NS Huy Tuấn: Cảm ơn tình yêu một người & mọi người

21/02/2011 10:42 GMT+7 | Âm nhạc

Đi qua một năm với kha khá lý do để "cảm ơn tình yêu", Huy Tuấn vừa có một cái Tết dễ chịu tại Hà Nội, trước khi trở vào Tp.HCM tiếp tục guồng quay công việc - nơi đã cho anh cơ hội được làm nghề một cách tích cực, thay vì ngồi kêu chán, và cả một "bếp lửa mới nhen"...

Tôi thèm cuộc sống của Anh Quân

* Vì sao anh vẫn chọn Hà Nội để ăn Tết (và cả để cùng top ten Idol nói lời “Cảm ơn tình yêu” nữa!) – như thể Sài Gòn sau bao năm vẫn là mảnh đất “đồng sàng dị mộng” với anh sao?

- Hai “vụ” này hoàn toàn không liên quan đến nhau nhé! Với Idol, thì đó là để tri ân với khán giả Hà Nội, nơi đã dành cho Idol một tình cảm nồng nhiệt không kém trên khắp các diễn đàn, dù chưa từng một lần được tiếp xúc Idol như khán giả tại “đại bản doanh”. Đó cũng là một phép thử xem cơn sốt vừa qua của Idol. Liệu có phải là có thật, bằng cách bán vé. Chỉ khi khán giả chịu bỏ tiền ra mua vé để xem bạn, lúc đó bạn mới nên tin là bạn thực sự được yêu mến. Còn chuyện đánh đường ra Bắc ăn Tết, năm nào cũng thế, thì lại là một nhẽ khác: nó là thứ mùi vị, hồn cốt không thể thiếu đã ăn sâu vào tâm khảm mình, là những người thân, là bữa cơm cuối năm với họ hàng chú bác – đã thành tập tục riêng của gia đình, dù mỗi năm, vì nhiều lẽ, mà có thể thiếu đi người này người khác.



* Và cả vì “người mới” của anh hiện nay cũng lại là người Bắc, phải không?


- (Cười) Bắt đầu “sáng tác” vào mấy chỗ nhạy cảm rồi nhé! Có cần phải có nhiều lý do đến thế không?

* Một loạt cơ hội đã mở ra kể từ khi anh quyết định rời Hà Nội vào Sài Gòn. Thiên hạ đồn: Huy Tuấn  giờ… giàu lắm, ít ra là hơn trước, có đúng?

- Có chuyện đó à, được đấy nhỉ? Vì nhạc sĩ ở ta mà được đồn giàu là hơi hiếm đấy, nên cứ được đồn là vui rồi! Còn phần mình, tôi chỉ cần biết, một khi đã trót làm thằng đàn ông, thì kiểu gì cũng phải cố mà lo cho gia đình, người thân, phải đúng nghĩa là trụ cột… Với ai thì tôi không biết, những với tôi, kiếm tiền luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, trước hết để lo cho gia đình, sau nữa là để đi được dài lâu với nghề. Có bắt được nghề nuôi mình thì mới mong nuôi lại được nghề, nuôi những đam mê và tâm huyết của mình, thay vì cứ để nó dần bị thui chột vì trăm thứ lo toan vặt vãnh, rất dễ làm thằng đàn ông trong mình “hèn” đi lúc nào không biết…

* Huy Tuấn “Nam tiến”, ngày một nổi tiếng hơn và làm không hết việc vì một núi đơn đặt hàng. Còn Anh Quân – người bạn thân cùng xuất phát điểm với anh ngày về nước thì giờ đây lại vẻ như đang “an phận” với những thú vui điền viên, nhàn tả. Thực sự, anh có thấy tiếc cho lựa chọn ấy của  bạn mình và ngầm đặt giả thiết: nếu như Anh Quân cũng “Nam tiến”?

- Sao tôi lại phải tiếc cho Anh Quân? Nếu như không muốn nói, tôi luôn thèm khát có được một cuộc sống yên ổn mà bạn tôi đang có: một không gian sống lý tưởng, một gia đình ấm cúng, những dự định nghề nghiệp chỉ có thể theo đuổi trong điều kiện sống yên tĩnh, thoải mái ấy. Chưa bao giờ tôi nghĩ Anh Quân không vào Sài Gòn lại là một thiệt thòi cho anh ấy, vì chẳng có lý do gì để Quân phải xáo trộn cuộc sống của mình đến mức ấy. Mỗi người là một cá thể, một tính cách và điều đó chi phối mạnh mẽ đến những lựa chọn và đặt mỗi người vào những lựa hoàn cảnh khác nhau: gia đình, công việc…

Vào Sài Gòn, hẳn nhiên tôi có những lý do riêng của tôi, tình thế của tôi, mỗi thứ một tý để làm nên quyết định, chứ không hẳn chỉ là vì cơ hội là nghề. Và cái được thì ai cũng có thể thấy, nhưng cái mất, chắc chỉ có mình mới biết rõ. Chẳng hạn như giữa những tất bật ồn ã này, tôi làm sao có đủ điều kiện và tâm thế làm nghề một cách trau chuốt, kỹ lưỡng được như xưa, như Anh Quân. Chính vậy mà ngay lúc này đây, dù đang trên đường chạy, tôi vẫn tính là sẽ có lúc phải dừng lại, bứt ra khỏi nó. 

Nghề của tôi hiện nay là nhặt rác

* Ngoài mục đích kiếm sống, anh không thấy nhiều ý nghĩa trong những công việc bề nổi mình đang làm sao? Mấy chữ “giám đốc âm nhạc”, lại toàn là những chương trình lớn như: Duyên dáng Việt Nam, Vietnam Idol mà chưa đủ oai sao?

- Danh xưng thì chỉ là danh xưng mà thôi, ý nghĩa những công việc tôi làm không nằm trong chữ “oai” đó. Tôi thậm chí còn gọi công việc hiện nay của mình là “nhặt rác”. Làm “giám đốc âm nhạc”, nói cho cùng, chính xác là công việc lọc rác: xem cái gì nên giữ lại, đưa vào chương trình; cái gì nên thải loại, để tránh làm phiền người nghe. Từng chút một, qua từng chương trình, tôi coi nó như những hạt cát nhằm góp phần lành mạnh hóa hơn đời sống nhạc Việt, bắt đầu từ việc giúp người xem được hưởng lợi.

* Một hạt cát phỏng ích gì?



- Quả tình, tôi cũng không mong sẽ thay đổi được nhiều, vì đúng là chỉ một hạt cát. Nhưng nếu như không ai ném cát, thì làm sao thành đồi cát được? Còn nhớ, khi còn ngồi ở Hà Nội, tôi từng không ít lần tự hỏi: Tại sao mình lại không có mặt ở đó để làm những việc đó. Cuối cùng thì tôi cũng đã có mặt. Và quả là một thị trường sôi động như Tp.HCM đã giúp tôi được làm và làm được những việc mà mình mong muốn, đóng góp được nhiều hơn vào đời sống âm nhạc hôm nay, thay vì trước đây là ngồi một chỗ bức xúc đủ thứ: Tại sao lại thế này mà không là thế kia.

Trong đó, đáng kể nhất, là các show truyền hình. Quả tình tôi chưa thấy ở đâu mà truyền hình lại có sức lan tỏa kinh khủng như ở ta, đến mức gần như không có đối thủ. Trong khi một chương trình truyền hình lôi kéo được chừng 1 – 2 triệu người xem đã được coi là thành công ở Đức và kịch kim là 10 triệu, thì ở ta, con số đó lên tới mười mấy triệu. Theo dõi Idol không chỉ có các khán giả trẻ mà còn có cả các khán giả già, bởi cái người nghe quan tâm không phải là nhạc trẻ hay nhạc già mà là nó vang lên ở đâu, lúc nào. Bình thường nghe những ca khúc như “Đường cong”, dám chắc bố tôi tắt ti vi từ bảy đời, thế nhưng giờ đây ông cụ lại trở thành fan của Uyên Linh cũng lại bởi “Đường cong”. Ý nghĩa công việc của tôi là ở chỗ đấy. Và càng ngày, tôi càng thấm thía rằng: Để tạo ra sự thay đổi lớn, phải bắt đầu từ những việc nhỏ, chứ không hy vọng nhiều vào những tuyên bố to tát, những dự án gây sốc.

* “Nhặt rác” mà ngồi ở Sài Gòn thì nghe cũng mệt đấy nhỉ, nơi vẫn bị cho là càng sôi động thì càng lắm rác?

- Làm ơn quên khẩn trương cái định kiến vô duyên ấy đi nhé! Cứ bảo, thị hiếu của công chúng Hà Nội cao hơn, “lành” hơn công chúng Tp.HCM nhiều nhưng có những show “hàng chợ”, tôi cá, đố mà trụ nổi ở Sài Gòn được quá hai đêm trong khi ở Hà Nội, lại cháy vé suốt 5 – 7 đêm liền, mà thậm chí là còn tại một địa chỉ sang trọng là nhà hát lớn. Cứ bảo là khó tính hơn người, thế mà lũ lượt kéo nhau đi xem, cứ như chạy ma-ra-tông, vậy thử hỏi khán giả Hà Nội hiện đang nghe gì, thích gì? Hỏi lại đi, ối giời ơi! 

* Khán giả Hà Nội hiện nay thích Uyên Linh, cũng thế cả thôi, anh biết rồi còn gì. Tôi tưởng sau Idol, anh phải nắm chắc bốn chữ “hiệu ứng đám đông” lắm rồi chứ?

- Lẽ dĩ nhiên để có được cơn sốt vừa rồi, tôi nghĩ trước khi “cảm ơn tình yêu”, cả tôi và Uyên Linh đều phải cảm ơn… cái cậu Mark Zuckerberg của Facebook! Bởi nếu không có cậu ấy, chắc chắn Idol sẽ chẳng dễ gì tạo được sự lan tỏa rộng rãi như vừa qua. Hay nhớ lại cách đây hơn mười năm, lúc Mỹ Linh cũng được coi là một hiện tượng, cũng là lúc bọn tôi vừa về nước, thực sự là đi đâu cũng nghe nhắc đến Mỹ Linh. Nhưng để có được một cơn sốt kinh khủng như Idol vừa qua thì còn thiếu Facebook.

Lẽ dĩ nhiên, tôi nói thế không có ý hạ thấp nỗ lực của Uyên Linh, cũng như toàn bộ ê-kíp của Idol, vì để chạm được vào số 10, người ta không thể đi từ số 0 mà ít nhất phải từ số 8. Cứ bảo Idol PR chuyên nghiệp, mạnh tiền mạnh bạc, Sao Mai điểm hẹn không thế sao? Và ngay cả với Idol hai năm trước cũng vậy, nào phải vì ít tiền hơn đâu? Rộng ra, trong làng nhạc, thiếu gì ca sĩ được các đại gia chống lưng, vậy mà sau những chiêu PR ầm ĩ theo kiểu “lấy thịt đè người” làm khán giả lóa mắt, thử hỏi, tồn tại được bao lâu?

* Nhưng thực sự là tôi, cũng như nhiều bạn bè tôi thì theo dõi Sao Mai điểm hẹn từ đầu đến cuối kể cả khi thấy nó dở, còn Idol thì chỉ thực sự chú ý kể từ khi có top 2, khi dân tình trên mạng bắt đầu xôn xao mấy chữ “diva thứ 5” cứ như thể bắt được vàng!

- Có, có, tôi biết chuyện đó, hơn ai hết. Không chỉ năm trước, mà năm nay cũng vậy: mấy số đầu của Idol, hầu hết mọi người, nhất là khán giả phía Bắc, tắt ti vi, chuyển kênh vì không chịu nổi những cái mà họ cho là nhảm; hoặc bất quá, chỉ xem nó như một màn tấu hài, rảnh thì xem cho vui, hơn là một chương tình ca nhạc. “Chiều” của Idol là thế mà: ban đầu là gây cho khán giả cảm giác cuộc thi này chỉ có thế và chỉ đến thế, nhưng sau đó thì phải khác: phải cho người ta được nghe hát – đúng nghĩa một chương trình âm nhạc thực sự.



Mỹ Linh giữ phong độ là vì tôn trọng Uyên Linh


* Anh bảo tiền không quan trọng, vậy anh giải thích ra sao hiện tượng Hồ Ngọc Hà – người đã được anh định hướng trở thành hình mẫu ngôi sao giải trí?Một người từng lên bờ xuống ruộng vì hai chữ “đại gia”, nhưng tới khi sinh con xong, trở lại, đời lại tươi như cũ: báo chí lại hết lòng cổ súy: Hồ Ngọc Hà eo thon, Hồ Ngọc Hà tự mình lái xế hộp xịn… - những hào quang ấy theo anh đến từ đâu?

- Tôi e là định kiến này có thể khiến nhiều ca sĩ trẻ đang ôm mộng trở thành Hồ Ngọc Hà thứ hai chắc phải nghĩ đến chuyện giải nghệ. Đúng là Hồ Ngọc Hà lúc này mạnh tiền mạnh bạc, nhưng nên nhớ: những chuyện đó đến sau. Còn lúc gõ cửa phòng thu của chúng tôi, cô ấy thậm chí còn chẳng có đồng nào. Thuận lợi lớn nhất mà cô ấy có ở thời điểm xuất hiện là thị trường lúc đấy đang thiếu vắng một hình tượng ca sĩ giải trí, mà Hà thì lại có gần như đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một giọng hát vừa phải, sắc đẹp, độ ăn sân khấu. Để được như hôm nay, Hồ Ngọc Hà đã phải mất ít nhất 2 – 3 năm để thuyết phục được khán giả, và nhất là giới làm nghề tin rằng cô người mẫu này hoàn toàn không có ý định xem nghề hát chỉ là một cuộc chơi mà nó được khởi nguồn từ một đam mê có thực.

* Từ trường hợp Hồ Ngọc Hà, anh có thấy phần nào đó là do Uyên Linh: từ chỗ chả phải lo gì, giờ thì phải tự lo đủ thứ, mà… nhan sắc thì có hạn, mơ gì hai chữ “đại gia”?

- Đúng là Idol đã lo cho Uyên Linh, Mai Hương từ A đến Z để các cô ấy chỉ phải lo mỗi việc hát sao cho hay và sau đấy, tất nhiên, sẽ phải mệt hơn nhiều, vì đủ thứ lo toan, áp lực. Nhưng tôi không nghĩ lại có thể so sánh Uyên Linh với Hồ Ngọc Hà ở đây chỉ vì cả hai đều ít nhiều liên quan đến tôi. Bởi đó là hai style âm nhạc khác nhau nên họ chắc chắn sẽ đi hai con đường khác nhau và không có hai con đường nào là dễ cả, nếu như không sớm xác định được cho mình một hướng đi đúng, cùng một quyết tâm làm nghề mãnh liệt. Nếu cần lo cho Uyên Linh, tôi chỉ lo rằng những bước đi đầu tiên của cô ấy đang được khán giả kỳ vọng hơi quá.

* Đến nỗi bất kỳ ai “động” đến Uyên Linh, kể cả tầm cỡ diva như Mỹ Linh, Thanh Lam cũng đều “chết” với họ, thậm chí là càng “chết” với họ!

- Tôi hiểu tâm lý của khán giả, họ đang không muốn thần tượng của họ bị làm phiền. Nhất là trước những phát ngôn, những hành động có sức gây chú ý của các ca sĩ đàn chị tầm cỡ diva như Thanh Lam, Mỹ  Linh. Nhưng cũng mong khán giả đừng quên: Với những ca sĩ giàu cá tính như Thanh Lam, Tùng Dương, để có được ngày hôm nay, họ đã phải trả giá rất nhiều và món quà quý nhất mà họ có thể trao cho các ca sĩ đàn em của mình chính là kinh nghiệm đường trường, là cái nhìn rộng, nhìn xa của người đi trước. Và phải hết sức thẳng thắn, chân tình họ mới nói ra vì hơn ai hết, họ thừa biết sẽ gặp phải phản ứng quyết liệt của khán giả.

Ngay cả chuyện Mỹ Linh bị cho là hát át Uyên Linh, cô ấy cũng tiên lượng được trước. Nhận lời tham gia Idol để bị so sánh này nọ có thể nói là một thua thiệt cho họ. Bởi nếu họ hát dở đi, khán giả sẽ ngay lập tức reo lên: “A, diva mới cho chúng ta đây rồi, và đây mới thực sự là một diva!”. Nhưng nếu vẫn hát với phong độ vốn có, thì như chúng ta đã thấy! Tại sao các bạn không nghĩ: khi chúng ta mời một ngôi sao bóng đá tầm cỡ thế giới như Messi đến Việt Nam đấu giao hữu, thì hà cớ gì, Messi lại phải đá dở hơn?

Nếu thế thì thay vì mời Messi, chúng ta chỉ cần mời Kiatisuk là đủ rồi! Bởi cái chúng ta cần được nhìn thấy là một đẳng cấp tầm cỡ thế giới cơ mà, để qua đó, biết được trình độ bóng đá của ta đang đứng ở đâu? Nếu như không muốn nói, thái độ “không chất, nhường” ở đây thì mới chính là biểu hiện không tôn trọng! Mọi chỉ bảo chỉ có thể là sau sân khấu, nhưng lên sân khấu, thì phải là bình đẳng – thế mới là tôn trọng! Ngay bản thân Mỹ Linh cũng nói vui với tôi: Dòng nhạc chính thống vốn đã có quá ít người theo, vậy thì để có thêm một “đồng minh”, một “quân ta”, Mỹ Linh, Thanh Lam làm sao lại có thể có ý gì khác được?

* Nghĩa là anh đồng ý với Thanh Lam: Uyên Linh cần phải hát bài ca “đi học”?

- Thanh Lam nói đúng đấy, không học không đi xa được đâu!

* Hồ Ngọc Hà của anh thì sao?

Ai bảo Hà “tay không bắt giặc”? Cô ấy vẫn đang tiếp tục học, như đã từng học. Đừng quên, cái nhịp điệu mà cô ấy có chính là trước khi trở thành ca sĩ, cô ấy đã được đào tạo để trở thành một nhạc công.
 


Huy Tuấn và Hồng Nhung tập luyện cho Uyên Linh

* Uyên Linh và Hà Linh cũng là dân ngoại đạo đấy thôi!

- Đừng quên: trong một cuộc thi, mọi thứ đều có thể “perfect”, bạn có thể mặc sức chọn những bài hit đã quen thuộc, và mỗi bài chỉ cần hát chừng 2 – 3 phút theo format chương trình, được định hướng chọn bài, được sự hỗ trợ miễn phí của các chuyên gia trang điểm, các nhà thiết kế. Nhưng để làm nghề chuyên nghiệp, bạn sẽ phải nỗ lực gấp trăm ngàn lần thế: phải đi tìm bài, phải tự mình biến nó thành bài hit, phải giải cả loạt bài toán: album, live show, cộng sự, thời điểm, style âm nhạc và sau những phép toán, là cả một sự trả giá không hề nhỏ.

* Còn anh, anh đã trả giá gì?

- Tôi không còn mấy thời gian dành cho chính mình, gia đình mình. Và một nỗi thiếu hụt không dễ gì khỏa lấp đó là tôi không sống xa cô con gái 11 tuổi của tôi. Và để ít nhiều bù đắp cho cháu, cũng như cho chính mình, hầu như tháng nào, tôi cũng phải đánh đường ra gặp cháu, ít nhất một tuần.

* Chứ không phải là sự vắng bóng của một Huy Tuấn ca khúc, Huy Tuấn phòng thu sao? Và “Cảm ơn tình yêu”, nếu không phải là vì Uyên Linh – nói như Quang Dũng – thì chắc gì khán giả đã được “gặp lại” Huy Tuấn?

- À, Quang Dũng thì luôn là “kẻ” thích “bán rẻ” tôi ở chỗ đông người mà tôi thì luôn không có cơ hội thanh minh nhé, dù để có “Cảm ơn tình yêu”, tôi vẫn phải cảm ơn hắn vì mấy cái gạch đầu dòng của hắn!

* “Cảm ơn tình yêu” – với riêng anh – nghe nói không chỉ để cảm ơn các fan của Idol mà còn để cảm ơn một người (tất nhiên, không phải.. Dũng khùng)?

- Không chỉ cảm ơn một người, mà còn cảm ơn tất cả mọi người!

* Tôi chỉ cần biết “một người” – như một lời chia vui với hạnh phúc mới của anh!

- Vậy chỉ cần biết thế này thôi nhé: Cô ấy sinh năm 1984, không liên quan gì đến ca hát. Và một trong những điều tôi phải cảm ơn cô ấy chính là cô ấy đã không đòi hỏi một đám cưới rình rang, dù còn trẻ.

* Và lại còn với một người nổi tiếng nữa!

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm