27/09/2017 15:07 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Được mệnh danh là “Hội nghị Diên Hồng” có tầm quan trọng đặc biệt đối với khu vực Tây Nam Bộ, ngày 27/9, Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ đã chính thức khép lại với sự đồng thuận từ các đại biểu về quyết sách chiến lược chung cho toàn vùng trong xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với trách nhiệm và tâm huyết, qua 2 ngày làm việc, Ban chủ tọa cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế đã cùng trao đổi, thảo luận trên tinh thần cầu thị và nghiêm túc để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, nhằm phát huy tiềm năng của vùng trên cơ sở kết hợp khoa học và công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.
Hội nghị được các đại biểu đánh giá cao vì công tác tổ chức quy mô lớn, xem xét một cách toàn diện các thách thức và yêu cầu phát triển đặt ra đối với khu vực Tây Nam Bộ so với các hội nghị, hội thảo trước đây chỉ tập trung vào giải quyết một số vấn đề cụ thể, có tính cấp bách cho từng lĩnh vực, địa phương riêng lẻ, thiếu tính tổng thể, hệ thống.
Qua hội nghị, tỉnh sẽ lên kế hoạch tiến hành các chương trình quy hoạch phát triển tổng thể, hoà hợp theo vùng và các tiểu vùng cụ thể; trong đó, tập trung vào việc ứng phó với hiện tượng sụt lún đất, trữ nước ngọt và bảo vệ nguồn đất nông nghiệp của địa phương.
Điển hình như tính toán lại các đầu tư các công trình cho phù hợp thực tế; vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng kè mềm ven biển; thực hiện xã hội hóa trồng rừng và khai thác trồng rừng, nuôi trồng thủy sản ven biển.
Đồng thời, vận động người dân hạn chế việc xây nhà và sản xuất ở những nơi nguy hiểm, dễ bị sụt lún; không lấn chiếm khu vực bờ sông, bờ biển, khu vực đê bao; nghiêm cấm việc chặt phá rừng và tăng cường trồng rừng phòng hộ ngay vành đai ven biển.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động thực hiện các chương trình nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước trong mùa mưa nhằm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô; vận động từng hộ nông dân các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi… xây hồ trữ nước mưa phục vụ cho nhu cầu của gia đình.
Đã có nhiều hộ tự nguyện xây hồ trữ nước với dung tích lớn để hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn. Sau hội nghị, Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác trữ nước để dần hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác nguồn nước ngầm của người dân, giúp giảm tình trạng sụt lún và giữ đất ven biển Cà Mau.
Một vấn đề cấp bách khác được nhiều đại biểu quan tâm là giải pháp để quản lý và hạn chế khai thác cát tại các địa phương, đặc biệt khi đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở đất nghiêm trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây.
Ông Lâm Quang Thi, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 12 điểm khai thác cát trên các đoạn sông Tiền Vĩnh Xương, Phú Tân và Chợ Mới. Với hiện trạng sạt lở bờ sông hiện nay, tỉnh An Giang đã ngưng cấp phép mới cho các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hậu.
Với những dự án đã được cấp phép, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ theo dõi chặt chẽ về sản lượng và thăm dò trữ lượng thường xuyên để tránh việc khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ sạt lở. Khi có đơn vị vi phạm thì sẽ xử phạt hành chính, tịch thu phương tiện khai thác cát trái phép.
Trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế địa phương, trao đổi bên lề hội nghị với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh sẽ tiến hành kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng phi công trình, hệ thống giao thông thủy lợi và hệ thống cấp nước theo mô hình liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, gồm 3 tỉnh Đồng Tháp – Long An – Tiền Giang.
Theo đó, 3 tỉnh sẽ tự vận động và quản lý các nguồn kinh phí trong công tác quản lý nguồn nước, trữ nước ngọt, gia tăng chuỗi giá trị hàng hoá nông nghiệp, giải quyết nước sinh hoạt cho tiểu vùng cùng các mục tiêu khách trong khung liên kết.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung toàn lực nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để thực hiện chiến lược phát triển vùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm thích ứng tối đa dựa trên tiềm lực thực tế; trong đó, chú trọng quy hoạch từng bước, khoanh vùng từng vấn đề cần giải quyết trong cả 3 khu vực thượng-trung-hạ của đồng bằng; giảm thiểu tối đa khai thác nước ngầm, thay thế bằng xây hồ trữ nước mưa và lấy nước mặt; chủ động quản lý ô nhiễm nguồn nước, môi trường.
Trong phát triển kinh tế, các địa phương cần tiến hành liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ; gắn liền tác động kinh tế với chuyển biến xã hội; phát triển văn minh theo đúng quy luật và xu hướng của thị trường hiện nay.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý các địa phương cần đảm bảo hài hoà trong các lợi ích về kinh tế - xã hội – môi trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; đảm bảo lợi ích của các bên liên quan; đảm bảo tính kết nối liên vùng, kết nối giữa các tiểu vùng, giữa hạ và thượng nguồn sông Mekong.
Đặc biệt, phải xem Đồng bằng sông Cửu Long là một thể liên kết thống nhất giữa đất, nước và con người, trong đó, nước là yếu tố cốt lõi – chi phối và quyết định khả năng ứng phó với bi ến đổi khí hậu của toàn vùng.
TTXVN/Hồng Nhung - Hồng Giang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất