Huy Tuấn luôn có cảm hứng với các giọng ca nữ

08/10/2011 06:36 GMT+7 | Âm nhạc

Nhạc sĩ "Cám ơn tình yêu" đã đồng hành và góp phần tạo nên thành công cho nhiều giọng ca nữ như Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà, Văn Mai Hương... nhưng chưa một nam ca sĩ nào được anh dìu dắt. Huy Tuấn lý giải, ngoài cái duyên, anh tìm thấy nhiều cảm hứng hơn khi làm việc với người đẹp.

- Anh là người góp phần làm nên thành công của nhiều giọng ca nữ như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hồ Ngọc Hà, Maya, Văn Mai Hương. Theo anh, vai trò của một nhạc sĩ với sự nghiệp người ca sĩ chiếm bao nhiêu phần trăm?

- Theo tôi, nhạc sĩ thì có nhiều nhưng nhà sản xuất âm nhạc thì ít, ca sĩ thì nhiều nhưng ca sĩ có một sự nghiệp thì cũng rất hiếm. Ca sĩ muốn có một sự nghiệp cần phải chọn cho mình nhà sản xuất âm nhạc phù hợp hơn là một nhạc sĩ đơn thuần.

- Theo anh, do đâu mà khi anh bắt tay vào cộng tác với nữ ca sĩ nào thì lập tức xuất hiện tin đồn tình cảm giữa anh với người đó?

- Cái này thì dễ giải thích lắm. Khi bạn làm một công việc gây nên dư luận thì bạn sẽ được đám đông đem ra bàn tán và thêu dệt. Những yếu tố về tình cảm luôn làm cho câu chuyện trở nên ly kỳ hơn và thế là bạn sẽ trở thành một miếng mồi ngon cho những người yêu thích món "chém gió".



Nhạc sĩ Huy Tuấn đang bận rộn chuẩn bị cho đêm nhạc
"Những ngày mộng mơ". Ảnh: Khểnh.


- Anh rất ít cộng tác với các ca sĩ nam. Tại sao vậy?

- Tôi nghĩ rằng cơ hội làm việc với nhau nó cũng chính là cái duyên. Cho đến lúc này, tôi chưa có duyên lắm với các giọng ca nam. Còn với các giọng ca nữ thì tôi không phủ nhận rằng vẻ đẹp của họ luôn cho tôi rất nhiều cảm hứng để sáng tác. Tôi nghĩ tôi không phải là người nhạc sĩ duy nhất như thế và cũng chẳng cần phải giấu diếm điều ấy.

- Những ca khúc của anh đều đậm chất thơ với những chuyện tình yêu trong trẻo, ngọt ngào và không có quá nhiều biến động. Điều này dường như tương phản với cuộc sống của anh ngoài đời. Vì sao vậy?

- Thực ra tôi không muốn nói và cũng chưa bao giờ đề cập nhiều đến cuộc sống riêng tư của mình, còn những biến động trong đời thì tôi nghĩ ai cũng có và nên nhìn nó dưới một góc độ lạc quan hơn. Tôi đón nhận nó với thái độ bình thản nhất có thể. Liên quan đến các ca khúc của tôi, tôi nghĩ rằng âm nhạc để thưởng thức và bay bổng sẽ có ý nghĩa hơn nhiều là kể lại những chuyện đau đớn và bi lụy. Chính vì vậy, tôi chọn cách là dành cho khán giả những giây phút ý nghĩa và những điều đẹp đẽ.

- Anh nảy sinh ý tưởng thực hiện đêm nhạc bán cổ điển "Những ngày mộng mơ" với sự tham gia của Mỹ Linh và Đức Tuấn, cùng ban nhạc Anh Em từ khi nào?

- Đây là số tiếp theo của series Music On The Roof (Âm nhạc trên tầng cao) mà chúng tôi đã thực hiện từ đầu năm. Ngoài việc giới thiệu những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam và quốc tế, chúng tôi muốn có những đêm nhạc chuyên biệt cho từng thể loại, nhằm giới thiệu với công chúng một cách bài bản hơn, rõ nét hơn về rất nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau đang thịnh hành trên thế giới.

Sau đêm nhạc giới thiệu về World Music với phần trình diễn của cây guitar Nguyên Lê, lần này chúng tôi muốn công chúng Hà Nội đến với một thể loại âm nhạc mà họ hiếm có dịp được thưởng thức. Nhạc bán cổ điển cũng là thể loại mà rất ít nghệ sĩ Việt Nam hiện nay có khả năng và điều kiện theo đuổi.


Huy Tuấn muốn đưa dòng nhạc cổ điển đến gần với khán giả
Việt Nam hơn nữa - Ảnh: Khểnh.

- Gần 6 năm sau album "Chat với Mozart", giờ Mỹ Linh lại biểu diễn những ca khúc này trong "Những ngày mộng mơ". Anh nghĩ sao nếu điều đó giảm đi sự hứng thú của khán giả với đêm nhạc?

Đêm nhạc "Những ngày mộng mơ" của Huy Tuấn và ban nhạc Anh Em, với sự tham gia của hai ca sĩ Mỹ Linh - Đức Tuấn sẽ diễn ra vào tối 9/10 tại The Rooftop.

- Chúng tôi không chỉ trình diễn những bài hát trong Chat với Mozart, mà sẽ còn nhiều tác phẩm khác được hòa âm phối khí lại theo thể loại nhạc này. Ngoài ra, sẽ có cả những bài hát nhạc kịch nổi tiếng thế giới được giới thiệu. Những tác phẩm đã trở nên kinh điển với thế giới thì theo tôi là không bao giờ cũ để nghe, nhất là đối với những người sành nhạc.

Tại Rooftop, chúng tôi có một không gian nghe nhạc nhỏ hơn nhưng lại có hiệu quả rất khác so với những sân khấu lớn, nên hầu hết tác phẩm được trình diễn tại đây đều mang diện mạo rất khác. Tôi nghĩ nó cũng là một bất ngờ gây hứng thú cho các nghệ sĩ và khán giả nơi đây.

- Anh nghĩ sao khi một đêm nhạc bán cổ điển vẫn còn khá xa lạ với công chúng Việt Nam?

- Tôi nghĩ nó đã xa lạ cách đây khoảng 10-15 năm. Bây giờ công chúng của dòng nhạc này rất đông, điển hình là việc album Chat với Mozart của chúng tôi làm cách đây 6-7 năm vẫn tái bản đều đều. Mới đây, tôi cũng được thưởng thức một đêm nhạc rất thú vị của dàn nhạc Rapsody Symphony do các bạn học sinh còn rất trẻ của Nhạc viện Hà Nội trình diễn. Họ chơi rất say sưa những bản nhạc nổi tiếng theo ngôn ngữ âm nhạc bán cổ điển, kết hợp ngôn ngữ giao hưởng với pop, jazz, dance... Một điều mà ít ai có thể nghĩ tới cách đây 10 năm.


Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm