Khi nghệ sỹ xem mình là “cái rốn của vũ trụ”

21/07/2012 13:25 GMT+7

Hành động tự ý bỏ về không tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào ngày 18/7 không chỉ là câu chuyện về ý thức cá nhân mà đó còn là biểu hiện của một mối nguy lớn của xã hội!

Việc hai ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ tự ý bỏ buổi biểu diễn quan trọng trong khuôn khổ Chương trình nghệ thuật chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào ngày 18/7 vừa qua tại thủ đô Viêng Chăn là một điều rất đáng lên án. Điều đó không những thể hiện một cái tôi đáng trách của người nghệ sỹ khi đã đặt nó cao hơn lợi ích quốc gia, hành vi đó còn thể hiện ý thức tổ chức kỹ luật và nhận thức chính trị rất kém của hai ca sĩ này.

Hai nghệ sỹ này không quá già để trở nên lú lẫn, cũng không phải quá trẻ để hành động bồng bột thiếu suy nghĩ; Trọng Tấn và Anh Thơ là đàn anh đàn chị có tên tuổi lớn trong giới với dòng nhạc đỏ, được đông đảo khán giả yêu mến và hơn hết họ còn là người thầy đứng trên bục giảng. Vậy mà họ vẫn có thể hành xử kém ý thức đến như thế!

Là công dân, nghệ sỹ Việt Nam được đại diện cho nghệ sĩ đất nước trình diễn trong chương trình nghệ thuật thể hiện tình hữu nghị giữa quốc gia với nước bạn Lào, thay vì hãnh diện và tự hào mà hăng hái tham gia vì điều đó thì họ lại làm điều ngược lại. Tự ý bỏ về ngay ngày diễn với lý do biện minh là đã ký hộp đồng biểu diễn tại Ninh Bình trong đêm 18/07. Và họ vẫn hồn nhiên như trẻ lên 3 khi nói không nghĩ tới hậu quả đó của việc đó mà chỉ nghĩ đến điều là thực hiện trách nhiệm và lời hứa của một người nghệ sĩ với chương trình mà mình đã hợp đồng trước đó.


Hai ca sỹ Trọng Tấn - Anh Thơ.

Thoạt nghe tưởng chừng đây là lý do dễ cảm thông, song không thể chấp nhận được bởi trước đó đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đề nghị với Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình để thông báo cho Công an tỉnh Ninh Bình đồng ý cho hai nghệ sĩ này không tham gia chương trình do CA Ninh Bình tổ chức ngày 18/7, để tạo điều kiện cho họ ở lại Viêng Chăn tiếp tục tham gia chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Bộ VHTTDL cũng yêu cầu Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cử các nghệ sĩ khác đi Ninh Bình biểu diễn thay hai nghệ sĩ Anh Thơ và Trọng Tấn.

Hai công dân, nghệ sỹ văn minh của Thủ đô chắc đều biết rằng chương trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng. Vậy thì tại sao họ vẫn bỏ về?

Trước câu hỏi này, rất nhiều người đã lập tức lên án ý thức tổ chức cũng như nhận thức kém của hai nghệ sỹ này. Rằng, họ thật vô tâm, bàng quan, thậm chí là vô cảm, vô trách nhiệm! Song, điều đáng băn khoăn nằm ở chỗ, vì sao hai nghệ sỹ này lại có thể hồn nhiên thực hiện hành vi đáng lên án như thế?

Nói là họ đã không hề suy nghĩ về hành vi của mình, bởi nếu suy nghĩ thì hẳn họ đã nhận ra ngay rằng “sao ta có thể làm như thế chứ!” Cò nếu cho rằng hai nghệ sỹ đó không hề suy nghĩ, có thể là võ đoán. Hẳn là có những ý nghĩ đến trước hành vi quyết định tự ý bỏ về. Song, chắc chắn đó không phải là sự suy nghĩ về trách nhiệm, hoặc ý thức công dân. Đó là ý nghĩ về lợi ích cá nhân.

Ý thức về lợi ích nhỏ của bản thân cao hơn rất nhiều, thậm chí vượt trội so với ý thức về trách nhiệm công dân đối với vấn đề ngoại giao, chính trị của quốc gia. Một xã hội mà mỗi công dân luôn xác định vì lợi ích của mình mà không quan tâm đến những thiệt hại lớn cho cộng đồng, đất nước mình đang sống, thì đó là biểu hiện của một mối nguy hại lớn cho xã hội.

Đáng nói hơn nữa là đối tượng ấy lại rơi vào giới nghệ sỹ, trí thức và còn là người thầy như Trọng Tấn và Anh Thơ. Vì thế, việc phạt nặng như cấm biểu diễn và đình chỉ công tác giảng dạy đối với hai nghệ sỹ này là điều rất cần thiết để răn đe và giáo dục về ý thức cộng đồng cho mọi người. Nhất là những người nghệ sỹ có chút danh tiếng thì coi cái tôi mình là tuyệt đối, mình cái cái rốn của vũ trụ rồi chỉ hành động theo suy nghĩ riêng mình! Đối tượng đó trong giới nghệ sỹ ngày nay nhiều lắm!

Theo Năng lượng Mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm