa khóa quyết định sự thành công trong cuộc sống và cả công việc.

Ở nơi làm việc, nếu bạn không có EQ cao và không hiểu những quy tắc bất thành văn nơi công sở, bạn có thể tốn nhiều năm lao động chăm chỉ mà không đem lại kết quả, con đường thăng tiến cũng mờ mịt. Dù không ai nói với bạn những quy tắc này, hãy chú ý quan sát và kiểm chứng từ chính môi trường công sở xung quanh mình.

    1. Phải kiểm soát cảm xúc mọi lúc, mọi nơi

Trong cuộc họp thường niên của công ty, vì không hài lòng với cách cư xử của đồng nghiệp nên anh chàng tên Chu Bá đã nổi nóng, trực tiếp thể hiện cơn thịnh nộ của mình mà bỏ qua tất cả những người có mặt trong cuộc họp.

Sau này, khi Chu Bá gặp khó khăn với một số dự án lớn, hầu như không ai sẵn lòng giúp đỡ anh. Những cảm xúc tiêu cực không được kiểm soát tốt sẽ khiến bạn làm mất lòng mọi người xung quanh theo cách không đáng. Bởi trong công việc chúng ta vẫn luôn gặp phải những tình huống bất đồng quan điểm với lãnh đạo, đồng nghiệp, nếu không bình tĩnh thì bất cứ lúc nào mâu thuẫn gay gắt cũng có thể nổ ra.

IQ dùng để làm việc nhưng muốn thăng tiến bạn phải cần thêm cả EQ: Người khôn ngoan sẽ hiểu rõ 3 ‘quy luật’ bất thành văn chốn công sở - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, bạn không cần tỏ thái độ giận dữ, không hài lòng mỗi khi có bất đồng. Có nhiều cách để giữ sự khiêm tốn, tránh xung đột mà vẫn có thể bày tỏ quan điểm của mình. Điểm mấu chốt ở đây là luôn ghi nhớ việc phải bình tĩnh trước mọi “sóng gió”, đặt câu hỏi cho bản thân: “Việc này có đáng để tức giận không? Giận dữ có giúp giải quyết được vấn đề không?”

Người có EQ cao cũng không dễ dàng bày tỏ cảm xúc bất mãn, vội vã than phiền với đồng nghiệp hay phàn nàn trên mạng xã hội về những việc không theo ý muốn bạn gặp phải ở chốn công sở. Nếu vô tình lãnh đạo hay đồng nghiệp khác biết được, điều này dễ gây ra hiểu lầm và làm hình ảnh của bạn trong mắt người khác xấu đi.

    2. Học cách từ chối và nói “không” đúng lúc

Đừng tự nguyện làm người quá tốt ở nơi làm việc. Một người luôn đáp ứng mọi yêu cầu của đồng nghiệp, để người khác thoải mái giao việc cho mình, khi phạm sai lầm bạn rất dễ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Khi đó mối quan hệ nơi công sở cũng trở nên căng thẳng, hình ảnh “người tốt” của bạn càng không chiếm được thiện cảm của người khác.

Khi bạn nhận mọi lời đề nghị giúp sức mà không cân nhắc, điều này làm nhiều người nghĩ rằng sự giúp đỡ của bạn là hiển nhiên. Muốn giúp đỡ người khác, trước tiên phải làm tốt công việc của mình. Nếu không thì cả việc của bạn lẫn việc bạn nhận thêm chỉ là sự hỗn loạn.

20190719162435-GettyImages-1051453394.jpeg

(Ảnh minh họa)

Người có EQ cao sẽ có cách nói “không” đúng lúc: Một là từ chối nhanh chóng để không làm chậm trễ công việc của người khác sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Hai là nếu bạn sợ quá thẳng thắn sẽ gây mất lòng, bạn có thể từ chối và tìm cách kết nối họ với đồng nghiệp khác có khả năng hơn. 

Hãy chọn giúp đồng nghiệp những việc phù hợp với khả năng của mình để hoàn thành tốt nhất vì suy cho cùng, đó không phải điều bắt buộc. Ở nơi làm việc, bạn nên tích cực và không ngừng phấn đấu vì những điều quan trọng hơn cho bản thân, thay vì chỉ tập trung làm hài lòng người khác.

    3. Đừng quá vô tư tại môi trường làm việc

Môi trường làm việc cởi mở và mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp khiến nhiều người quá vô tư và thoải mái biến công ty trở thành nhà, chia sẻ mọi tâm tư với đồng nghiệp mà không suy nghĩ quá nhiều. Nhưng trên thực tế, người có EQ sẽ luôn phân biệt rạch ròi cách giao tiếp, thể hiện ở từng môi trường, từng địa điểm.

Co-worker-la-gi2.jpg

(Ảnh minh họa)

Ở môi trường công sở, hiệu suất làm việc và sự phát triển của bản thân là điều quan trọng nhất. Bạn cần tỉnh táo khi cùng đồng nghiệp kết giao, những câu chuyện trao đổi với họ chỉ nên tập trung vào công việc thay vì đi sâu vào đời tư thoải mái như bạn bè thông thường. Ít hay nhiều, nơi làm việc luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa các cá nhân.

Rất nhiều người có mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết nhưng sau khi nghỉ việc, họ chỉ giống như “người bước qua đời nhau”. Người có EQ luôn giữ sự thận trọng, không dễ dàng chia sẻ những điều họ coi là bí mật và giữ khoảng cách nhất định trong những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp. Điều này giúp họ vẫn có thể hòa đồng nhưng không để bất cứ điều gì ngoài lề cản bước trên con đường thăng tiến.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm