Những điều ít biết về Hội Gióng Sóc Sơn

05/05/2010 13:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đứt quãng và không được tổ chức trong một thời gian dài cho tới năm 1992, Hội Gióng (Sóc Sơn) đã được phục dựng lại. TT&VH trao đổi với PGSTS Lê Thị Hoài Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam), người trực tiếp tham gia tổ chức Hội Gióng Sóc Sơn 2010 và từng có nhiều năm nghiên cứu về lễ hội này.

Bà cho biết:

- Tôi có thể khẳng định ngay: chỉ một phần rất ít các chi tiết của Hội Gióng là được đưa thêm vào sau này, hoặc có sự thay đổi chút ít để tăng tính hấp dẫn và phù hợp với cuộc sống hôm nay. Còn đa số, những yếu tố chính tạo nên Hội Gióng Sóc Sơn đều đã ổn định theo lịch sử và mang tính bất biến, không thể thay đổi hay pha trộn.

* Cụ thể, đó là những yếu tố gì?

- Rất nhiều và rất nhiều, tôi chỉ xin dẫn 2 ví dụ điển hình. Về lễ vật cúng tiến, trên mặt bia số 6 của bia đá 8 mặt tại núi Bia có ghi rõ việc “phân công” nhiệm vụ của từng làng trong việc chuẩn bị các vật lễ như giò hoa tre, voi trận, ngà voi, cỏ voi, trầu cau... Hoặc, khi rước lễ vật vào đền thượng, theo quy ước bất thành văn thì giò hoa tre của thôn Vệ Linh luôn đi trước và được dâng lên thánh đầu tiên, sau đó mới tới các thôn khác. Trật tự này không ai có quyền thay đổi.

Nhìn chung, dù ở giai đoạn lịch sử nào, những quy ước này luôn được người dân các thôn làng Sóc Sơn tự nguyện tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt. Thậm chí, họ coi đó là niềm vinh dự của làng mình trước vị thánh tôn kính. Đây cũng là dẫn chứng về yếu tố chủ thể của người dân đối với lễ hội đền Sóc - điều mà UNESCO luôn đòi hỏi ở các hồ sơ xin đăng ký danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể.

* Còn việc thay đổi một số yếu tố so với lịch sử hình thành?

- Trước hết là việc lược bỏ những yếu tố lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống đương đại. Chẳng hạn, bia đá có ghi: “Những ngày lễ hội và tiệc nghi lễ: dân tế đền Hạ, quan tế đền Thượng”. Điều này là có thật trong lịch sử Hội Gióng Sóc Sơn, nhưng đã bị bỏ đi từ sau năm 1945, khi nước ta xóa bỏ chế độ quân chủ. Đền Thượng trở thành địa điểm chính để thực hiện các nghi lễ của Hội Gióng và cho phép mọi cá nhân đều được vào thắp hương, tiến lễ.

Hội Gióng Sóc Sơn và Hội Gióng Phù Đổng là hai lễ hội tiêu biểu trong hồ sơ về Hội Gióng được đệ trình lên UNESCO. Hội Gióng Phù Đổng (8-9/4 âm lịch) tổ chức tại nơi thánh sinh ra, còn Hội Gióng Sóc Sơn (6/1 âm lịch) tổ chức tại đền Sóc, nơi thánh hóa. Ngoài 2 hội Gióng mang tính “trung tâm” này, còn có một chuỗi hội Gióng khác như Hội Gióng Bộ Đầu, Hội Gióng Chi Nam, Hội Gióng Xuân Đỉnh.

Hoặc, theo dân gian thì hội đền Sóc Sơn xa xưa có tục rước “trải”, nghĩa là rước 20 hình nhân trên kiệu tre hình thuyền đầu rồng, đuôi én. Có nhiều cách lý giải về tục này, trong đó quan điểm dị đoan kể: người dân Sóc Sơn khi đuổi giặc Ân trót... giết nhầm 2 bộ tướng của Thánh Gióng, thánh nguyền rằng giết một phải đền 10 mạng. Khi được dựng lại vào năm 1992, lễ hội đền Sóc không có tục rước “trải” nữa vì cách lý giải như vậy không phù hợp với nhân cách hình tượng Thánh Gióng. Ngoài ra, tục rước “trải” cũng làm hội kém vui. Khi xưa, rước kiệu vào đền hành lễ xong, người khiêng “trải” đều vứt kiệu bỏ chạy, còn khách dự hội cũng rất sợ gặp “trải” vì bị xúi quẩy cả năm.


* Bên cạnh những yếu tố bị “cắt”, có những yếu tố mới nào được “thêm” tại Hội Gióng không?

- Mươi năm trở lại đây, Hội Gióng Sóc Sơn có bổ sung đoàn rước quả cầu húc của thôn Xuân Dục trong phần nghi thức. Cầu húc không phải là trò vốn có của hội đền Sóc, mà là một trò chơi cầu mùa khá độc đáo tại thôn Xuân Dục. Việc đưa đoàn rước này vào khiến nghi thức rước lễ vật trở nên phong phú hơn, đồng thời trò chơi dân gian húc cầu cũng làm phần hội tại đền Sóc thêm phong phú. Ngoài ra, bên cạnh tục rước voi trận, từ năm 1995, BTC cũng bổ sung biểu tượng ngựa Gióng vào đoàn rước để phù hợp hơn với hình tượng Thánh Gióng.


Hội Gióng Sóc Sơn. Ảnh: Lê Thị Hoài Phương
* Khi dàn dựng Hội Gióng Sóc Sơn 2010, bà có đưa thêm những thay đổi nào vào nghi thức diễn trình?

- Chỉ có một chi tiết nhỏ về việc sắp xếp trật tự các đoàn rước của từng thôn. Ngoài việc thôn Vệ Linh được rước giò hoa tre đi đầu tiên, các tài liệu đều không ghi lại thứ tự của các đoàn rước khác. Năm 1994, một nhóm cán bộ Trường ĐH Văn hóa đã viết kịch bản dàn dựng lễ hội này và được lãnh đạo Sóc Sơn phê duyệt. Theo đó, sau thôn Vệ Linh là thôn Dược Thượng rước voi, thôn Đan Tảo rước trầu cau, thôn Đức Hậu rước ngà voi, thôn Yên Sào rước cỏ voi... Trong lễ hội tổ chức năm 2010 này, chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi một chút trật tự này cho hợp lý hơn: đi sau đoàn rước voi là các đoàn rước ngà voi, cỏ voi, sau đó mới đến rước trầu cau của thôn Đan Tảo.

* Sự thay đổi trong chuyện “rước trước, rước sau” này có được sự đồng thuận từ các thôn?

- Bà con thôn Đan Tảo thắc mắc: dân gian nói “miếng trầu là đầu cầu chuyện”, vậy sao họ bị xếp lùi xuống như vậy? Chúng tôi cũng có trình bày quan điểm của mình: bản chất của Hội Gióng là lễ hội trận, do đó cần để những gì thuộc về chiến trận đi trước, sau khi thắng trận rồi thì mở hội ăn mừng, lúc đó có trầu cau, có diễn trò chém tướng và có trò húc cầu là hợp lý hơn. Cuối cùng, bà con đồng ý với cách sắp xếp này.

* Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm