Vụ tai nạn máy bay Đài Loan: Hé lộ sức mạnh của camera hành trình

08/02/2015 07:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các hình ảnh kinh hoàng cho thấy một chiếc máy bay lao qua một cây cầu rồi đâm xuống một con sông ở Đài Loan (Trung Quốc) trong tuần này đã hướng sự chú ý của dư luận vào các loại camera hành trình gắn trên xe hơi.

Không chỉ là phương tiện ghi lại hành trình trong khi chiếc xe di chuyển, các camera này đã thu lại mọi thứ, từ hoạt động lừa đảo cho tới thảm họa hiên nhiên.

Công cụ chống tranh cãi sau tai nạn

Vụ tai nạn của chiếc máy bay thuộc hãng TransAsia, tới nay đã làm ít nhất 40 người chết và nhiều người khác mất tích, được ghi lại bởi ít nhất 2 chiếc xe có trang bị camera hành trình. Đoạn video sắc nét cho thấy chiếc máy bay nghiêng mạnh thân, dường như để tránh các tòa nhà trong thành phố, quệt trúng một chiếc taxi đi ngang qua, trước khi lao xuống sông.

Với việc camera hành trình đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở Nga và các nước phát triển hơn tại châu Á như Hàn Quốc, Singapore, đây không phải là lần đầu tiên một sự kiện gây sốc được ghi hình theo cách này.

Tháng 2/2013, một chiếc camera hành trình đã thu được cảnh một thiên thạch lao xuống vùng Chelyabinsk của Nga, làm hơn 1.000 người bị thương. Còn mùa Hè năm ngoái, chiếc camera khác đã ghi lại cảnh quả tên lửa rơi xuống một xa lộ ở Đông Ukraine, chỉ cách một chiếc xe đang chạy có vài mét.


Hình ảnh do camera hành trình ghi lại vụ tai nạn của chiếc máy bay TransAsia tại Đài Loan

Camera hành trình đã phổ biến trong nhiều năm ở Hàn Quốc, nơi chúng được gọi là "hộp đen". Các camera này gồm những loại từ đơn giản là cắm vào kính chắn gió của xe với ống kính hướng ra phía trước, có giá khoảng 150 USD, cho tới loại camera ghi hình 4 hướng, bao quát được toàn bộ hình ảnh quanh xe, có giá khoảng 400 USD.

Đại bộ phận người dùng xe hơi ở Hàn Quốc sở hữu camera hành trình chủ yếu để phục vụ mục đích bảo hiểm. Giống như nhiều quốc gia khác, chúng được sử dụng như chứng cứ trong tình huống có tai nạn. Các hãng bảo hiểm cũng giảm phí hàng tháng cho các chủ xe dùng camera hành trình.

Tương tự, người Nga cũng hay lắp camera hành trình để tránh tranh cãi sau tai nạn. Ngoài ra, camera còn là công cụ răn đe những kẻ lừa đảo, thích nhảy lên kính chắn gió hay nắp capô của các xe đang di chuyển chậm để đòi tiền bảo hiểm. Xu hướng này đã làm xuất hiện nhiều đoạn video hài hước, có lúc còn ghi được cảnh một kẻ xấu nhảy vào một chiếc xe đang đỗ và giả vờ bị thương.

Camera hành trình "không biết nói dối"

Trên các khu vực còn lại của châu Á, hoạt động dùng camera hành trình là bức tranh hỗn độn. Thiết bị này được sử dụng nhiều ở Hong Kong, Singapore, bắt đầu tăng doanh số ở Australia, Trung Quốc, nhưng chẳng được biết tới ở nhiều nơi khác.

Công ty taxi lớn nhất Singapore đã lắp đặt camera hành trình trên toàn bộ 16.600 xe thuộc sở hữu để có chứng cứ sau tai nạn. Tuy nhiên họ cũng khuyến khích các tài xế cần lái xe thận trọng.


Một chiếc camera hành trình đời mới được giới thiệu tại sự kiện công nghệ CES 2015, tổ chức ở Mỹ

Camera hành trình đã lên mặt báo ở Singapore hồi năm 2012, khi xuất hiện các hình ảnh gây sốc, cho thấy một tài xế người Trung Quốc lái xe Ferrari lao qua đèn đỏ và đâm thẳng vào một chiếc taxi ở giao lộ, làm 2 tài xế và 1 hành khách thiệt mạng.

Trong khi camera hành trình chủ yếu được dùng để xử lý bảo hiểm, chúng còn là công cụ để người ta chống các hành vi lái xe chạy nhanh vượt ẩu. Đây là xu hướng đang xuất hiện ở Australia. Các tài xế có camera hành trình sẽ tải những đoạn video ghi cảnh phóng nhanh vượt ẩu của kẻ khác lên mạng để bêu xấu họ. Tuy nhiên cảnh sát đã kêu gọi cánh tài xế cần cẩn trọng, do việc gắn camera hành trình có thể khiến họ mất tập trung.

Papago, một nhà sản xuất camera hành trình hàng đầu ở Đài Loan, cho biết trong năm ngoái đã bán 1 triệu camera tới Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Australia.

"Doanh số ở Trung Quốc đã tăng 20% trong mấy năm gần đây nhờ sự tăng lên của nhu cầu sử dụng, khi có nhiều vụ giả vờ tai nạn xe hơi để lừa tiền" - quan chức phụ trách tiếp thị Jericho Hsiao nói với AFP - "Với việc camera hành trình đã ghi lại vụ tai nạn máy bay, thế giới giờ đang bàn tán nhiều về sản phẩm này".

Thói quen gắn camera hành trình gần đây đã lan tới châu Âu. Doanh số bán mặt hàng này ước tính đạt 370.000 chiếc ở Pháp vào đầu năm 2014. "Chúng tôi đã chứng kiến một sự dịch chuyển lớn, khi ngày càng có nhiều người trang bị các camera này trong xe của họ. Họ dùng để chống lại rắc rối sau tai nạn. Nhưng camera hành trình còn giúp họ tránh khỏi các vụ gây tai nạn rồi bỏ chạy nữa" - một phát ngôn viên của công ty bảo hiểm Allianz and Amaguiz của Pháp cho biết.

Pierre Chasseray, lãnh đạo hiệp hội các tài xế ở Pháp mang tên 40 Millions d'Automobilistes, nói rằng camera hành trình nên trở thành thiết bị tiêu chuẩn, cần phải có trên xe hơi. "Đây là sự phát triển hết sức tích cực trên phương diện an toàn giao thông. Ngoài ra nó cũng hữu ích trong việc khiến tài xế lái xe có trách nhiệm hơn" - ông nói - "Camera hành trình không bao giờ lừa dối cả".

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm