Họa sĩ Võ Xuân Huy: Sơn mài không phải “để thờ”

20/07/2012 15:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Triển lãm Vọng của Võ Xuân Huy sẽ khai mạc lúc 18h30 ngày 21/7 tại phòng tranh Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), giới thiệu 20 tác phẩm sơn mài thể nghiệm. Sinh 1970, Võ Xuân Huy là một trong số ít nghệ sĩ có nỗ lực (đến cực đoan) trong việc cải tiến sơn mài, rất may, anh đã tìm được nhiều sự đồng điệu.


Võ Xuân Huy

Còn nhớ, sau ngày khai mạc triển lãm Mùa biến thể tại phòng tranh Tự Do (TP.HCM) hồi 28/3/2009, 30 tác phẩm sơn mài thể nghiệm đã được lần lượt bán ra, mà người mua chủ yếu là khách đến từ phương Tây và Nhật Bản. Theo tâm lý chung, đáng lý đến Việt Nam thì họ sẽ tìm sơn mài kiểu truyền thống, nhưng thật bất ngờ, các thể nghiệm đến mức “phản sơn mài” vẫn được chấp nhận, vì trong đó, người tinh ý sẽ nhận ra sự tiếp nối về kỹ thuật căn bản.

Tiếp nối Mùa biến thể, triển lãm này tiếp tục đi vào con đường tìm tòi và sáng tạo đó. Chính vì vậy, các tiêu chí về bề mặt như phẳng, bóng, trong, sâu; về màu sắc như đen, đỏ, vàng, vỏ trứng… của sơn mài truyền thống đã được vượt qua. Thay vào đó là một bề mặt sù sì, thô ráp… với các màu sắc của “thời” rác thải công nghiệp, của hậu chiến và ô nhiễm môi trường. Tính chất lãng mạn, sum vầy, bóng bẩy và ấm áp trong các chủ đề sơn mài truyền thống được thay bằng sự lạnh lùng, khô khốc, khó nắm bắt và giàu chất trừu tượng.


Tác phẩm Vọng từ chiến trường 4, sơn mài, 80 x 80cm, 2012.

Chủ đề rõ nhất là những tiếng vọng từ chiến trường, nó lên án sự bạo tàn của chiến tranh, với những tổn thất và đau khổ vô cùng lớn của nhân loại. Võ Xuân Huy tâm sự rằng: “Súng đạn không thay đổi, chỉ thay đổi địa điểm và con người cầm vũ khí mà thôi”. Bên cạnh đó là chủ đề về sự phôi pha đến thô bạo, làm những chân giá trị bị mất đi không thương tiếc. Mỗi tác phẩm là sự lồng ghép các hoa văn cổ, thẻ bài người lính và cả ô nhiễm môi trường, giống như những vết tích từ đời sống, từ văn hóa của con người, của vùng đất. Đương nhiên nó cũng bao gồm cả sự ẩn dụ và phê phán về những “bạo tàn” của xã hội công nghiệp, vốn thiếu tôn trọng sự hài hòa của tự nhiên. Dùng kỹ thuật cách tân để bảo vệ các giá trị chân chính của truyền thống, của con người và của tự nhiên, kể cũng khá mâu thuẫn, nhưng thú vị. Võ Xuân Huy nói: “Sơn mài đang sống thì hãy để cho nó sống với thời hiện tại, nghĩa là chấp nhận đổi thay, đừng đóng khung nó vào các tiêu chí vĩnh cửu và đừng thờ cúng nó”.

Nhìn theo hướng thể nghiệm thì như vậy, còn với quan điểm trường ốc hoặc có tính bảo thủ, khi xem sơn mài của Võ Xuân Huy, các câu hỏi thường trực vẫn là: Như vậy có phải sơn mài không? Cải tiến đến mức độ nào để sơn mài vẫn còn là sơn mài? Với chuyên môn của một giảng viên mỹ thuật (thuộc Đại học Nghệ thuật Huế), chắc Võ Xuân Huy sẽ có cách trả lời những thắc mắc này. Tuy nhiên, dưới góc độ sáng tạo cá nhân và sự thể nghiệm vô biên, dường như Võ Xuân Huy không quan tâm đến điều đó.

Văn Bảy
-   
-    (Vong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm