28/07/2022 08:00 GMT+7 | Giải trí
Năm nay ghi nhận con số “kỉ lục” về số lượng các cuộc thi Hoa hậu. Tình trạng “trăm hoa đua nở” làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Thế nhưng, chưa từng có câu hỏi: Hoa hậu là của chung hay riêng?
Công chúng cần Hoa hậu không?
Trước tiên phải khẳng định, cần. Nếu không cần sao lại có nhiều cuộc thi đến vậy. Tất nhiên, các đơn vị tổ chức cần nhiều hơn và các cuộc thi nhiều cũng đồng nghĩa với việc các cuộc thi Hoa hậu đang được “thương mại hoá” thành hoạt động giải trí.
Thế nhưng, ngược thời gian một chút, cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất thế giới là Miss World chẳng phải cũng xuất phát điểm là hoạt động thương mại giải trí. Miss World - Hoa hậu Thế giới được bắt đầu từ cuộc thi áo tắm ở vào năm Anh 1951 chỉ với mục đích quảng bá các mốt áo tắm mới nhất lúc đó, nhưng được gọi là Hoa hậu Thế giới bởi các phương tiện truyền thông.
Eric Morley, người khởi xướng cuộc thi áo tắm đó đã dự định sẽ chỉ tổ chức cuộc thi này một lần duy nhất nhưng khi nghe tin cuộc thi Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ sẽ được tổ chức tại Mỹ vào năm 1952, ông đã quyết định biến Hoa hậu Thế giới thành một cuộc thi sắc đẹp thường niên. Tương tự vậy là Hoa hậu Hoàn vũ. Cuộc thi được bắt đầu vào năm 1952 do công ty quần áo Pacific Mills ở Mỹ sáng lập.
Sau nhiều biến động của thời gian cũng như thêm các lớp lang vào, các cuộc thi Hoa hậu được “nâng tầm” với các sứ mệnh phục vụ cộng đồng, từ thiện. Công bằng mà nói, các Hoa hậu đã và đang góp phần làm điều đó rất tốt.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thuý Hằng đã trả lời câu hỏi: “Bạn nghĩ gì khi ngày càng có nhiều cuộc thi Hoa hậu?” rằng: “Mọi người đừng chỉ qua tâm câu chuyện có nhiều hay ít mà hãy nhìn vào việc Hoa hậu làm được nhiều hay ít việc cho cộng đồng. Nếu nhiều Hoa hậu làm được nhiều điều tốt thì đó chẳng phải điều đáng mừng hay sao?”.
Đây là một câu trả lời đúng trọng tâm cũng như né được các vấn đề nhạy cảm đồng thời làm nổi bật được giá trị của một Hoa hậu cần phải có: Làm việc từ thiện.
Từ cả góc độ giải trí và việc tốt thì rõ ràng công chúng cần Hoa hậu đó chứ!
Hoa hậu có đáng bị xét nét?
Đáng hay không đáng không hẳn là từ cần phải nói rõ ràng vào lúc này bởi nhìn lại, có cô Hoa hậu nào đăng quang mà ngủ yên được một đêm. Ngay sau thời khắc đăng quang là toàn bộ quá khứ bị lục lại, từ chuyện học hệ cao đẳng, chửi bậy từ 10 năm trước… tới chuyện ngủ trên máy bay không che chắn cẩn thận.
Hoa hậu dường như thành “đích ngắm” cho các chỉ trích, xỉa xói và xâm phạm đời tư (ví dụ như chuyện Hoa hậu Kỳ Duyên ngủ trên máy bay bị chụp trộm và lan truyền). Chuyện Hoa hậu phải “bán” đời tư sau khi đăng quang là một điều bắt buộc phải chấp nhận nhưng không có nghĩa công chúng có quyền phán xét qua sâu vào từng hành động mang phạm trù cá nhân của họ.
Tương tự vậy là các hành động cắt ghép, cố tình phá hoại danh tiếng của một ai đó sau đăng quang chỉ bởi đó là gương mặt không ưa. Còn nhớ ngày trước, Ngô Thanh Vân – Á hậu 2 Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh – đã từng bị một số người ghét đến độ thành lập hẳn trang web để nói xấu. Chuyện lùm xùm một thời gian cũng lặng yên đi. Chẳng ai có thể ghét người khác mãi được.
Thế nhưng, thời điểm này lại là câu chuyện khác. Đời sống xã hội mạng sôi động và tác động mạnh đến nhất cử nhất động của từng cá nhân, đặc biệt là những gương mặt có ảnh hưởng, có danh hiệu. Những Hoa hậu như Tiểu Vy; Khánh Vân; Phạm Hương; Minh Tú đều là những nạn nhân của cắt ghép từ các ý tứ trả lời, đăng tải các trang mạng xã hội.
Từ ý ban đầu rõ ràng đặt trong ngữ cảnh cần thiết bị cắt ghép thì đương nhiên mang một ý nghĩa khác, tiêu cực hơn và ảnh hưởng đến danh dự của họ hơn. Và từ đó, scandal bỗng nhiên ập đến trong ngơ ngác của người trong cuộc.
“Muốn ngồi được vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được sức ép không ai chịu được” là một câu nói rất viral trên mạng xã hội. Thế nhưng, đôi khi, phải chăng sức ép lại đến từ những điều không thật sự thuộc về sứ mệnh – trách nhiệm của họ mà đến từ một nhu cầu cá nhân nào đó trong đời sống đầy thật - giả trên mạng xã hội lắm hiểm nguy?
Chẳng phải chúng ta vẫn luôn cái yêu và bảo vệ cái đẹp đó sao? Hà cớ gì lại cứ tấn công một cô gái vừa chập chững vào đời bỗng được ưu ái bằng một danh hiệu khi chưa có sự chuẩn bị để ứng phó với trách nhiệm quá lớn. Sự cập rập, va vấp là điều khó tránh và thực tâm mà nói, đôi khi ngay cả những khán giả lớn tuổi hơn cô gái đó vẫn còn những sai lầm cơ mà!
Và cuối cùng, dẫu Hoa hậu là của chung hay của riêng thì cũng xin đừng quên, Hoa hậu cũng là một con người, là một cô gái có nhan sắc trẻ trung mới tuổi đôi mươi.
Hãy khoan dung hơn bởi Hoa hậu là một cô gái đẹp!
Thiên Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất