Mỹ tìm thấy dấu tích nữ phi công huyền thoại

22/08/2012 11:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Một đội nghiên cứu ở Mỹ, những người đang tìm cách lý giải sự mất tích của nhà tiên phong hàng không người Mỹ Amelia Earhart vào năm 1937, thông báo: họ vừa tìm thấy rất nhiều mảnh vỡ nằm dưới biển gần một hòn đảo ở Thái Bình Dương, qua đó mang tới hy vọng sẽ có đáp án về số phận bí ẩn của bà.

Nhóm tìm kiếm cho biết, họ mới ghi hình được một cánh đồng đầy các mảnh vỡ ở gần đảo Nikumaroro ở Cộng hòa Kiribati. Đây có thể là những gì còn sót lại của chiếc máy bay của Amelia Earhart.

Những chứng cứ sơ khai nhưng đáng tin cậy

Đoạn video do Nhóm thu hồi máy bay lịch sử quốc tế (TIGHAR) ghi lại trong khuôn khổ chuyến tìm kiếm có kinh phí 2,2 triệu USD tới đảo Nikumaroro, nhằm đưa ra đáp án cho sự mất tích và cái chết của Earhart. Những bí ẩn về số phận của Earhart là một trong những nguyên nhân làm tăng mối quan tâm lên cuộc đời của nhà tiên phong hàng không này.

Trong quá trình tìm kiếm, nhóm đã gặp rất nhiều sự cố kỹ thuật, do các điều kiện khó khăn ở ngoài dải san hô của Nikumaroro, nơi họ tin rằng máy bay của Earhart đã hạ cánh xuống biển. Giám đốc TIGHAR Ric Gillespie nói rằng bất chấp điều kiện khó khăn ấy, đội của ông vẫn tìm thấy bằng chứng về các mảnh vỡ trên một cách đồng.

Gillespie không mô tả kích thước về cánh đồng nơi thu được những mảnh vỡ này, nhưng khẳng định chứng cứ thu được rất hứa hẹn. "Chúng tôi thấy nhiều mảnh vỡ trong các bức ảnh chụp dưới nước giống với một phần của hệ thống hạ cánh" - Gillespie nói và cho biết thứ được phát hiện trông giống một chiếc lốp máy bay. "Chúng tôi vẫn còn phải tiến hành thêm nhiều phân tích. Chúng tôi chưa khẳng định mình đã giải mã được bí ẩn. Việc giải mã bí ẩn chỉ là bước tiếp theo trong cuộc điều tra này" - ông nói.

Nhà tiên phong hàng không Earhart và hoa tiêu của bà, Fred Noonan

Nữ hoàng không trung yểu mệnh

Amelia Mary Earhart sinsh tại Atchison, Kansas, vào ngày 24/7/1897. Tình yêu với máy bay của bà bắt đầu nhen nhóm vào năm 1918, khi bà cùng một người bạn gái trẻ tới thăm một phi trường nằm ở Toronto, Canada và được chứng kiến màn biểu diễn của một cựu phi công thiện chiến trong Thế chiến thứ nhất. Năm 1920, Earhart và cha tới thăm một phi trường khác, nơi phi công Frank Hawks đã mời bà làm một chuyến bay thử. "Ngay khi vừa bay cách mặt đất 100 mét, tôi đã biết rằng mình nhất định phải học bay" - Earhart kể lại.

Để thỏa mãn ước mơ làm phi công, Earhart làm nhiều việc khác nhau, từ lái xe tải, chụp ảnh và thậm chí là tốc ký tại một công ty điện thoại để tiết kiệm 1.000 USD phục vụ việc học bay. Ngay từ đầu, Earhart đã dành rất nhiều tâm huyết cho nghề phi công. Để không bị coi là dân "nhập môn", bà đã mặc chiếc áo da của phi công liên tục suốt 3 ngày đêm để nó có vẻ ngoài trông cũ kỹ. Bà cũng cắt tóc ngắn giống như các nữ phi công khác. Nhưng quan trọng là bà có khả năng bay rất tốt.

Sau khi có bằng phi công, Earhart đã bắt đầu bước vào lập kỷ lục. Ngày 17/6/1928, Earhart cùng 2 phi công khác đã bay từ Mỹ tới Anh trên chiếc máy bay Fokker F.VIIb/3m. Báo chí Mỹ lập tức tung hô bà lên mây xanh, thậm chí hãng thông tấn UPI khi đó còn gọi bà là "Nữ hoàng không trung".

Tháng 8/1928, Earhart trở thành người phụ nữ đầu tiên bay dọc theo lục địa Bắc Mỹ và trở lại an toàn. Năm 1931, khi điều khiển một chiếc máy bay Pitcairn PCA-2, Earhart đã ghi kỷ lục mới về độ cao, khi bay tới độ cao 5.613 mét. Năm 34 tuổi, Earhart đã một mình bay từ Mỹ sang Pháp. Giữa năm 1930 - 1935, Earhart đã lập 7 kỷ lục hàng không về tốc độ và quãng đường bay, sử dụng các loại máy bay khác nhau như Kinner Airster, Lockheed Vega và Pitcairn Autogiro.

Đầu năm 1936, Earhart đã quyết định ghi dấu ấn lớn nhất đời: bay vòng quanh trái đất. Do không phải là người đầu tiên bay vòng quanh địa cầu, bà muốn chuyến bay này phải dài nhất (47.000km), băng qua các địa hình hiểm trở nhất. Ngày 1/6, bà cùng hoa tiêu Fred Noonan rời khỏi Miami và sau nhiều chặn dừng chân tại Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, họ đã tới Lae, New Guinea, vào ngày 29/6/1937. Ở thời điểm này, Earhart chỉ còn cách đích có 11.000km.

Đêm 2/7/1937, Earhart và Noonan cất cánh rời khỏi Lae trên chiếc Electra đã chất đầy nhu yếu phẩm. Đích đến của họ là đảo Howland ở cách đó 4.113km. Tuy nhiên 2 người và chiếc máy bay đã mất tích khi ở gần đảo Nukumanu (Nikumaroro hiện nay), khi mới bay được 1.300 km.

Liệu có phải mò kim đáy bể

Dù người Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm quy mô nhất khi đó, gây tốn kém tới 4 triệu USD, không ai có thể tìm thấy dấu vết của Earhart và chiếc máy bay của bà. Ngày 5/1/1939, Earhart chính thức được xác nhận đã chết. Kể từ đó tới nay, người ta vẫn tiếp tục tìm kiếm bà, nhưng chẳng thu được kết quả gì đáng kể.

Tuy nhiên, nhóm tìm kiếm TIGHAR có nhiều điểm khác biệt so với số đông. Họ được trang bị nhiều thiết bị công nghệ cao, gồm các hệ thống ra đa âm soi quét đáy biển siêu hiện đại với nhiều hướng phát và nhận sóng. Công cụ sẽ cho phép họ kiểm tra, rà soát kỹ càng vùng đáy biển dọc theo đảo Nikumaroro. Trong khi phần lớn chiếc máy bay có thể đã không còn lại gì sau nhiều năm mất tích, nhóm tìm kiếm tin rằng một số thành phần quan trọng như các động cơ Pratt & Whitney, vẫn có thể còn nguyên tại nơi chúng chìm xuống cách đây 75 năm.

Hiện nhóm TIGHAR đã trở lại Honolulu, vốn nằm cách Nikumaroro tới 2.000km, không mang theo mảnh vỡ nào. Nhưng họ nói rằng mình đã có đầy đủ thông tin về những gì tìm thấy để chuẩn bị cho một cuộc tìm kiếm tiếp theo.

Mặc dù vậy, vẫn có người nghi ngờ tuyên bố của Gillespie và các cộng sự của ông tại TIGHAR. Hans Van Tilburg, điều phối viên chương trình di sản hải dương ở Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, đánh giá việc tìm thấy những vật thể đã nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương trong hàng thập kỷ là rất khó khăn. "Thái Bình Dương là một môi trường hoạt động mạnh và chiếc máy bay họ đang tìm khá dễ tan vỡ tại đây" - ông đánh giá - "Vì thế, tìm thấy thứ gì đó và nhận dạng nó là rất khó khăn. Thực tế, người ta đang làm chuyện giống như mò kim đáy bể vậy".

Tường Linh (Theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm