Hội nghị P4G Việt Nam 2025: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

16/04/2025 14:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 16/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề "Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững". Sự kiện thu hút hơn 300 đại biểu tham dự, nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025 diễn ra từ ngày 14 - 17/4.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trên hành trình hướng tới một tương lai phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường, tăng trưởng xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển bền vững.

Ông Hoàng Minh nêu rõ, thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Việc thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới sáng tạo xanh và chuyển đổi hệ thống kinh tế theo hướng ít phát thải, tuần hoàn đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Hội nghị P4G Việt Nam 2025: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Nguồn: Báo Hànộimới

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cốt lõi, thể hiện qua hàng loạt chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xanh, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố tại COP26. Những định hướng chiến lược đó đã và đang tạo nền tảng thuận lợi để thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và giải pháp giảm phát thải.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân được định giá hơn 1 tỷ USD, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trong số này ước tính có khoảng 200 - 300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn, tương đương với khoảng 5 - 7% tổng số startup hiện nay.

Thứ trưởng Hoàng Minh kêu gọi sự tham gia chủ động và hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan - từ khu vực công, tư nhân đến các tổ chức quốc tế cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam xanh, hiệu quả và bền vững. Ông nhận định: "Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để cùng nhau định hình tương lai xanh và bền vững cho Việt Nam và thế giới. Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn".

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh tại Việt Nam, nêu rõ trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong phát triển các giải pháp công nghệ xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đổi mới, sáng tạo được thúc đẩy nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng xanh trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam như: Công nghệ thông tin xanh, phát triển các sản phẩm sinh thái, dịch vụ bền vững, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn gặp nhiều khó khăn như việc huy động tài chính để chuyển đổi xanh, quy định cụ thể dành cho startup vẫn còn chưa thực sự rõ ràng và mạnh mẽ. Việt Nam cần đội ngũ nhân lực có kiến thức sâu về kinh tế tuần hoàn, quản lý carbon hoặc công nghệ sản xuất vật liệu sinh học. Mặc dù người tiêu dùng quan tâm hơn đến sản phẩm thân thiện môi trường nhưng vẫn còn rào cản về giá cả và thói quen tiêu dùng.

Ông Phạm Hồng Quất đề cập tới việc thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh tại Việt Nam; phát triển một khung chỉ số đánh giá tác động xã hội - môi trường - kinh tế dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh; hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các công nghệ xanh mới. Ông cho rằng, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về tiêu dùng xanh để thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hội nghị P4G Việt Nam 2025: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững - Ảnh 2.

Phiên thảo luận: Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Nguồn: Báo Hànộimới

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xanh, Tiến sỹ Malle Fofana, Giám đốc khu vực châu Á, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đánh giá, nhu cầu đẩy mạnh hành động về khí hậu trên thế giới ngày càng tăng. 75% các công nghệ trên thế giới đang trong giai đoạn khởi đầu; cần biến những công nghệ này thành cơ hội, trở thành kết quả hữu hình, đặc biệt là công nghệ giải quyết các thách thức về khí hậu. Cho rằng, hiện nay các công nghệ xanh mới tập trung vào những lĩnh vực dễ giải quyết, Tiến sỹ Malle Fofana nêu ví dụ, lĩnh vực công nghiệp nặng thải ra môi trường khoảng 35% lượng chất thải nhưng chỉ đầu tư cho công nghệ làm sạch để xử lý 11% lượng chất thải này và chỉ tập trung những khu vực dễ xử lý.

Tiến sỹ Malle Fonfana cũng đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết những thách thức về khí hậu, hướng tới công nghệ xanh về khí hậu nhằm đi con đường ngắn nhất tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0; bên cạnh đó cần định hướng công nghệ khí hậu như tài sản của thế hệ tương lai. Để làm được điều này, vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức quốc tế, hợp tác công - tư rất quan trọng để đảm bảo các startup của thế hệ tương lai nhận được hỗ trợ họ cần được nhận.

Tại Diễn đàn, một Phiên thảo luận mở với chủ đề "Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững" đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập trung vào cơ chế hợp tác công - tư và huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh.

Diễn đàn cấp cao đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (Partnership for Green-P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Đan Mạch với mục tiêu phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, đóng góp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam là 1 trong 8 nước thành viên sáng lập P4G và là thành viên tích cực trong số 9 thành viên tham gia giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2027. Việt Nam được nhận 12 dự án trong giai đoạn 1 (năm 2018 - 2022).

Hội nghị P4G 2025 do Việt Nam đăng cai với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm". Hội nghị nhằm thu hút các nguồn lực quốc tế cho phát triển, đặc biệt là về chống biển đối khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Thu Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm