Triển lãm “Những con chữ” của Nguyễn Thị Hiền: Lồng bút tích 55 văn nhân vào tranh

01/10/2010 14:14 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lúc 15h45, chiều 2/10 tại Việt phủ Thành Chương, một trong 10 địa điểm tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, khai mạc triển lãm (TL) cá nhân Dòng chảy V - những con chữ của HS Nguyễn Thị Hiền, diễn ra tới hết 12/10. Đây là sự kiện trọng điểm của Việt phủ và của nữ tác giả dành tặng Hà Nội thân yêu.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Với 54 bức tranh sơn mài, 8 pho tượng lưu bút tích của nhiều nhà văn nổi tiếng, triển lãm này là một công trình đáng giá của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Chồng mất, con gái duy nhất lấy chồng xa (chồng người Mỹ đang sống ở New York), bất chấp tuổi 64 và bệnh tật, Nguyễn Thị Hiền vẫn luôn tràn đầy tình yêu nghệ thuật, ý tưởng. Từ 2005 chị liên tục có triển lãm cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM. Toàn bộ triển lãm này là các sáng tác của năm 2010, trong 9 tháng cật lực đã “sinh” 53 bức tranh và 8 tượng chất liệu composite. Chị xứng đáng là “anh hùng lao động” trong sự im lặng cống hiến nghệ thuật - một phẩm cách chị học từ người cha - nhà văn Kim Lân. Toàn bộ chi phí triển lãm do HS và em trai - nhà tổ chức - tự tài trợ cho mình.

5 năm sưu tầm, xin chữ của 55 nhà văn

Điểm độc đáo của triển lãm Những con chữ không ở các chất liệu vỏ trứng, vàng ta, bạc nguyên chất dát lên tranh, mà ở bút tích của 55 nhà văn, nhà thơ đưa vào tác phẩm. HS cho biết ý tưởng: “Từ khởi thủy, con người đã vạch ký tự trên đá tìm nhau, để ghi lại các thông điệp, từ đó hình thành chữ viết của con người, của các dân tộc, quốc gia và trở thành nền văn minh của nhân loại”.


HS Nguyễn Thị Hiền
Lợi thế là con nhà văn, từ nhỏ được tiếp xúc gần gũi với nhiều cây bút lừng danh, nhưng từ ý tưởng đến hiện thực, HS phải mất 5 năm sưu tầm, xin chữ. Nét chữ, nét người, công chúng đến thưởng ngoạn TL này được chiêm ngưỡng chữ viết tay của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Hữu Loan, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Anh Thơ, Phùng Quán, Tô Hoài, Dương Tường, Hoàng Cầm, Bùi Ngọc Tấn, Phạm Tiến Duật, Ý Nhi... ; có chữ HS Bùi Xuân Phái, đạo diễn Đào Trọng Khánh, và người trẻ nhất là nhà thơ Vi Thùy Linh. Bút tích của nhà văn có thể là một câu trong tác phẩm, một tâm sự hay tuyên ngôn mang cá tính của nhà văn ấy. Họa sĩ phóng to rồi can bằng tay bút tích lên tranh.

Điêu khắc là một lĩnh vực lần đầu Nguyễn Thị Hiền cho xuất hiện trước công chúng với loạt 8 tượng về tình yêu, sinh sôi mang tên Mầm sống. Bức tượng lớn nhất có bút tích của nhà văn Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh: “Viết về chiến tranh, tức là viết về hòa bình, tình yêu và lòng khoan dung”.

“Ưu ái” cho Lưu Quang Vũ


Bức Khi em ngẩng đầu lên có bút tích Lưu Quang Vũ

Nguyễn Thị Hiền dành ưu ái nhất cho nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) với ba bức tranh in bút tích của anh. Sau 20 năm Vũ ra đi, Hiền mới thổ lộ tình yêu lớn của đời mình. Chị còn lưu giữ nhiều bài thơ Vũ viết tặng, những năm 1970 - 1972. ở bức Hòa điệu: “Mỗi bức tranh của em/ Như một ô cửa/ Mở tới tình yêu/ ở đó lòng em/ Ra với mọi người/ ở đó mọi người/ Đi tới bên nhau”.


Và đặc biệt, bài thơ này khiến tôi vô cùng xúc động khi đọc trên tranh Khi em ngẩng đầu lên: “Anh biết đêm đã xuống/ Gió thổi qua biển lớn và mưa rơi trên những vòm lá rậm/ Khi em mỉm cười/ Anh biết những bông hoa nở cánh trong im lặng/ Lũ trẻ nhảy đùa trên phố sớm/ Khi em tìm nắm ngón tay anh/ Đáy thất vọng nảy sinh dòng nhựa mới...”.

Tôi tặng Hà Nội triển lãm này

Tại nhà riêng số 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, Hà Nội, xòe đôi bàn tay nhỏ nhắn, móng bị vẹt và đen sau 9 tháng làm tranh, HS Nguyễn Thị Hiền trò chuyện với TT&VH:

- Tôi tặng Hà Nội triển lãm này như sự trở về của tôi. Khi bố tôi còn sống, tôi có hứa sẽ làm một triển lãm khi ông 90 tuổi. Triển lãm này còn có nỗi niềm riêng tôi tặng bố, người đã sống và chết với những con chữ.

* Năm 2009 chị mua nhà tại Hà Nội, đây có phải là sự trở về?

- Tôi vào TP.HCM sống từ 1984, năm nào tôi cũng ra Hà Nội hàng chục lần. Tuổi thơ, thời thanh niên, những ký ức quý giá, bạn bè của tôi và gia đình đều ở Hà Nội, nên tâm hồn tôi luôn hướng về. Khả năng thích ứng tốt với các hoàn cảnh, TP.HCM tôi cũng thích, nhưng Hà Nội luôn cho tôi nhiều cảm xúc và mong muốn trở về. Cần có nhà để an cư.

Những con chữ sẽ tiếp tục trưng bày tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ 17h ngày 21/10 đến hết ngày 27/10.

* Cảm xúc của chị khi đưa những bút tích văn nhân vào các bức tranh của mình?


- Thật cảm động khi nhìn chữ và những kỷ niệm hiện về. Nhớ bác Nguyễn Huy Tưởng hiền từ, yêu trẻ. Bác Nguyên Hồng đưa mẹ tôi đi sinh tôi. Nhớ bác Nguyễn Công Hoan dắt tôi tới lớp vỡ lòng. Nhớ bác Văn Cao, bác Bùi Xuân Phái, mỗi lần tôi vẽ tranh lại cùng bố đem tới nhà bác hay mời bác lại xem. Nhớ Đào Trọng Khánh, Lưu Quang Vũ và cả tuổi trẻ của mình.

* Cảm ơn chị và chúc triển lãm thành công!

Vi Vi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm