Họa sĩ Đỗ Xuân Tịnh: Chuẩn hóa học vị giáo dục, tôi ủng hộ!

18/02/2014 09:15 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Dù không hoàn toàn đồng ý với cách làm có tính đột ngột của Bộ GD&ĐT về việc lập tức chuẩn hóa học vị trong ngành giáo dục, vì cần lộ trình bài bản hơn nữa, nhưng họa sĩ Đỗ Xuân Tịnh (Trưởng khoa Mỹ thuật, ĐH Sài Gòn) lại ủng hộ quan điểm: cần chuẩn hóa trong tương lai.

Cũng xin nhắc lại, sau khi Công văn số 454 của Bộ GD&ĐT được ban hành ngày 25/1/2014, cả nước có gần 200 ngành học phải dừng tuyển sinh trong năm 2014 vì thiếu “ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký”.

TT&VH lược ghi ý kiến của họa sĩ Đỗ Xuân Tịnh về vấn đề nêu trên.

1.“Tôi nghĩ rằng giáo dục chính là khoa học, mà khoa học thì có thể học, nghiên cứu và chia sẻ, cấp bằng, cấp học vị được… Chúng ta không nên biến việc giáo dục (dù là giáo dục về nghệ thuật, sáng tạo hay cả tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng…) thành thứ gì đó có tính bí truyền, cảm tính, mà hãy cố gắng chuẩn hóa nó thành kiến thức phổ quát, có thể chia sẻ, giảng dạy được. Tôi đồng ý rằng sáng tạo hay năng khiếu nghệ thuật có thể không chia sẻ được, nhưng nghiên cứu về các điều này thì phải nên làm, càng cụ thể và càng khoa học, càng tốt.


Họa sĩ Đỗ Xuân Tịnh

Chúng ta cứ nói rằng bằng cấp không quan trọng, cũng đúng, nếu đó là thứ bằng cấp hình thức, làm ứng phó, nhưng trong nền giáo dục thực thụ, thì điều này lại rất cần. Bởi chẳng lẽ cứ đại học (hoặc lấy kinh nghiệm) đào tạo đại học, thậm chí lấy kinh nghiệm đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ thì cũng bất cập không kém. Trong nền giáo dục, có thể có vài ngành hay vài cá nhân là ngoại lệ, không cần bằng cấp, nhưng về cấu trúc chung, thì học vị cao đào tạo học vị thấp vẫn đúng hơn”.

Chúng ta nói rằng không cần học vị, vậy tại sao cử nhân (học trung bình mất 4 năm) thì lấy được, mà thạc sĩ hay tiến sĩ (cũng mất thời gian tương đương) thì lại không? Tôi tin rằng khi NSND Bạch Tuyết bảo vệ tiến sĩ, trình độ diễn xuất của bà có thể không hay hơn xưa, nhưng trình độ phân tích hay nhận thức của bà về nghệ thuật cải lương sẽ tăng lên ít nhiều.

2. Với Công văn số 454 của Bộ GD& ĐT, tôi nghĩ rằng chúng ta phải xét tới thực tế đào tạo và học thuật còn yếu của Việt Nam, khi mà số tiến sĩ và thạc sĩ của nhiều bộ môn, nhiều ngành còn quá ít, quá thiếu.

Dừng tuyển sinh đột ngột thì dễ rồi, nhưng liệu khi các ngành này có đủ cơ số tiến sĩ và thạc sĩ để tái tuyển sinh thì lúc ấy liệu có còn giữ được giảng viên cũ không, khi nhiều người phải tìm việc nơi khác. Đây là chưa nói, trong khoa học và nhiều ngành hẹp, vốn cần đào tạo liên tục để có kế tục, bây giờ “tạm giải tán” nhiều năm để chuẩn hóa học vị, khi trở lại, có thể bị tụt lùi. Thậm chí có vài môn, cả nước chỉ còn vài chuyên gia đã cao tuổi, nếu bây giờ dừng, khi trở lại, chắc chi họ còn đủ sức khỏe và minh mẫn để tiếp tục.

Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT phải xem Công văn số 454 như một hồi chuông cấp bách để cùng nhiều ngành nhiều trường chuẩn hóa lại bộ máy của mình”.

Văn Bảy (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm