Hoạ sĩ Veronika Radulovic - Người kết nối và thúc đẩy nghệ thuật đương đại của Việt Nam

13/01/2025 15:26 GMT+7 | Văn hoá

Được nghe giới thiệu về họa sĩ Veronika Radulovic và triển lãm tranh "Can you help me" – Times and Spaces - Việt Nam và Đức của bà đang được tổ chức ở Berlin, chúng tôi háo hức và mong đợi được tới thật nhanh để "mục sở thị" tác phẩm nghệ thuật đương đại, một công trình đầu tay của nữ họa sĩ người Đức làm từ chất liệu sơn mài, một trường phái nghệ thuật của Việt Nam chưa từng có tại quốc gia phát triển này trước đây.

Người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn so với độ tuổi được giới thiệu, đón chúng tôi bằng sự vồn vã, vui vẻ xưa nay hiếm với một người Đức bản xứ. Những câu chuyện, lời thăm hỏi về hai đất nước như thể chúng tôi đã là những người bạn thân thiết. Có lẽ một phần văn hóa phương Đông đã ngấm vào bà, người nghệ sĩ đã chót đem lòng yêu Việt Nam ngay khi đặt chân đến đất nước này từ những năm 90s của thế kỷ trước.

Hoạ sĩ Veronika Radulovic - Người kết nối và thúc đẩy nghệ thuật đương đại của Việt Nam - Ảnh 1.

Hoạ sĩ Veronika Radulovic (áo đen ngoài cùng bên phải) và Bà Veronika Witte (áo vàng bên trái), Giám đốc phòng tranh “Galerie Nord” thuộc Trung tâm văn hóa nghệ thuật Kunstverein Tiergarten ở Berlin chụp ảnh lưu niệm với phóng viên TTXVN

Bỏ qua cả những thủ tục lễ tân, bà dẫn chúng tôi đi thẳng vào phòng trưng bày tranh. Trong không gian nghệ thuật của riêng mình, bà như được trở về với ký ức, với cảm xúc của những năm tháng tuổi trẻ với đam mê khám phá mà cho tới tận giờ vẫn rần rần trong huyết quản của bà. Câu chuyện về những năm tháng học nghề của bà đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến sự tò mò khác. Tác phẩm nghệ thuật "Sông Hồng", gồm 24 bức tranh sơn mài nhỏ ghép lại là điểm nhấn lớn của triển lãm tranh "Can you help me" – Times and Spaces, đồng thời phía sau nó cũng là một câu chuyện đầy thú vị về chữ "duyên" để bà được ở lại Việt Nam tới hơn một thập kỷ.

Bà kể, năm 1992, bà đến Singapore với tư cách là "nghệ sĩ lưu trú". Tại đây, bà đã được xem và tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật châu Á, song một trong điều cuốn hút bà nhất thông qua một nhà báo người New Zealand là hội họa sơn mài Việt Nam. Màu sắc trong những bức tranh đã gây ấn tượng mạnh ngay từ phút đầu khiến bà muốn tìm hiểu về kỹ thuật của môn nghệ thuật mới này. Bà bộc bạch: "Cho đến thời điểm đó, tôi chưa từng liên tưởng Việt Nam với nghệ thuật ngoài những suy nghĩ về chiến tranh. Cũng chính sự tò mò này đã khiến tôi đã rút ngắn thời gian lưu trú tại Làng nghệ sĩ ở Singapore để đến Việt Nam nửa năm sau đó".

Không ngờ, bà đã phải lòng Hà Nội, phải lòng người dân nơi đây ngay từ những ngày đầu đặt chân tới thành phố. Những tàn dư của chiến tranh, sự nghèo khó, mộc mạc nhưng đầy tinh thần lạc quan của một dân tộc sau nhiều cuộc chiến đã thôi thúc sự khám phá của bà, một người được nuôi dưỡng trong nôi nghệ thuật phương Tây. Từ ý định chỉ tới du lịch, đến việc thuê chỗ ở 4 tháng để học sơn mài, Veronika đã sống và làm việc tại Việt Nam tới gần 14 năm. Kể cả cho đến tận giờ, từ trong sâu thẳm, đất nước này chưa bao giờ hết sự thú vị cho đam mê nghệ thuật của bà.

Bà chia sẻ: "Thời điểm đó, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách và mở cửa, điều này cũng tác động đến nghệ thuật trực quan, một môn bà được học tại Đại học Khoa học ứng dụng Bielefeld từ năm 1977 đến 1983. "Tuy nhiên, trong điều kiện rất khó khăn: Tôi không nói được tiếng Việt và hầu như không có bất kỳ mối quan hệ nào, việc giao tiếp đã khó chứ đừng nói đến việc học một môn nghệ thuật mới". Nhưng may mắn đã mỉm cười khi bà nhận được sự chỉ bảo tận tình của một phụ nữ trẻ khiếm thính làm việc trong xưởng vẽ tranh sơn mài. Bà nhớ lại: "Khoảng thời gian ở Hà Nội đã khiến tôi tự vấn về những gì mình học được: thế giới quan nghệ thuật của tôi như sụp đổ, và tôi nhận ra trải nghiệm sống của mình không còn xoay quanh nước Đức nữa. Gần 13 năm ở Việt Nam là khoảng thời gian thật tuyệt".

Không chỉ được học sơn mài, từ 1994 đến 2004 bà là giảng viên nước ngoài đầu tiên tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hậu "đổi mới". Bà đóng vai trò kết nối, thúc đẩy nghệ thuật đương đại Việt Nam từ những năm 90 đến những năm 2000. Bà chia sẻ: "Vào thời điểm đó, Đại học Mỹ thuật Hà Nội thiếu những giáo trình nước ngoài và tài liệu về nghệ thuật. Tôi chỉ đơn thuần muốn chia sẻ những kiến thức của mình về lịch sử nghệ thuật châu Âu; đổi lại, tôi cũng muốn học hỏi về nghệ thuật Việt Nam và coi mình cũng như một sinh viên mà thôi".

Red River – có thể tạm gọi là "di sản nghệ thuật" của Veronika và cũng là hồi ức về hội họa phong cảnh Việt Nam, không chỉ đại diện cho chính bà và sự thay đổi xã hội ở Việt Nam tại triển lãm này mà còn cung cấp những hiểu biết sâu sắc về một kỹ thuật hầu như chưa được biết đến ở Đức. Bà tâm sự: "Kỹ thuật sơn mài đã dạy tôi nhiều về thời gian và lòng kiên nhẫn. Thời điểm tôi đến Việt Nam là lúc kinh tế đang chuyển mình và dòng sông đỏ phù sa tượng trưng cho sự thay đổi không ngừng của vạn vật. Chúng ta vừa luôn có thứ để bỏ lại phía sau, nhưng vừa có điều gì đó phía trước để trông đợi". 24 bức vẽ về Sông Hồng kết nối thành một tác phẩm tổng thể về thời gian, minh chứng cho sự phát triển của Quá khứ - Hiện tại – Tương lai.

Hoạ sĩ Veronika Radulovic - Người kết nối và thúc đẩy nghệ thuật đương đại của Việt Nam - Ảnh 2.

Một đoạn dòng chảy của Sông Hồng trong tác phẩm nghệ thuật 24 bức sơn mài của Hoạ sĩ Veronika Radulovic - Ảnh: Phương Hoa

Cùng với tác phẩm sơn mài "Sông Hồng", triển lãm hợp tác đầu tiên với các nghệ sĩ Lê Hồng Thái và Bùi Hữu Hùng trong nhà trưng bày của thành phố 29 Hàng Bài – Hà Nội đã trở thành cơ hội phát triển sau này của bà. Sau các buổi thuyết trình khách mời đầu tiên tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (được Viện trao đổi Hàn lâm Đức - DAAD tài trợ vào năm 1994/95) và sau đó tại các trường đại học ở Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, bà bà trở thành người Đức đầu tiên giảng dạy với tư cách là giảng viên của DAAD, tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam đến năm 2005 cũng như mang nghệ thuật đương đại quốc tế đến với sinh viên Việt Nam. Chuyên môn và năng lực của bà đã được khẳng định trong hơn 20 cuộc triển lãm tại Việt Nam và Đức, hợp tác và làm việc với nhiều học viện và bảo tàng ở Đức, đóng vai trò kết nối quan trọng giữa nghệ thuật đương đại Đức và Việt Nam cũng như giám tuyển một số triển lãm quan trọng.

Không những thế bà còn có các bài giảng và hội thảo về nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Đức, Phần Lan, Gruzia, Na Uy, Thụy Điển và Singapore.

Hai cuốn sách của bà và cộng sự - "Khoảng cách an toàn" (Safe distance) xuất bản năm 2005 và "Đừng gọi đó là Nghệ thuật!" (Don't call it Art!) xuất bản năm 2021, cũng được bày trong không gian triển lãm Berlin, đã phần nào mô tả giai đoạn phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bà nói: "Cuốn sách Khoảng cách an toàn ra đời khi tôi mới rời khỏi Hà Nội sau gần 13 năm gắn bó. Cuốn sách mang màu sắc tự truyện đã kể lại câu chuyện về quá trình hình thành nên nền nghệ thuật trẻ ở Hà Nội mà tôi đã may mắn là người đồng hành". Tác phẩm là một chia sẻ về sự phát triển nghệ thuật đương đại ở Việt Nam từ đầu những năm 1990 tới năm 2006.

Cùng với Annette Bhagwati, "Đừng gọi đó là nghệ thuật" xuất bản năm 2021 đã lưu giữ những lát cắt của lịch sử nghệ thuật đương đại từ 1993-1999 thông qua cái nhìn của 4 nghệ sĩ "tiên phong" trong thập niên 90 của thế kỷ trước và những tác phẩm ít được biết đến của họ.

Trong không gian nằm ở phía cuối gian trưng bày của triển lãm, là một bức treo 75 tác phẩm nghệ thuật vẽ bằng mực và bột màu trên giấy dó được làm thủ công. Đây cũng là chất liệu được sử dụng trong bộ lưu trữ nghệ thuật của Veronika Radulovic cùng 3 họa sĩ được coi là tiên phong của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam là Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy và Trương Tân, từng được trưng bày tại "Sàn Art" (thành phố Hồ Chí Minh) năm 2022.

Đúng như tên gọi của nó, sự sắp đặt của Veronika trong triển lãm "Can you help me" – Times and Space là một sự tổng hòa về thời gian, không gian. Hà Nội hiện lên thật đáng yêu trong từng giai đoạn tranh của Veronika. Con người không xuất hiện nhiều, nhưng sự hiện diện của họ lại thật sống động. Như thể mỗi bức ảnh chỉ là một khoảnh khắc ngưng đọng tình cờ, ngắn ngủi, rồi tất cả lại cuốn vào dòng chuyển động của nó.

Hoạ sĩ Veronika Radulovic - Người kết nối và thúc đẩy nghệ thuật đương đại của Việt Nam - Ảnh 3.

Hoạ sĩ Veronika Radulovic cùng Tác phẩm vẽ năm 2003, gồm 75 bức tranh bằng mực và bột màu trên giấy dó của Hoạ sỹ Veronika Radulovic - Ảnh: Phương Hoa

Bà Veronika Witte, Giám đốc phòng tranh "Galerie Nord" thuộc Trung tâm văn hóa nghệ thuật Kunstverein Tiergarten ở Berlin chia sẻ sự kiện văn hóa của họa sĩ Veronika Radulovic là một phần trong lễ kỷ niệm 20 năm của Trung tâm văn hóa Kunstverein Tiergarten. Và triển lãm của Veronika Radulovic là triển lãm cuối cùng trong chuỗi 5 sự kiện chào mừng của trung tâm. Theo Giám đốc phòng tranh, trong số các triển lãm nghệ thuật đương đại diễn ra tại đây, triển lãm nghệ thuật của Veronika Radulovich là sự kết nối văn hóa giữa Việt Nam và Đức được quan tâm nhất. Nó không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao, mà còn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cộng đồng người Việt tại Đức.

"Một trong những điểm nội bật của trung tâm là kể từ năm 2018, mỗi năm có một chương trình tôn vinh các nghệ sĩ nữ đang hoạt động ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Theo đó, chúng tôi sẽ mời một nữ nghệ sĩ và trao cho họ cơ hội tổ chức triển lãm cá nhân tại Berlin. Và năm nay chúng tôi rất vui mừng khi chọn Veronika Radulovic, cũng một phần vì trung tâm này đã làm công tác trao đổi liên văn hóa với Việt Nam từ năm 2018. Rất vui và có rất nhiều người Việt Nam đến và xem triển lãm".

Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm