30/04/2024 07:13 GMT+7 | Văn hoá
Ở tuổi 81, hoạ sĩ Trần Duy Trúc vẫn ngày ngày lên phác thảo, vẽ hình, đi nét rồi tô màu, kẻ chữ cho tranh cổ động để hưởng ứng những dịp kỷ niệm, ngày lễ quan trọng của đất nước.
Gần nhất, tại Cuộc thi sáng tác tranh cổ động nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn do Cục Văn hóa Thông tin cơ sở tổ chức, họa sĩ Trần Duy Trúc đã cùng lúc giành 2 giải Khuyến khích (cho 2 tác phẩm) ở cả 2 đề tài này.
Ấn tượng chùm tranh về chiến thắng Điện Biên
Chùm tác phẩm về chiến thắng Điện Biên Phủ do họa sĩ Trần Duy Trúc sáng tác trong dịp này gồm 5 tranh. Mỗi tranh 1 chủ đề nhưng xuyên suốt là âm hưởng của chiến thắng Điện Biên từ quá khứ cho đến hiện tại.
Điển hình, bức tranh nhận giải Khuyến khích của ông vẽ 2 em học sinh học bài dưới chân hầm Đờ Cát cùng cạnh bên là xe tăng, bom đạn, súng ống. Tác phẩm có tạo hình tưởng như đối lập nhưng lại thống nhất ở ý nghĩa: Tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho thế hệ mầm non của đất nước.
Hoặc, đó là ký ức về cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng anh dũng, hào hùng của quân và dân Việt Nam thông qua bức tranh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy chiến dịch. Đáng nói, tác phẩm còn gây ấn tượng với những mảng tranh khắc họa những hy sinh quả cảm làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc như cảnh anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng...
Và không chỉ khơi gợi quá khứ hào hùng, Trần Duy Trúc còn tập trung khắc họa hình ảnh của Điện Biên hôm nay thông qua những chi tiết tạo hình đắt giá qua một bức tranh khác. Tranh vẽ các tầng lớp nhân dân công - nông - binh của Điện Biên cùng nhìn một hướng về phía tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ với niềm hân hoan, tự hào.
Dễ thấy, từng hình ảnh, chi tiết trong tranh đều được họa sĩ Trần Duy Trúc tinh tuyển để truyền đi tinh thần cổ vũ, khẳng định ý nghĩa lịch sử mang tầm thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Như họa sĩ chia sẻ: "Vẽ tranh cổ động, người họa sĩ chỉ cần tập trung nắm bắt một ý tưởng, nội dung chính để lột tả được chủ đề. Riêng đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, có nhiều thứ để vẽ. Nhưng việc sáng tác phải đảm bảo tiêu chí vừa đơn giản, vừa dễ hiểu. Do đó, người họa sĩ phải chắt lọc được những hình ảnh điển hình của chủ đề để đưa lên tranh".
"Trước tiên, tôi đọc kỹ yêu cầu của cuộc thi, sau đó chọn đề tài gần gũi với sự hiểu biết của mình để lên phác thảo, rồi vẽ. Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ta sẽ nghĩ ngay tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp" - ông kể thêm về chùm tranh - "Và cùng với đó, chiến thắng lịch sử này còn gắn với sự hy sinh của biết bao chiến sĩ anh hùng. Từ đó, tôi chọn thêm 3 hình tượng tiêu biểu của chiến dịch gắn với các anh hùng Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện để đưa vào tác phẩm".
"Ở tuổi ngoài 80, tôi vẫn cố gắng sáng tác mỗi ngày, như một cách để chia sẻ với con cháu, bạn bè về công việc mình đã gắn bó cả đời" - họa sĩ Trần Duy Trúc.
Dấu mốc "bén duyên" với tranh cổ động
Đến nay, họa sĩ Trần Duy Trúc đã có 60 năm gắn bó với tranh cổ động. Đây cũng là thể loại khởi đầu cho sự nghiệp của ông sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1964. Khi đó, ông về công tác tại Ban Tuyên giáo của Tỉnh ủy Hải Dương, được phân công chuyên phụ trách vẽ tranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền.
"Công việc chuyên môn đòi hỏi yêu cầu cao nhưng trình độ bấy giờ của tôi vẫn còn hạn chế vì mới ra trường. Thế nhưng, càng vẽ, tôi lại càng vững vàng về nghề nghiệp" - ông nhớ lại - "Thời gian làm công tác quản lý, tôi có ít thời gian để vẽ. Phải từ 2004, sau khi nghỉ hưu, tôi mới có nhiều thời gian chuyên tâm hơn để sáng tác tranh cổ động".
Tròn 20 năm từ thời điểm ấy, Trần Duy Trúc đã sáng tác khoảng 500 tác phẩm tranh cổ động thuộc nhiều đề tài khác nhau. Đặc biệt, hơn 1.000 bản phác thảo tranh cổ động vẽ trên khổ giấy nhỏ cũng được ông lưu giữ cẩn thận như một nguyên tắc làm nghề.
Như chia sẻ, họa sĩ vẽ tranh cổ động hoàn toàn bằng tay, kẻ chữ cũng bằng tay. Ban đầu, sau khi đọc yêu cầu, Trần Duy Trúc sẽ nghiên cứu chọn đề tài phù hợp dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân. Khi đã có ý tưởng, ông vẽ phác thảo trên những mảnh giấy cỡ nhỏ bằng chì, bút bi, bút dạ. Ở bước này, các hình khối, đường nét, tạo hình nhân vật bắt đầu được định hình.
Tiếp đó, phác thảo được in ra khổ giấy lớn đúng với kích cỡ yêu cầu để tiến hành vẽ hình, đi nét chính xác. Cuối cùng là bước lên màu được chọn lọc, để tổng thể tác phẩm có sự hài hòa, cân đối giữa màu sắc và hình khối. Trong suốt quá trình vẽ, các mảng tranh, mảng chữ, mảng màu đều được tính toán kỹ lưỡng để tạo ra hiệu ứng nổi bật về mặt thị giác và hấp dẫn người xem.
"Cho rằng tranh cổ động không học cũng vẽ được là một quan niệm sai lầm. Bộ môn nghệ thuật nào cũng cần phải học tập, rèn luyện. Vẽ tranh cổ động khó ở chỗ họa sĩ phải suy nghĩ, sáng tạo để tác phẩm vừa có ý nghĩa chính trị, xã hội vừa đảm bảo được yếu tố chuyên môn" - họa sĩ Trần Duy Trúc cho biết thêm.
Hành trình dài trong 6 thập niên
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên vẽ tranh cổ động, họa sĩ bồi hồi: "Lớp họa sĩ chúng tôi được đào tạo bài bản để trở thành cán bộ mỹ thuật phục vụ cuộc chiến đấu trước mắt nên được học nhiều loại tranh khác nhau như tranh khẩu hiệu, tranh cổ động, tranh truyền thần… Vừa ra trường năm 1964 cũng là lúc giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, ngay lập tức, chúng tôi được phân công "lao" vào vẽ tranh cổ động kể từ đó. Khi ấy, tất cả các thôn, xã, các huyện, thị đều được yêu cầu quét vôi trắng lên tường để kẻ khẩu hiệu và vẽ tranh cổ động".
Thời điểm này, họa sĩ Trần Duy Trúc vừa tham gia trực tiếp vẽ tranh, vừa sáng tác tranh mẫu gửi cho các địa phương để nhân rộng các khẩu hiệu, tranh cổ động theo yêu cầu. Tất cả những công việc này đều diễn ra trong những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của thời chiến. Do đó, tranh chủ yếu vẽ bằng các màu đơn giản. Không có bút vẽ, họa sĩ phải dùng bút tự chế bằng cách dùng đốt tre non đập dập để vẽ lên tường cho khỏi bị mòn. Dù vậy, tranh cổ động khi đó luôn được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt.
"Tranh cổ động thời chiến chủ yếu là lời kêu gọi chiến đấu, rồi cảnh báo hiểm họa từ chiến tranh. Nhưng đồng thời, những bức tranh ấy còn gieo vào lòng người xem ý thức yêu thương, bảo vệ nhau trong nghịch cảnh" - ông kể tiếp - "Hoặc, chúng tôi còn vẽ những bức tranh cổ động về đề tài lũ lụt để cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân. Thường, hễ có lũ lụt, chúng tôi phải đi vẽ tranh cổ động ngay. Ở đây, tranh cổ động yêu cầu người họa sĩ phải nhanh nhạy, xông xáo như người chiến sĩ trên mặt trận".
Từ đó, theo Trần Duy Trúc, tranh cổ động không khi nào mất đi giá trị trong đời sống hôm nay. Và có lẽ, bởi luôn tin vào sức sống mạnh mẽ của tranh cổ động từ những năm tháng của lịch sử mà cho đến hôm nay, ở tuổi 81, họa sĩ Trần Duy Trúc vẫn một lòng bền bỉ theo đuổi thể loại này. Như lời ông bộc bạch: "Nghề nào yêu nghề ấy. Phải kiên định với con đường mình đã chọn. Không phải một sớm một chiều mà vẽ được tranh cổ động. Như tôi đến nay phải qua 60 năm mới có thể nói là thạo nghề".
Tinh tế từ những chi tiết nhỏ
Việc thưởng thức tranh cổ động của Trần Duy Trúc mang tới cảm giác như được sống lại những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc. Không chỉ vậy, ông còn khéo léo điểm xuyết những chi tiết hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái (Điện Biên) vào từng bức tranh như một cách tạo chiều sâu cho tác phẩm. Những chi tiết nhỏ đó đủ khiến tranh cổ động của họa sĩ Trần Duy Trúc luôn có dấu ấn sáng tạo riêng trên nền tảng am hiểu văn hóa và thấu tỏ sâu sắc đề tài.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất